TTVH Online

Ra sách về Trần Văn Thủy: Chuyện nghề của đạo diễn 'tử tế'

24/05/2013 13:22 GMT+7

Hôm 20/5, cuốn sách đặc biệt Chuyện nghề của Thủy (NXB Hội Nhà văn, Phương Nam Book) của Lê Thanh Dũng và Trần Văn Thủy đã phát hành, kể về hành trình làm phim đầy gian truân và ly kỳ của đạo diễn Trần Văn Thủy.

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm 20/5, cuốn sách đặc biệt Chuyện nghề của Thủy (NXB Hội Nhà văn, Phương Nam Book) của Lê Thanh Dũng và Trần Văn Thủy đã phát hành, kể về hành trình làm phim đầy gian truân và ly kỳ của đạo diễn Trần Văn Thủy. Với nhiều chi tiết sống động, chân thật thuộc thể loại hồi ký, rất đáng đọc để hiểu về nhà làm phim tài liệu nổi tiếng này.

Đọc sách này, một lần nữa, chúng ta lại “giáp mặt” với quá nhiều thử thách, sự hiểu lầm mà NSND này đã phải gánh chịu, để cuối cùng, kết thúc có hậu và cũng chẳng có bí mật gì phía sau.

Bìa cuốn sách Chuyện nghề của Thủy

Cái kết đẹp của Hà Nội trong mắt ai

Trong đời làm phim tài liệu của Trần Văn Thủy, khoảng 20 phim, phần lớn đều gặp sự cố này nọ, mà đa phần là rất khó hiểu. Lề lối tư duy và phong cách làm phim của ông dường như đi trước thời đại hơi xa, nên gặp không ít sự hiểu nhầm.

Trong sách (khoảng 480 trang), Trần Văn Thủy đã vài lần nói chuyện mình đã vô tư đến với một bộ phim như thế nào. Như chuyện làm Hà Nội trong mắt ai, sau nhiều ngày tháng ở hãng phim mà không làm gì, thấy cũng ái ngại, nên khi được giao một kịch bản kiểu quảng bá du lịch về 5 cửa ô ở Hà Nội, ông đã tìm cách để làm cho nó mới mẻ, hấp dẫn hơn.

Sự cố xảy đến với phim này và bản thân đạo diễn thì không thể kể hết, như trang 155 của sách đã viết: “Phim Hà Nội trong mắt ai khởi quay năm 1982 và lập tức gây ra một cơn sóng. Người đã xem thì phần lớn tán đồng và bình luận sôi nổi. Và nó mau chóng... bị cấm!”. Mãi đến 1988, phim mới được tái khẳng định, được trao giải vàng tại LHP Việt Nam.

Ngay bộ phim “đình đám” của Trần Văn Thủy - Chuyện tử tế, cũng được làm với sự vô tư đến lạ lùng, dù lúc ấy Hà Nội trong mắt ai đang gặp rắc rối. Trang 179, sách viết: “Tháng 5/1987, ông Nguyễn Văn Linh (Tổng Bí thư - PV) trực tiếp xem phim Hà Nội trong mắt ai. Ông rất ngỡ ngàng vì những đồn thổi bấy lâu nay về bộ phim. Ông thành thật hỏi chúng tôi: - Bộ phim này nó chỉ có thế thôi à các anh? - Vâng, bộ phim nó chỉ có thế thôi ạ! - Nếu chỉ có thế này thôi thì tại sao lại cấm. Hay vì trình độ có hạn mà tôi không hiểu được?”.

“Tiếp đó ông đã cho tổ chức chiếu lại Hà Nội trong mắt ai ở hội trường Nguyễn Cảnh Chân, mời những người có trọng trách, những người lãnh đạo văn hóa văn nghệ, phụ trách các hội văn học nghệ thuật đến xem và bỏ phiếu thuận hay chống. Tất cả đã bỏ phiếu thuận. Có nghĩa là bộ phim sẽ được ra công chúng”.

Cắt nghĩa việc được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và hàng chục văn nghệ sĩ, trí thức, nhà doanh nghiệp giúp đỡ, ủng hộ, Trần Văn Thủy cho biết chủ yếu là “duyên thời cuộc”, lúc ấy có những con người muốn đổi mới, chứ không phải vì thân thích.

Đến những bí mật nghề nghiệp

Trong lịch sử phim tài liệu chính thống của Việt Nam cho đến tận ngày nay, đa phần được làm với tiền Nhà nước, thường chẳng màng đến việc bán vé để hòa vốn hay thu lợi nhuận. Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế là hai phim tài liệu chính quy đầu tiên và hiếm hoi làm được điều này? Đây có lẽ là một thực tế quá rõ ràng nhưng đã bị biến thành bí mật chung của ngành phim tài liệu, qua cuốn sách, Trần Văn Thủy nhắc lại và người đọc thấy sững sờ.

Hay như phim Phản bội, bộ phim tài liệu nhựa (mà theo Trần Văn Thủy bật mí) dài nhất trong lịch sử phim tài liệu Việt Nam cho đến nay: 90 phút. Đây là một tư liệu sống động về chiến tranh biên giới, nhưng cũng được làm khá tình cờ, khi mà năm 1978, ông nói với lãnh đạo hãng phim là nên làm một cái gì đó về biên giới. Lãnh đạo đi thực tế về nhận xét: “Đúng là tình hình căng thẳng lắm. Chúng ta phải làm một cái gì đó. Nhưng cái gì đó là cái gì thì cậu làm đi”, thế là Trần Văn Thủy vào cuộc.

Cũng như tác phẩm Nếu đi hết biển, một thời rất ồn ào, ông kể rằng tất cả do nhà văn Nguyên Ngọc “xúi giục”. Không có sự giới thiệu và động viên của Nguyên Ngọc, cùng sự giúp sức, cổ vũ của vài nhà văn khác như Hoàng Khởi Phong, Cao Xuân Huy, Nguyễn Mộng Giác… thì chưa chắc ông chịu đi và chịu làm. 

Trong cuốn sách, Trần Văn Thủy cho thấy rằng ông rất thích làm phim, làm về sự thật trước mắt. Ông là đạo diễn thường được đặt hàng, nhưng lại thích làm theo thực tế câu chuyện, kịch bản chỉ còn là cái cớ. Từ những phim nổi tiếng ở trên, đến những phim sau này như Chuyện từ góc công viên, Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai, Mạn đàm về người Man di hiện đại… đều như vậy. “Tôi cũng đang làm ba tập Vọng khúc ngàn năm. Và còn vài kịch bản nữa đang đợi tôi. Tôi vẫn làm phim”, đó là Trần Văn Thủy hiện nay.

Còn tại sao ông viết cuốn sách với “không có một mảy may chi tiết hư cấu”, qua một câu chuyện khác, Trần Văn Thủy trả lời thế này: “Nói thế cho nó minh bạch chứ phần tôi rất nhẹ lòng, nhẹ lòng vì cái đích tôi muốn tới đã tới. Phim của chúng tôi đã tới được với người xem ở các quốc gia Âu, Á, Mỹ, Úc. Và điều quan trọng là thiên hạ có thể nể trọng người Việt Nam chúng ta hơn; con người với con người xích lại gần nhau hơn” (trang 266).

NHƯ HÀ
Thể thao & Văn hóa


Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN