TTVH Online

TP.HCM: Hết chỗ biểu diễn nghệ thuật?

15/04/2013 10:16 GMT+7

Tháng 3/2013 khi một đơn vị tổ chức biểu diễn đặt vấn đề thuê Nhà hát TP.HCM cho một chương trình ca nhạc, câu trả lời nhận được là: Nhà hát đã kín chỗ đến hết năm 2013!

(Thethaovanhoa.vn) - Tháng 3/2013 khi một đơn vị tổ chức biểu diễn đặt vấn đề thuê Nhà hát TP.HCM cho một chương trình ca nhạc, câu trả lời nhận được là: Nhà hát đã kín chỗ đến hết năm 2013! Nhà hát Hoà Bình được chọn thay thế, nhưng chi phí thiết kế sân khấu sẽ đội lên gấp đôi vì toàn bộ mặt sân khấu của nhà hát lớn nhất TP.HCM đã hư hỏng, song nếu không “book” ngay thì cũng hết chỗ!

Nhà hát TP.HCM: Quá tải

Mới đây, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng phải dời ngày diễn live show 1 tháng, từ 27/3 sang 27/4, mặc dù kế hoạch được lên từ năm ngoái và đã đặt chỗ tại Nhà hát TP.HCM, thậm chí một số vé đã bán. Số là đúng ngày 27/3, UBND TP.HCM buộc phải sử dụng nhà hát để tổ chức chương trình tiếp đón phái đoàn ngoại giao Myanmar. 

Nhà hát TP.HCM được xây dựng từ năm 1900, đến nay vẫn là nhà hát duy nhất ở TP.HCM đầy đủ tiêu chuẩn cần thiết cho biểu diễn nghệ thuật

 “Nhà hát TP.HCM đang quá tải và không thể đáp ứng đủ nhu cầu thưởng thức văn hóa của người dân thành phố. Tôi thấy rằng cần phải xây thêm ít nhất là 3 nhà hát nữa chứ không chỉ 1 nhà hát. Hãy nhìn lại sau 40 năm giải phóng đất nước, chúng ta đã xây được bao nhiêu nhà hát, trong khi đó đã xây bao nhiêu nhà hàng, khách sạn thì sẽ thấy nhà hát ít hay nhiều” - Ông Lê Hữu Luân, Giám đốc Trung tâm Tổ chức biểu diễn và Điện ảnh, đơn vị chủ quản của Nhà hát TP.HCM

Đến thời điểm này, Nhà hát TP.HCM đã kín lịch biểu diễn trong cả năm 2013 trong đó có nhiều buổi diễn là những chương trình định kỳ hàng tháng miễn phí thuộc đủ thể loại: Cách mạng mùa Thu và mãi mãi (ca nhạc), Làn điệu phương Nam (cải lương), Cầu vồng tuổi thơ (thiếu nhi); rồi chương trình định kỳ của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM; các suất diễn dành cho khách du lịch của À Ố Show hay chương trình Hồn Việt (của nghệ sĩ cải lương Linh Huyền và Công ty Mekong)…

Những ngày còn lại cũng đã được đặt hết, với những chương trình biểu diễn của nghệ sĩ trong nước, quốc tế và hầu hết được đặt từ năm 2012. Không chỉ là địa điểm biểu diễn nghệ thuật, nhà hát còn là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa khác. Các lễ kỷ niệm, sự kiện chính trị, ngoại giao của thành phố cũng hầu hết diễn ra tại đây.

Bên cạnh đó, nhà hát còn cho thuê để tổ chức các sự kiện về giáo dục, y tế… Theo lãnh đạo đơn vị chủ quản của Nhà hát TP.HCM thì lúc này chỉ có thể đặt lịch thuê cho năm… 2014.

Nhà hát Hòa Bình: Sân khấu phụ thuộc vào… khí hậu

Vốn là nhà hát của quận 10, TP.HCM, Hòa Bình hiện là nhà hát lớn nhất cả nước với tổng diện tích khuôn viên 16.500m2, khu biểu diễn 2.330 chỗ ngồi. Tuy nhiên, nhà hát này nay đã trở nên cũ kỹ, lạc hậu và xuống cấp.

Nhiều đạo diễn ca nhạc, nhà tổ chức biểu diễn bày tỏ rằng họ rất ngán ngại khi phải dàn dựng chương trình ở Nhà hát Hòa Bình. Nơi đây không chỉ cũ kỹ, lạc hậu mà diện tích quá lớn, sân khấu rộng cũng khiến cho chi phí dàn dựng đội lên rất nhiều. Dàn âm thanh đủ để đảm bảo chất lượng âm nhạc cũng phải tốn kém hơn dàn âm thanh đặt trong Nhà hát TP.HCM.

Hệ thống sân khấu quay vốn là niềm tự hào của nhà hát, được coi như một “đặc sản” của địa điểm biểu diễn này, dù đã được tu sửa nhiều lần, đến giờ đã không còn hợp thời. Không chỉ thế, mỗi khi mùa mưa hoặc triều cường, mực nước mặt dâng cao khiến bề mặt của phần sân khấu quay nhô lên khỏi mặt sàn sân khấu tới hơn chục cm. Các nhà tổ chức thường phải khắc phục tạm bợ bằng cách đóng gá lại những vị trí nhô cao để đảm bảo nghệ sĩ sẽ không bị vấp ngã khi đang biểu diễn. Và tình trạng này không thể kiểm soát mà phụ thuộc hoàn toàn vào… khí hậu.

Nhà hát Hòa Bình cơ sở vật chất đã cũ kỹ, lạc hậu

“Nhà hát đã xây cách đây gần 30 năm, mặc dù có duy tu sửa chữa nhưng khó tránh được sự cũ kỹ lạc hậu. Diện tích nhà hát quá lớn nên chi phí cho việc duy tu sửa chữa cũng lớn theo. Cứ vào dịp cuối năm, nếu muốn quét lại sơn cho tường rào được sáng sủa khang trang đón năm mới, chúng tôi cũng phải bỏ ra vài chục triệu mới đủ. Đá lát sàn đã rất cũ nhưng nếu muốn thay thì không biết bao nhiêu tiền cho đủ” - Bà Phạm Thị thái, Giám đốc Nhà hát Hòa Bình

Khán phòng với 2.330 ghế ngồi cũng gây khó khăn cho các nhà tổ chức. Thực tế là nhiều chương trình tổ chức ở đây đã phải chịu cảnh khán giả lác đác lọt thỏm giữa hàng trăm chiếc ghế trống.

Nhà hát Hòa Bình được khánh thành từ năm 1985. Trước đây, nhà hát có đội ngũ tổ chức những chương trình riêng, định kỳ cho cả người lớn lẫn trẻ em như Bài ca không quên, Tuổi thần tiên

Nhà hát cũng từng là nơi dừng chân của các ngôi sao quốc tế như Bryan Adams, John Denver, Air Supply, Patricia Kass, Jean-jacques Goldman, Enzo - enzo… và cả dàn nhạc giao hưởng Philadelphia danh tiếng.

Năm 2005, nhà hát được đầu tư tu sửa toàn diện, thay toàn bộ ghế ngồi, làm lại hệ thống sân khấu quay đồng thời trang bị thêm màn hình chiếu phim đại vĩ tuyến cùng hệ thống âm thanh rạp chiếu, trở thành rạp chiếu bóng lớn nhất Việt Nam.

Tuy nhiên, hoạt động chiếu phim không mang lại hiệu quả về doanh thu cho nhà hát bởi với diện tích quá lớn, rạp chiếu này không bao giờ được khán giả lấp đầy. Rất nhiều buổi chiếu phim phải hủy do tiền bán vé không đủ bù đắp chi phí điện, nhân viên phục vụ…


TP.HCM hiện có hơn 20 điểm biểu diễn nghệ thuật nhưng cơ sở vật chất của đa số các điểm này đã xuống cấp. Có những rạp hát xuống cấp tới mức không thể sử dụng được và phải đóng cửa, có những nơi đã bị đập ra với kế hoạch xây lại nhưng sau mấy năm vẫn chỉ là bãi đất trống cho thuê làm bãi đậu xe hoặc quán nhậu. Các Nhà thi đấu Nguyễn Du, Phan Đình Phùng, Maximark cũng là những địa điểm thường diễn ra các chương trình biểu diễn. Tuy nhiên, các địa điểm này cũng được cho các công ty truyền thông, tổ chức biểu diễn thuê dài hạn làm trường quay cho các chương trình truyền hình.

Dương Vân Anh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN