TTVH Online

Nhà thơ Lê Minh Quốc: Bẩm sinh đã sợ đàn bà

19/05/2013 07:01 GMT+7

Nhà thơ Lê Minh Quốc viết rất khỏe vì cả đời sống độc thân nhưng lại rất sợ... đàn bà.

(Thethaovanhoa.vn) - Trung bình mỗi năm Lê Minh Quốc xuất bản ít nhất một cuốn sách, có khi là thơ, hoặc biên khảo hoặc tạp bút... Chưa kể hằng ngày anh phải chu toàn công việc của cơ quan báo Phụ nữ TP.HCM; anh còn cặm cụi viết theo đơn đặt hàng của các báo bạn. Anh cho biết viết được khỏe như vậy vì cả đời sống độc thân nhưng lại rất sợ… đàn bà.

Nhà thơ Lê Minh Quốc

NXB Hội Nhà văn và Phương Nam book vừa ấn hành tập phiếm luận Tôi và đàn bà của Lê Minh Quốc. Đây là cuốn sách cung cấp nhiều nghiên cứu thú vị về quan hệ nam nữ xưa nay, trong đó có chuyện phòng the của người Việt, đồng thời Lê Minh Quốc cũng gửi gắm khá nhiều tình riêng của chính anh.

Tiểu thuyết về phòng the của người Việt hơn 300 năm trước

Tình dục vẫn là chủ để "nhạy cảm" ở nước ta hiện nay. Nhiều cuốn sách đề cập đến sex đã bị thu hồi, một số triển lãm chuyên đề ảnh khỏa thân đã bị từ chối. Tất nhiên, nhiều tác phẩm trong số này không hợp với “thuần phong mỹ tục” nên bị “từ chối” là lẽ đương nhiên.

Vậy nhưng, hơn 300 năm trước, người Việt đã viết về tình dục rất táo bạo. Thật thú vị khi trong Tôi và đàn bà, Lê Minh Quốc đã bật mí về chuyện này. Cuốn sách với nhiều chuyện phòng the ấy có ký hiệu A.2829 của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, với một bản chép tay duy nhất có tên Hoa viên kỳ ngộ tập, gồm 46 tờ tương ứng 92 trang 27x15cm, trang đầu có đóng dấu của Thư viện Viễn đông Bác cổ Pháp.

Lê Minh Quốc cho biết: “Hoa viên kỳ ngộ tập không ghi tên tác giả, nhưng câu chuyện diễn ra tại đất Nam Xang tương ứng với huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam hiện nay. Tác phẩm này tôi đọc qua bản dịch của ông Phan Văn Các - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Có thể so sánh Hoa viên kỳ ngộ tập như một Tây sương ký của Vương Thực Phủ bên Tàu. Rất tiếc, thời đó chúng ta không có một nhà phê bình văn học cỡ Kim Thánh Thán để nhận ra giá trị của tiểu thuyết viết chuyện phòng the thuộc loại đầu tiên của người Việt”.

Hoa viên kỳ ngộ tập kể về chuyện tình của chàng trai tuấn tú, học giỏi tên Sinh và hai chị em ruột con nhà gia giáo Lan Nương và Huệ Nương. Mối tình này được diễn đạt với ngôn ngữ tiểu thuyết có nhiều cảnh quan hệ tính dục được viết rất “mạnh tay”. Cô chị Lan Nương sẵn sàng “chia sẻ” chàng Sinh với em gái Huệ Nương, thậm chí còn với cả “osin” của hai nàng này nữa. Kết thúc câu chuyện có hậu khi chàng Sinh đi thi đỗ đạt và cả ba người cùng sống chung êm ấm.

Vậy Hoa viên kỳ ngộ tập xuất hiện trước công chúng rộng rãi ở đâu? Lê Minh Quốc cho biết: “Tiểu thuyết này in trong Tổng tập Tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam (NXB Thế giới -1997) là công trình công phu, nghiêm túc Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Tuy nhiên, những bộ sách như thế hạn chế người đọc, vì chỉ có dân nghiên cứu mới đọc loại sách này. Trong phần đề dẫn liên quan đến Hoa viên kỳ ngộ tập, nhà nghiên cứu Trần Nghĩa - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm viết: “Phải chăng đó là phản ứng, thậm chí một cách trả thù đối với những khắt khe của lễ giáo phong kiến trong lĩnh vực tình yêu mà tác giả Hoa viên kỳ ngộ muốn giải tỏa để đi tới chỗ được tự do yêu đương, tự do ân ái theo tiếng gọi bản năng của sinh vật tiềm ẩn trong mỗi con người?”.

Tôi và đàn bà

Sợ đàn bà nhưng không thể sống thiếu họ

Khoảng hai năm trước, Lê Minh Quốc đã in cuốn Gái đẹp trong tôi, có thể nói là tập Tôi và đàn bà đầu tiên vậy. Với Gái đẹp trong tôi, Lê Minh Quốc “luận” về phụ nữ, từ cảm hứng Truyện Kiều đến các câu tục ngữ, ca dao viết về tình yêu đôi lứa của người Việt. Ở Tôi và đàn bà, ông nhà thơ này cũng “luận” về phụ nữ nhưng “lấy cảm hứng” từ chính “nỗi sợ đàn bà” của mình.

Lê Minh Quốc “tự thú” về nỗi sợ ấy rất… thật thà: “Chẳng có gì phải giấu giếm, bình sinh tôi là người nhút nhát, ngay từ lúc oa oa chào đời đã… sợ đàn bà. Thuở nhỏ, sống trong nhà thì sợ mẹ, sợ chị; đến trường sợ cô giáo; lên đại học sợ bạn gái lẫn người yêu. Khi đi làm kiếm sống, trời ơi, ròng rã gần 30 năm, tôi chỉ làm việc dưới quyền của sếp nữ”.

Có phải vì “bẩm sinh đã sợ đàn bà” nên Lê Minh Quốc đã viết các cuốn sách “luận” về “một nửa thế giới” nhằm lý giải nỗi sợ của mình hay không? Những ai biết về cuộc sống riêng tư của nhà thơ này đều có thể khẳng định: “Lê Minh Quốc làm người tình rất thành công, được rất nhiều quý bà, quý cô yêu thích. Nhưng Lê Minh Quốc lại là kẻ thất bại trong cuộc sống gia đình”. Chính anh thừa nhận: “Tôi thất bại não nề và cay đắng”.

Tôi và đàn bà được tác giả chia ra 17 chương để lý giải “nỗi sợ” ấy của anh: Bí ẩn tạo hóa, Phụ nữ ba miền, Tuổi của nàng, Cảm giác của dục tính, Con hư tại ai?, Thưa quý ngài, sao không tự nâng mình lên?... Không chỉ là kinh nghiệm cá nhân về… đàn bà, Lê Minh Quốc còn trích dẫn rất nhiều thơ, văn viết về tình yêu, chăn gối mà anh cho là đúng với những gì mình đã trải nghiệm.

Như người đàn ông khóc thống thiết nói với đấng Twashtri: “Ngài ơi! Tôi không thể nào sống chung được với nó”. Đấng Twashtri trả lời: “Mi không sống được với nó, nhưng mi cũng không thể sống thiếu nó”. Hóa ra, Lê Minh Quốc cũng giống như câu trả lời của đấng Twashtri, anh vừa sợ nhưng không thể trốn tránh nỗi sợ của chính mình, thậm chí còn “yêu nồng nàn” nỗi sợ đó nữa.

Điều thú vị trong Tôi và đàn bà là lời bạt lại do “một bà” viết. Tác giả Chị Đẹp (blogger Lê Phương Thảo), nhận định về Tôi và đàn bà: “Nếu tôi là đàn ông, tôi muốn người đàn bà của tôi: Nói cho tôi biết họ muốn gì. Và đừng bao giờ muốn tôi là nơi nương tựa của họ. Nghe hãi lắm”.

Trần Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN