TTVH Online

Nhạc sĩ Trần Kim Ngọc: Xây nhà cho nghệ thuật thể nghiệm

30/03/2013 10:57 GMT+7

Trần Kim Ngọc, nữ nhạc sĩ đang “lẻ loi” trong thế giới âm nhạc thể nghiệm ở Việt Nam, vừa công bố “tác phẩm mới” của chị sau nhiều năm ấp ủ : Đom Đóm, trung tâm nghệ thuật thể nghiệm.

(Thethaovanhoa.vn) - Trần Kim Ngọc, nữ nhạc sĩ đang “lẻ loi” trong thế giới âm nhạc thể nghiệm ở Việt Nam, vừa công bố “tác phẩm mới” của chị sau nhiều năm ấp ủ : Đom Đóm, trung tâm nghệ thuật thể nghiệm.

Đom Đóm do Trần Kim Ngọc sáng lập phối hợp cùng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Học viện Âm nhạc Malmoe và dàn nhạc Ars Nova (Thụy Điển), mở cửa từ tháng 4/2013 với 3 lớp học “không có trong các nhạc viện ở Việt Nam” : Âm nhạc điện tử, Hòa tấu nhạc đương đại và Trình diễn ngẫu hứng.

* Nghe thông tin nhạc sĩ Kim Ngọc “mở trường nhạc”, nhiều người vẫn bán tín bán nghi không biết chị sẽ làm gì ở trung tâm nghệ thuật thể nghiệm này?

- Đom Đóm không phải “trường nhạc”, mà được xây dựng với “kiềng ba chân” là 3 mảng hoạt động: giáo dục, không gian sáng tạo và phát triển khán giả. Mở đầu, như chị biết, là chương trình giáo dục với các khóa học dành cho âm nhạc điển tử, hòa tấu đương đại và trình diễn ngẫu hứng. Không gian sáng tạo sẽ được thực hiện với các hoạt động như tổ chức không gian làm việc và biểu diễn/triển lãm cho các nghệ sĩ, tổ chức nói chuyện, hội thảo, workshop.

Trong mảng phát triển khán giả sẽ có các chương trình nhỏ nhưng đa dạng bám sát các hoạt động giáo dục và biểu diễn của trung tâm như Phía sau sân khấu, Sân ngẫu hứng trẻ em, Công chúng hỏi nhạc sĩ cũng hỏi, các chương trình tương tác trên website diễn đàn, trò chơi âm nhạc thể nghiệm và các chuyên mục Mỗi ngày một câu hỏi hay Mỗi ngày một âm thanh…


Trong năm nay, phát triển khán giả sẽ được mở màn với chương trình Nhà báo với âm nhạc dành cho các nhà báo đang hoạt động trong văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Nhà báo với âm nhạc sẽ có sự kết nối với các hoạt động của trung tâm, tiếp xúc và tương tác từ “A đến Z” của một quá trình vận hành cơ chế của nghệ thuật, từ giáo dục, sáng tác đến trình diễn. Các hoạt động xen kẽ với những bài nói chuyện ngắn của các nhạc sĩ giảng viên quốc tế liên quan đến chủ đề âm nhạc đương đại và báo chí. Đây là cơ hội với nhiều trải nghiệm phong phú dành cho các nhà báo quan tâm đến nghệ thuật nói chung và nghệ thuật thử nghiệm nói riêng.

Dự kiến đến năm 2014, chương trình Nhà báo với âm nhạc sẽ bầu chọn những người tiêu biểu để tham gia hoạt động Nhà báo cư trú tại New York trong một tháng với trải nghiệm làm việc trong môi trường làm báo nghệ thuật chuyên nghiệp nhất thế giới. Cuối năm nay, Đom Đóm sẽ tổng kết năm hoạt động đầu tiên bằng Hanoi New Music Festival, giới thiệu các tác giả tác phẩm quan trọng nhất của Việt Nam cũng như các tác giả tên tuổi trên thế giới trong khu vực âm nhạc thể nghiệm, đồng thời là dịp diễn ra nhiều hoạt động phát triển khán giả.

* Được biết chị đã nung nấu dự án Đom Đóm từ năm 2009. Điều gì khiến chị nặng lòng với nó như vậy, trong lúc bản thân là nghệ sĩ độc lập, sáng tác luôn được đặt hàng hoặc mời tham dự ở các festival âm nhạc quốc tế?

- Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi biết nghệ thuật thử nghiệm ở Việt Nam vẫn là một khái niệm còn xa lạ, học thì mờ nhạt, thiếu thông tin, cũng chẳng có nơi nào dành một “chỗ” cho âm nhạc/nghệ thuật thử nghiệm, từ các học viện giáo dục đến hệ thống các nhà hát, sân khấu lớn nhỏ, cũng không có cơ chế bảo trợ tài chính. Tôi thực sự thấy thiếu những môi trường sinh hoạt nghệ thuật thể nghiệm đương đại ở mọi cấp độ một cách có tầm nhìn.

Vì thế, tôi muốn tự tay mình tạo ra một hệ thống nhỏ, song song với những gì đã có và gọi nó là Home - ngôi nhà dành cho nghệ thuật thử nghiệm, nơi hỗ trợ và xây dựng những theo đuổi nội tâm cá nhân, cách tân, vượt ra khỏi ranh giới sẵn có, tìm kiếm những trải nghiệm của sáng tạo và sự tự do. Và hơn bao giờ hết, nghệ thuật thể nghiệm đòi hỏi bản ngã đậm đặc nhất của mỗi cá nhân, đồng thời lại đòi hỏi được tồn tại trong một môi trường đối thoại có tính cộng đồng nên Đom Đóm ra đời.

Còn đến bây giờ dự án mới thực sự triển khai được vì như bạn biết đấy, đầu tiên là tiền đâu? Xin được tài trợ là tôi làm thôi!


* Tại sao chị chọn Đom Đóm để đặt tên cho “ngôi nhà” này ?

- Nghĩ mãi rồi cũng phải ra, sau khi loại trừ dần nhiều tên, tôi dừng lại ở Đom Đóm với ý nghĩa của ánh sáng, bé nhỏ, nhưng bền bỉ cho tới lúc chết. Con Đom Đóm nó cứ sống thì phát sáng, hình tượng đẹp và âm ngân khi đọc chữ Dom Dom (om) trong tiếng Phạn có nghĩa là nguồn gốc của tạo hóa.

* Còn lý do chọn chương trình Nhà báo và âm nhạc để mở màn xây dựng hệ thống phát triển khán giả?

- Bởi các nhà báo hay các nhà phê bình nghệ thuật là trung gian, là cây cầu nối giữa nghệ sĩ và công chúng. Đây là một cơ chế hình tròn khép kín (nghệ sĩ - nhà báo/nhà phê bình và công chúng), tác động tương tác lẫn nhau. Thiếu một thành tố (hoặc quá yếu), chắc chắn “cơ thể” nghệ thuật sẽ trở nên què cụt, dị dạng.

* Tiền có phải là trở ngại lớn cho những người làm nghệ thuật thể nghiệm không?

- Tôi sáng tác không phải vì tiền, không hẳn là để kiếm sống, bởi mỗi sự khởi động ý tưởng của công việc luôn xuất phát từ nhu cầu nội tâm. Ngay cả việc thành lập Đom Đóm cũng vậy, nó cũng được bắt nguồn và vận hành bằng một nhu cầu nội tâm rất căn bản của tôi. Có lẽ tôi may mắn hơn một số người trong lĩnh vực thử nghiệm vì bản thân vẫn sống được bằng nghề với những đặt hàng sáng tác, nhưng cả một năm qua tôi không làm gì cả ngoài việc tập trung cho dự án Đom Đóm.

Đom Đóm với tôi không chỉ là nhà, là chốn đi về dành cho các nghệ sĩ khi tham gia các hoạt động nghệ thuật thử nghiệm mà chúng tôi còn muốn thông qua các chương trình nghệ sĩ cư trú có thể bảo trợ phần nào cho các hoạt động của nghệ sĩ Việt Nam, đảm bảo cho các nghệ sĩ có thể cư trú tại đây trong một thời gian nhất định, toàn tâm toàn ý thực hiện, thử nghiệm các tác phẩm nghệ thuật của mình mà không cần phải bận tâm đến những áp lực bên ngoài cuộc sống. Trước mắt, dự án cũng mới chỉ nhận được tài trợ trong vòng một năm nên sau đó chúng tôi sẽ phải tiếp tục “xoay vần” với chuyện tìm kiếm nguồn tài chính và xây dựng một hệ thống tài chính bảo trợ, gây quỹ bền vững hơn.

* Còn khó khăn nào ngoài vấn đề tài chính?

- Nhiều chứ! Thiếu nhân lực, thiếu người chuyên nghiệp trong quản lý nghệ thuật và thiếu cả đồng nghiệp vì không có ai cùng “xác tín” với mục tiêu nghệ thuật của mình, cũng không có ai đầu tư thời gian và năng lượng miễn phí cho một hoạt động chưa biết kết quả thế nào.

* Vậy điều gì khiến chị tự tin?

- Bởi tôi thấy đã đến lúc và với những gì mình đang làm, tôi muốn biết sự tác động của nó tới xã hội sẽ như thế nào, có tạo nên sự thay đổi không? Tôi nghĩ, thay đổi lớn thì không biết nhưng thay đổi nhỏ thì chắc chắn là có. Hơn nữa, tôi nhận thấy ở Việt Nam, nghệ thuật thể nghiệm chưa mang tính chuyên nghiệp, các nghệ sĩ hoạt động nhỏ lẻ và vẫn còn phải lo nhiều đến chuyện muôn thuở “cơm áo gạo tiền” đã hạn chế cơ hội phát triển chuyên môn, cơ hội để họ xuất hiện trên thế giới thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực nên mình càng cần có những đóng góp xây dựng mang tính hệ thống và phát triển cộng đồng nhiều hơn

Ngọc Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN