TTVH Online

Vụ sập nhà kinh hoàng ở Bangladesh: Chân dung gã chủ tòa nhà

05/05/2013 07:35 GMT+7

Vụ sập tòa nhà Rana Plaza cao 8 tầng, nơi chứa 5 xưởng dệt may ở thị trấn Savar nằm cạnh vùng ngoại ô thủ đô Dhaka của Bangladesh, đã biến một người đàn ông trở thành nhân vật bị cả nước ghét bỏ.

(Thethaovanhoa.vn) - Vụ sập tòa nhà Rana Plaza cao 8 tầng, nơi chứa 5 xưởng dệt may ở thị trấn Savar nằm cạnh vùng ngoại ô thủ đô Dhaka của Bangladesh, đã biến một người đàn ông trở thành nhân vật bị cả nước ghét bỏ. Nhân vật đó là Mohammad Sohel Rana, chủ tòa nhà Rana Plaza.

Những ngày này, Rana đang nỗ lực trong tuyệt vọng nhằm chứng minh rằng mình không có tội trong thảm họa kinh hoàng xảy ra vào ngày 24/4, vốn đã khiến hơn 500 người thiệt mạng.


Rana (giữa) bị bắt và dẫn giải về Dhaka

Thất học nhưng lắm mánh khóe

Phần lớn sự tức giận của dư luận đổ vào Rana xuất phát từ việc công nhân vẫn bị buộc phải vào làm trong tòa nhà, dù nó đã xuất hiện các vết nứt chỉ một ngày trước khi đổ sập xuống.

Rana đã nói ngay sau khi bị bắt giữ, rằng các chủ xưởng dệt may ở trong nhà mới là những người nằng nặc đòi tiếp tục được đưa công nhân vào nhà làm việc. Vài chủ xưởng hiện đã bị cảnh sát bắt giữ.

Nhưng nếu xem xét lý lịch của nhân vật này và cả câu chuyện về Rana Plaza, có thể thấy Rana sẽ không đáng nhận được sự cảm thông từ người Bangladesh hoặc từ báo chí.

Rana được dân địa phương cho biết có xuất thân từ một gia đình nghèo khó, là một kẻ thất học. Tuy nhiên ông ta lại có trong tay các mánh khóe làm tiền nhanh.

Sau khi tham gia vào phong trào chính trị thời sinh viên trong những năm 1990, Rana đã thành lập nhiều doanh nghiệp, dưới sự bảo trợ của các chính trị gia khác nhau.

Nhưng sự trỗi dậy về ảnh hưởng của Rana chỉ thực sự tới sau các cuộc bầu cử hồi năm 2008, khi Touhid Jong (tên khác là Murad Jong) được bầu vào hội đồng lập pháp địa phương. Rana khá thân thiết với ông này. ''Rana trở nên mạnh hơn dưới sự bảo trợ của Murad Jong'' -  Phó chủ tịch phụ trách khu vực Savar của đảng Awami League (AL) là Ashrafuddin Khan cho biết.

Theo Khan, dưới sự bảo trợ của Hong, Rana đã trở thành một nhân vật quan trọng trong đoàn thanh niên Jubo League của AL. Rana đã sử dụng vị thế của mình để gây ảnh hưởng ở địa phương và làm ăn phi pháp. 



Thân nhân những người mất tích trong vụ sập nhà ở Bangladesh chất vấn chính quyền về công tác tìm kiếm cứu nạn

Tay chân của các chính trị gia

"Ông ta nổi tiếng như một tay gangster ở trong vùng" - Firoz Kabir, chủ tịch hội đồng điều hành Savar cho AFP biết. Còn theo lời Khan, "Rana được cho là đã kiểm soát một băng đảng thế giới ngầm trong khu vực và còn điều hành hoạt động tống tiền, buôn bán ma túy".

Báo chí Bangladesh không ngần khại mô tả Rana như "cơ bắp" của các chính trị gia mờ ám. Quyền lực, ảnh hưởng và tiền bạc mà nhân vật này có được là nhờ "đánh đấm thuê" cho giới chính trị. Báo chí cũng nói rằng các sĩ quan cảnh sát từ Tiểu đoàn Phản ứng nhanh, những người đã bắt giữ Rana vào ngày 28/4, còn cáo buộc Rana đã chiếm đất trong vùng Savar theo lệnh của các ông chủ chính trị.

Cần biết rằng trong những năm 1990, Savar từng là một nơi có vị thế đẹp do nằm gần Dhaka, được nhiều người muốn đặt nhà máy hoặc xây nhà ở đây. Tại cơn sốt đất diễn ra sau đó, tình trạng cướp đất trái phép trở nên lan tràn.

Theo Khan, Rana đã thành lập hai doanh nghiệp liên quan tới đất đai, hợp tác cùng các quan chức chính quyền để làm ăn. Nhưng Khan nói rằng phần lớn đất đai được các công ty này mua bán đều đã bị tước đoạt theo cách thức mang tính cưỡng bức.

Một trong những mảnh đất như thế chính là nơi Rana xây tòa nhà Rana Plaza, trước khi nó đổ sập. Rabindranath Sarkar, chủ nhân một tòa nhà gần đó, cho hãng tin BBC biết rằng mảnh đất này từng được ông và cha Rana là Abdul Khalek đứng chung sở hữu. Nhưng gia đình Rana đã chiếm không mảnh đất và cố tình xây nhà, dù nó có tên của Sarkar ở trong. Ông đã tới gõ cửa nhiều cơ quan ban ngành để tìm sự trợ giúp, nhưng không ai trả lời vì ảnh hưởng chính trị của Rana.

Lá chắn rơi rụng

Rana lẽ ra đã tiếp tục được chiếc lá chắn bất khả xâm phạm ấy bảo vệ, nếu không có vụ sập nhà. Sự kiện tòa nhà Rana Plaza sập xuống đã khiến Rana rơi vào tâm điểm chú ý của cả nước, dẫn tới nhiều cáo buộc liên quan tới cách thức làm ăn đầy mờ ám của ông ta.

Sau vụ tai nạn, Rana đã tìm cách chạy trốn trước khi bị bắt giữ tại thị trấn biên giới Benapole. Đích thân Thủ tướng Shiekh Hasina đã ra lệnh bắt Rana, cho thấy phần nào tầm quan trọng của vụ việc. Ông ta đã bị đưa trở lại Dhaka bằng trực thăng để đối diện các cáo buộc khác nhau.

Hiện AL đã giữ khoảng cách với Rana. Tương tự, Jong đã nhanh chóng bác bỏ mối quan hệ với Rana, dù rằng các tờ báo và trang mạng ở Bangladesh đã tải lên nhiều bức ảnh có hai người đứng cạnh nhau.

Nhiều thi thể đã phân hủy trong tòa nhà sập

10 ngày sau vụ sập nhà kinh hoàng, các đội tìm kiếm cứu nạn Bangladesh vẫn phải đối mặt với ác mộng khi họ vẫn tìm thấy thêm nhiều thi thể nạn nhân mới. Con số người chết đã tăng lên 547 người trong ngày 4/5 và mùi hôi thối bốc lên là bằng chứng cho thấy công việc vẫn chưa hoàn tất.

Lực lượng cứu hộ cho biết một số thi thể đã biến dạng tới mức chỉ còn trơ xương không có thịt. Kể từ sau vụ tai nạn, nhiệt độ ngoài trời đã thường xuyên từ 32 độ trở lên, khiến tình trạng phân hủy của các thi thể càng diễn ra mạnh.

Nhiều thi thể hiện đã phân hủy tới mức khó có thể nhận dạng. Số khác may mắn hơn, vẫn có thể nhận dạng được vì họ mang theo thẻ căn cước bên mình. Cho tới giờ, lực lượng cứu hộ mới dám dùng máy móc hạng nặng đào sâu vào tòa nhà để tới các tầng nằm gần mặt đất và thu hồi thi thể của những người lẽ ra đã có thể thoát chết.

Các quan chức tin rằng số người thiệt mạng sẽ còn tăng vượt con số 547. Con số người mất tích chính thức hiện là 149 người.

Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN