TTVH Online

'Cầu Rồng Đà Nẵng vươn ra biển Đông bằng đôi mắt tình người'

29/03/2013 07:40 GMT+7

Sáng nay (29/3), Lễ khánh thành cầu Rồng bắc qua sông Hàn sẽ được tổ chức, đúng vào dịp kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng TP Đà Nẵng. Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng chia sẻ những cảm xúc “nóng hổi”.

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng nay (29/3), Lễ khánh thành cầu Rồng bắc qua sông Hàn sẽ được tổ chức, đúng vào dịp kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng TP Đà Nẵng. Sau 3 năm thi công, cây cầu dài hơn 666 mét, đầu tư khoảng 1.700 tỷ đồng đang được “ứng cử” kỷ lục Guinness: Con rồng thép dài nhất thế giới.

Người đảm trách việc sáng tạo đầu rồng, phần đặc biệt nhất của cầu Rồng là nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng. Ông chia sẻ những cảm xúc “nóng hổi” với Thể thao & Văn hóa từ thành phố Đà Nẵng.

“Đầu rồng được tác giả đưa hình tượng trái tim vào đôi mắt, nhằm biểu thị tính ẩn dụ: rồng vươn ra biển Đông, đến năm châu bốn bể bằng đôi mắt tình người. Đuôi rồng ở một vị trí quan trọng bên bờ Tây, tiếp cận trục đường Nguyễn Văn Linh, Bảo tàng Chăm... nên tôi thể hiện thành những đóa hoa sen hình tượng trái tim, để chào đón, dâng tặng những ai có dịp nhìn ngắm” - Phạm Văn Hạng chia sẻ thông điệp của cầu Rồng.

* Thưa ông, sáng tạo một tác phẩm điêu khắc mà phải dựa trên cái nền căn bản và sẵn có của thiết kế cây cầu, đâu là thách thức?

- Thách thức vô cùng bởi phải nghiêm cẩn tuân theo khung kỹ thuật có sẵn của đơn vị thiết kế, nhất là về tỷ lệ, sức tải, bố cục, chất liệu... cùng phong cách tạo dáng theo trường phái biểu tượng, kết hợp khoa học kỹ thuật làm cầu hiện đại...

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng

* Nếu có điều gì đó phải luyến tiếc với tác phẩm của mình lần này, ông sẽ nói thế nào?

- Nghệ sĩ phải đổ nước mắt trăn trở mới có tác phẩm, quá trình đó rất đơn độc. Tác phẩm đã ra đời thì xin dành lại xã hội đánh giá, không nên biện minh làm gì. Nghệ thuật thì vô biên, sáng tạo của nghệ sĩ thì hữu hạn, biết nói sao về sự toàn vẹn.

Giá như từ đầu, khi thiết kế công trình, tôi mà được cộng tác với kiến trúc sư chủ trì, thì đồ án sẽ có được sự giao thoa văn hóa Đông Tây, cái tôi sáng tạo của đôi bên sẽ được nhân hóa nhiều hơn.

Hơn nữa, tất cả sự việc lớn nhỏ ở đời đều phải có vài chi tiết chưa hoàn hảo. Kể cả những công trình lớn bằng thép của nhân loại như tháp Eiffel, sau hơn trăm năm vẫn còn những bất bình về thi công. Tác giả là người lao động cật lực và đầy trách nhiệm, luôn nhận thấy mình chưa hoàn hảo, nên phải lắng nghe, phải gạn lọc và TP Đà Nẵng luôn luôn mở cửa để trang điểm một công trình.

* Trong các hình mẫu và mô thức về rồng qua các thời đại, theo ông tại sao Đà Nẵng lại chọn con rồng thời Lý?

- Rồng - hình tượng dù điển hình, nhưng lại có cả triệu hình tướng khác nhau... Rồng là sáng tạo của con người qua biến động tâm hồn từng thời đại, từng tâm thế của người thể hiện... Cầu Rồng đầu thế kỷ 21, ngoài mang chứa hình tượng cổ điển, thì còn phải tuân thủ theo thiết kế đã định sẵn - phong cách biểu tượng của Tây phương...

Tôi chỉ dựa theo hình tượng rồng thời Lý để kiểu thức hóa đầu và đuôi rồng hài hòa với tổng thể cây cầu đang thi công, khi tôi là người đến sau 2 năm.

Cầu Rồng phun lửa về đêm

* Trên thế giới và tại Việt Nam, thông thường, các cây cầu chỉ dừng lại ở vẻ đẹp của kiến trúc và thiết kế, ít khi vươn ra “địa hạt” điêu khắc. Theo ông, tại sao Đà Nẵng lại cần một cây cầu thiên về điêu khắc?

- Trên thế giới cũng đã có nhiều cây cầu mang dáng vẻ con rồng. Đà Nẵng chọn hình tượng rồng bằng kỹ nghệ điêu khắc thép, quả thật cũng làm cho tác giả có nhiều lo nghĩ! Nhưng suy cho cùng, cũng có thể tạo được một sự lạ, khích thích văn hóa du lịch...

Tôi luôn nghĩ rằng ước mơ của từng người là quyền tối thượng của họ, nên với công trình mang tính công cộng sẽ không thiếu những lời phê phán. Nhiều người muốn đầu và đuôi rồng phải hoành tráng hơn nữa, nhiều người thì nghĩ ngược lại. Còn tác giả phải tuân thủ nghiêm ngặt thiết kế đã được thông qua.

* Cuối cùng, ông có thể cho biết đôi chút về kích cỡ của tác phẩm điêu khắc thép này không?

- Nếu để ý sẽ thấy các nhà chuyên môn, kỹ thuật gia và tác giả... đã tìm mọi cách để nâng cao tỷ lệ, nó lớn hơn thiết kế ban đầu 1/3, nên dù cố gắng cân đối giữa thép 20 li và 10 li để ổn định tải trọng, nhưng vẫn vượt thiết kế đến 5 tấn, đây là con số dao động trong mức an toàn cho phép.

Tôi mất đến 210 ngày nghiên cứu qua 10 phác thảo, mất 60 ngày triển khai kỹ thuật kết cấu chịu lực, 90 ngày thể hiện tại 2 xưởng... để tạo ra đầu rồng nặng 45 tấn và đuôi nặng 30 tấn. Đầu rồng có thể phun nước hoặc phun lửa.

Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN