TTVH Online

Dịch giả Nguyễn Bích Lan: Năm sau, tôi sẽ cười gấp đôi!

29/03/2013 07:47 GMT+7

“Tôi có thể đổ lỗi cho gene, giận bố mẹ, giận số phận không cho tôi được khỏe mạnh như bạn bè, nhưng tôi chọn không giận ai cả” – chia sẻ của dịch giả Triệu phú khu ổ chuột kiêm tác giả cuốn tự truyện Không gục ngã.

(Thethaovanhoa.vn) - “Tôi có thể đổ lỗi cho gene, giận bố mẹ, giận số phận không cho tôi được khỏe mạnh như bạn bè, nhưng tôi chọn không giận ai cả” – chia sẻ của dịch giả Triệu phú khu ổ chuột kiêm tác giả cuốn tự truyện Không gục ngã.

Dịch giả Nguyễn Bích Lan có buổi trò chuyện với học sinh sinh viên về đề tài “Sống thế nào để thấy mình có ích?” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ở Hà Nội sáng 28/3.

Bề ngoài gầy gò (chỉ nặng 30kg) và yếu ớt vì căn bệnh loạn dưỡng cơ (cơ teo dần - một bệnh di truyền hiếm gặp và rất khó chữa) của Lan dễ khiến người ta hiểu nhầm chị là một cô gái rụt rè, nhưng nghe chị nói chuyện thì sẽ có ấn tượng ngược lại. Đọc, dịch và viết sách cùng nhiều năm làm giáo viên giúp chị nói mạch lạc, trôi chảy và quan trọng là tự tin. Bích Lan chủ động đứng chứ không ngồi khi phát biểu đầu chương trình, cuối cùng lại thành bài nói chuyện 30 phút cuốn hút.

Có cảm tưởng chị không cho người khác cơ hội thương hại mình vì đó là điều không cần thiết. “Nhìn tôi, người ta sẽ nghĩ tôi thật đáng thương, sẽ không ai trách nếu tôi phụ thuộc vào người khác, nhưng tôi không cho phép mình phụ thuộc” - Bích Lan nói.

Dịch giả Nguyễn Bích Lan nói chuyện với độc giả tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ở Hà Nội sáng 28/3.

Không gục ngã và không nước mắt

Buổi nói chuyện không hề đẫm nước mắt, điều thường thấy trong các sự kiện liên quan đến những nhân vật có hoàn cảnh khó khăn. Bích Lan không khóc, mẹ chị và hầu hết khán giả cũng vậy. Nếu nhiều người khóc thì mới là khó hiểu bởi đứng trước họ là một cô gái dù gầy rộc vì bệnh tật nhưng có phong thái tự tin ít ai có được.

“Tôi đến đây không phải để kể lại những thăng trầm” - chị mở đầu bài nói chuyện. Tôi (người viết) cũng không ở đó để nghe quá nhiều về những thăng trầm. Trong xã hội có nhiều người khuyết tật và rất nhiều người không khuyết tật, thế nhưng cuộc đời rất công bằng, bởi thông thường, chỉ những ai có nghị lực và thành tựu mới được ghi nhớ, dù khuyết tật hay không.

Tất nhiên nghị lực và khả năng dịch thuật ở Nguyễn Bích Lan không ngẫu nhiên mà có, như chị nói “Không phải là phép màu sau 1 đêm”. Thứ gì đã cứu chị? Việc học, đúng hơn là tự học. Niềm say mê tiếng Anh đến với chị qua cậu em trai. Tự học ngoại ngữ và theo đuổi sự nghiệp dịch văn học, ở điểm này Bích Lan giống với dịch giả gạo cội Dương Tường.

 “Nick Vujicic cười nhiều hơn tôi”

Dịch giả Nguyễn Bích Lan sinh năm 1976 tại Hưng Hà, Thái Bình, từng dịch các tác phẩm văn học như Triệu phú khu ổ chuột, Bị bán, Một đêm duy nhất (của Rabindranath Tagore), Những con người lạ thường, Nghìn khuôn mặt của đêm, Người đàn ông hoàn hảo... Chị được chọn góp mặt trong bộ ảnh “Chân dung phụ nữ đương đại” trong một triển lãm đang trưng bày ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Trái với lối suy nghĩ thông thường, bản thân Bích Lan lại nghĩ mình may mắn hơn nhiều người khi việc không thể đến trường đem lại cho chị khả năng tự học hiệu quả. “Tôi không rơi vào vòng xoáy bằng cấp nên học để biết, học vì thích học. Khi đó, việc học trở thành suốt đời. Sự học không phải tự thân mà do bắt buộc từ bên ngoài thì chỉ nên xem là thứ yếu” - chị chia sẻ.

Cũng vì bệnh tật mà chị biết sống cho hôm nay chứ không phải nằm ôm quá khứ hay trông chờ phép màu khiến chị đột nhiên khỏe mạnh trở lại. “Tôi không thể chỉ ngồi chờ. Cuộc chờ đợi của tôi không ngắn như chờ một chuyến tàu mà đã kéo dài 24 năm rồi”. Nằm lì trên giường dưỡng bệnh thì mãi mãi không bao giờ thoát khỏi căn bệnh, đó là suy nghĩ của chị.

Những dịch phẩm mới nhất của nữ dịch giả là Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng Cuộc sống không giới hạn, 2 cuốn tự truyện của tác giả Nick Vujicic - chàng trai người Australia không chân không tay, người sắp đến Việt Nam giao lưu vào tháng 5.

Bích Lan nói, đó là những cuốn sách “sinh ra” dành cho chị dịch hoặc chị sinh ra để được dịch chúng. Đọc tự truyện của Nick, chị thấy như đó là những thước phim về cuộc đời của chính mình. Nick thua chị 6 tuổi, điều kiện sức khỏe còn ngặt nghèo hơn nhưng cười nhiều hơn. “Đó là điều tôi phải học từ Nick. Cười cũng phải học. Năm sau nếu các bạn gặp lại sẽ thấy tôi cười gấp đôi năm nay”.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN