TTVH Online

Văn Hiệp - 'Đời người mấy lúc gian truân mà già'

11/04/2013 07:30 GMT+7

Nghệ sĩ Văn Hiệp mất đi cũng là theo quy luật sinh lão bệnh tử, nhưng sự ra đi của ông khiến tôi bất chợt nhớ đến những người nghệ sĩ khác, cũng “đi” mới đây thôi: Hồ Kiểng và Hà Thị Cầu.

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Nghệ sĩ Văn Hiệp mất đi cũng là theo quy luật sinh lão bệnh tử, nhưng sự ra đi của ông khiến tôi bất chợt nhớ đến những người nghệ sĩ khác, cũng “đi” mới đây thôi: Hồ Kiểng và Hà Thị Cầu.

Không hẹn mà gặp, cuộc đời như vận vào họ câu xẩm của nghệ nhân Hà Thị Cầu: “Trời cao có thấu tình chăng/ Đời người mấy lúc gian truân mà già”.

Một tháng trước, người hát xẩm cuối cùng Hà Thị Cầu từ giã cõi đời, phóng viên TT&VH đã có mặt ở đám tang tiễn đưa cụ lần cuối, một đám tang đông mà lặng lẽ. Đám tang nào chả lặng lẽ, nhưng với người nghệ sĩ cuộc đời đa đoan, chìm nổi và cả đời nghèo khó, sự lặng lẽ như khắc nghiệt, ám ảnh hơn.

Đâu đó là tiếng khóc than ai oán nỉ non, tiễn vong linh cụ được siêu thoát, vãng sinh miền cực lạc, ở một nấm cỏ vô danh giữa nghĩa địa làng. Sẽ chẳng ai thấy đó là nơi an nghỉ của một người nghệ sĩ. Nó làm ta nhớ tới một Marguerite Duras, tác giả Người tình. Cũng giống như bà Cầu, người phụ nữ nghiện rượu cho đến cuối đời, thi hài bà được chôn cất tại Nghĩa trang Montparnasse. Trên bia mộ của bà khắc hai chữ viết tắt họ tên bà là M.D cùng hai tấm chân dung, một khi còn trẻ và một khi đã già.

2. Mới đây, NSƯT Hồ Kiểng, người cả đời vào vai phụ. Ông đã đóng hơn 200 bộ phim, gần 50 vở kịch nói, hơn 300 kịch truyền thanh, 12 vở cải lương. Dù chỉ đóng toàn vai phụ, nhưng Hồ Kiểng chưa bao giờ chê bất cứ vai diễn nào. Cả đời Hồ Kiểng sống rất thanh đạm, nếu không muốn nói là nghèo cho đến lúc ra đi.

Họ cũng một đời nghệ sĩ tận hiến cho nghệ thuật, họ có thể chỉ là một nhạc công trong cả dàn nhạc đông đúc, ngồi một góc khuất giữa sân khấu rộng lớn và bị lẫn vào những nghệ sĩ nổi danh khác. Nhưng họ góp phần tạo nên sự hoàn thiện cho một bản giao hưởng đồ sộ, một vở nhạc kịch lôi cuốn.

Họ có thể chỉ là một diễn viên phụ trong một bộ phim lớn, xuất hiện trong thời gian ngắn ngủi. Nhưng họ đã góp phần làm nên một cuộc sống trong phim, làm nó trở nên sinh động, phong phú, hoặc có thể làm nền để nhân vật chính thăng hoa, góp phần làm nên sự hoàn thiện cho một tác phẩm điện ảnh.

Trong một bản nhạc cuộc sống, có nốt cao nhưng không thể thiếu những nốt trầm xao xuyến, họ là những kép phụ của cuộc đời.

Sự chân thành, giản dị như củ khoai, cây lúa của người nghệ sĩ đã chinh phục khán giả. Họ được yêu thương không chỉ trong nghệ thuật mà ở giữa cuộc đời... Có thể, họ chưa được phong tặng nghệ sĩ, nghệ nhân nhân dân gì cao xa, nhưng những người nghệ sĩ như Văn Hiệp, Hà Thị Cầu, Hồ Kiểng tự bản thân họ đã xứng đáng là người nghệ sĩ của nhân dân.

Chỉ tiếc rằng, cuộc sống vật chất trầm lắng của họ như kéo trọn một đời, như câu Xẩm “Đời người mấy lúc gian truân mà già” của người đời.

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN