TTVH Online

Nhà văn gốc Việt Lệ Tân Sitek: Ngoài là đồ Tây, nhưng trong vẫn là người Việt

18/04/2013 13:58 GMT+7

Nữ kiến trúc sư kiêm nhà văn gốc Việt Lệ Tân Sitek (tức Bùi Lý Lệ Tân) đã sống hơn 70 năm cuộc đời ở 4 đất nước: Trung Quốc, Việt Nam, Ba Lan, Na Uy. Xuất thân đặc biệt, tác giả cũng có những trải nghiệm khác thường.

(Thethaovanhoa.vn) - Nữ kiến trúc sư kiêm nhà văn gốc Việt Lệ Tân Sitek (tức Bùi Lý Lệ Tân) đã sống hơn 70 năm cuộc đời ở 4 đất nước: Trung Quốc, Việt Nam, Ba Lan, Na Uy. Xuất thân đặc biệt, tác giả cũng có những trải nghiệm khác thường.

Buổi giới thiệu 2 cuốn sách Một mình trên đườngNgã ba đường của nhà văn Lệ Tân Sitek (Sitek là họ chồng, ông Ryszard Sitek người Ba Lan), vừa diễn ra tại Hà Nội. Đây là 2 tập của một bộ tiểu thuyết - tự truyện do NXB Trẻ ấn hành, kể về cuộc đời của tác giả, một cuộc đời gắn chặt với lịch sử Việt Nam.

Năm nay 74 tuổi, hầu như cả đời làm nghề kiến trúc, đến trước năm 70 tuổi, bà Lệ Tân quyết định nghỉ để tập trung vào viết sách.

Tự viết, tự dịch sách bằng hai ngôn ngữ Việt - Ba Lan

Nhiều người gốc Việt khi về thăm nước sau hàng chục năm sống ở nước ngoài thì không còn nói được tiếng Việt. Nhưng Lệ Tân thì khác, dù trong đời chỉ sống 10 năm ở Việt Nam nhưng bà vẫn rất thành thạo tiếng Việt, cả viết lẫn nói. Bất chấp mái tóc trắng, bà trông vẫn đẹp, khỏe mạnh, nhất là nhờ cách ăn mặc trẻ trung kiểu phương Tây. Nghề nghiệp kiến trúc sư (trước đây còn suýt theo ngành đóng tàu) và cách ăn nói gãy gọn, hài hước cho thấy một phụ nữ có cá tính mạnh.

Tác giả Lệ Tân Sitek trong buổi ra mắt sách ở café Trung Nguyên, Hai Bà Trưng, Hà Nội sáng 13/4

2 cuốn tiểu thuyết khá dày dặn, trong đó Một mình trên đường được viết bằng tiếng Việt trước rồi dịch sang tiếng Ba Lan – đất nước mà bà Lệ Tân coi như quê hương thứ hai, còn Ngã ba đường thì ngược lại. Chính tác giả đảm nhận công việc dịch thuật.

Trong lời nói đầu cuốn Một mình trên đường, tác giả thừa nhận: “Đây không hoàn toàn là một hồi ký, cũng không phải là một quyển sách lịch sử nhưng mang rất nhiều sự kiện đã xảy ra trong tuổi thơ của tôi. Địa danh cũng như nhân vật nơi thực nơi không, có thêm có bớt”. Trong cả hai tập sách, nhân vật chính được tác giả đặt tên là An, chữ “An” trong từ “Nghệ An” là quê hương của bà.

Có bản lĩnh thì không sợ hòa nhập

Tự tin, nhà văn cho biết 2 cuốn sách về đất nước Việt Nam xa xôi của bà rất được độc giả Ba Lan đón nhận. Một lý do quan trọng là Ba Lan là một dân tộc rất yêu đọc sách, sách vẫn là món quà quen thuộc mà người ta tặng nhau trong mọi dịp đặc biệt: Noel, năm mới, sinh nhật… Ở Ba Lan, cuốn Một mình trên đường bán được 3.000 bản trong 3 tuần đầu phát hành hồi năm 2010.

Còn một lý do khác: “Có người nói với tôi, viết về Việt Nam thì dễ, chỉ cần mua vé bay sang Việt Nam rồi đi dọc từ Bắc tới Nam, nhưng để thực sự hiểu thì khó. Sách của tôi giúp người Ba Lan thấy cuộc sống của người Việt Nam không quá xa lạ” - tác giả nói.


Bìa hai cuốn sách Một mình trên đường và Ngã ba đường. Ảnh bìa cô gái Việt Nam mặc áo dài đội nón lá - một hình ảnh truyền thống nhưng được vẽ theo phong cách hiện đại, để lại nhiều ấn tượng cho độc giả

“Nước ngoài biết rất ít về Việt Nam. Cộng đồng người Việt Nam ở đó sống khá khép kín. Người bản xứ chỉ biết những món ăn ngon, những quán ăn, quán bar, trung tâm thương mại của người Việt nhưng lại không biết người Việt là như thế nào. Đó là điều độc giả nước ngoài nói với tôi trong các buổi nói chuyện”.

Nhưng đó không phải là đặc điểm của riêng người Việt. Trong cuốn sách Ngã ba đường, tác giả đã chỉ ra rằng đó là cách sống của con người nói chung khi ở nước ngoài hay một môi trường xa lạ.

Bà nói: “Cách ứng xử rất tự nhiên là quanh quẩn trong môi trường của mình và từ chối hòa nhập. Người ta sợ nếu hòa nhập thì sẽ mất “bản sắc”. Nhưng nếu người ta được giáo dục trong gia đình và có bản lĩnh thì không có gì phải sợ. Họ có thể không mặc áo dài mà mặc đồ Tây nhưng bên trong vẫn là người Việt Nam, rất Việt Nam”.

Điều mà bà Lệ Tân ân hận trong cuộc đời của mình? Quãng đời sống ở Việt Nam quá ngắn ngủi: từ năm 1945 đến năm 1955. “Trong thời gian tôi không có mặt, lịch sử đất nước đã có những biến chuyển lớn. Những người có mặt đã đưa dân tộc đi chặng đường này đến chặng đường khác và tôi đã không thể tham gia cùng họ”.

Cuộc giới thiệu sách của Lệ Tân ở Hà Nội lần này là nơi hội ngộ của người thân, bạn bè và cả những người quen cũ của tác giả. Một giảng viên Đại học Bách Khoa Hà Nội đã đứng lên kể lại lần gặp gỡ của ông và bà Lệ Tân ở Bắc Kinh năm 1958 và cho biết đối với ông, bà chính là “mối tình đầu”. Đáp lại, nữ tác giả xin lỗi vì… không nhận ra ông.

Sau buổi nói chuyện tại Hà Nội, trong thời gian tới, bà Lệ Tân sẽ tiếp tục đến TP.HCM và quan trọng hơn là một buổi giới thiệu sách tại chính quê hương của bà - Nghệ An.

Tác giả Lệ Tân Sitek hay Bùi Lý Lệ Tân mang dòng máu Việt Nam nhưng sinh tại Hồ Nam, Trung Quốc vào năm 1939. Bà là con gái đầu của 2 nhà lão thành cách mạng người Việt từng hoạt động nhiều năm tại Trung Quốc: ông Bùi Hải Thiệu (bí danh Lý Quốc Lương) và bà Hoàng Lệ Minh (bí danh Lý Phương Thuận).

Năm 1944, Lệ Tân cùng mẹ và hai em gái về Việt Nam. 10 năm sau đó, bà sống với bà nội và các cô chú tại làng Phổ Đông, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 1955, Lệ Tân được đi du học Ba Lan.

Năm 1964, bà tốt nghiệp ngành kiến trúc. Năm 1962, bà kết hôn với ông Ryszard Sitek. Từ 1967 đến nay, bà cùng chồng và hai con trai định cư ở Oslo, Na Uy.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN