TTVH Online

Chân dung các đội bóng tham dự V-League 2013 (phần 2): Những kẻ thách thức

27/02/2013 16:47 GMT+7

HN.T&T, B.BD, SLNA và SHB.ĐN được xem là những ứng viên sáng giá nhất cho chức quán quân V-League 2013, nhưng cuộc đua đến chức vô địch ở mùa bóng năm nay có thể không chỉ gói gọn trong vòng tranh chấp của 4 đội bóng vừa nêu ở trên.

(Thethaovanhoa.vn) - HN.T&T, B.BD, SLNA và SHB.ĐN được xem là những ứng viên sáng giá nhất cho chức quán quân V-League 2013, nhưng cuộc đua đến chức vô địch ở mùa bóng năm nay có thể không chỉ gói gọn trong vòng tranh chấp của 4 đội bóng vừa nêu ở trên, bởi cũng có không ít CLB được dự đoán là có đủ khả năng và tiềm lực để cạnh tranh một vị trí trong top 3 hoặc top 5 với HN.T&T, B.BD, SLNA và SHB.ĐN.

Trong số này, HA.GL là cái tên đáng chú ý nhất, bởi đội bóng phố núi từng là một thế lực của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam thuở  đầu thành lập, nhưng đã 9 năm qua, HA.GL liên tục vắng bóng trên bục huy chương của V-League, bất chấp việc bầu Đức không hề tiếc tiền đầu tư để đưa về phố núi Pleiku những ngôi sao sáng giá như Lee Nguyễn, Kesley hay Thonglao.

Tuy nhiên, ở mùa bóng năm ngoái, dưới sự dẫn dắt của HLV người Hàn Quốc Choi Yun-Kyum, HA.GL bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, và đấy là cơ sở để đội bóng phố núi mạnh dạn tin tưởng vào một cuộc trở lại ngoạn mục ở mùa bóng năm nay. Đoạt chức vô địch với HA.GL ở V-League 2013 có lẽ là mục tiêu không thật sự thiết thực, nhưng đội bóng của HLV Choi đủ lực để cạnh tranh một vị trí trong nhóm có huy chương, và không loại trừ họ sẽ có thời cơ phất cờ nếu các ứng viên sáng giá thuộc nhóm trên tỏ ra đuối sức hoặc hụt hơi trong chặng đua đường trường.

Với vị trí thứ 4 ở V-League 2012, V.Ninh Bình được nhìn nhận là một trong những đội bóng có khả năng gây bất ngờ ở mùa giải năm nay, và xét trên năng lực chuyên môn thuần tuý thì thầy trò HLV Nguyễn Văn Sỹ hoàn toàn có thể làm được điều đó. Vấn đề với V.Ninh Bình là làm sao để duy trì được sự tập trung cao nhất trong cả mùa bóng, và không để phân tán sức mạnh vì những yếu tố ngoài chuyên môn. Nếu làm được như thế thì V.Ninh Bình hoàn toàn có thể nghĩ tới cơ hội cải thiện thứ hạng so với mùa giải 2012.

Trong 2 đội bóng còn lại thuộc nhóm “thách thức”, Thanh Hoá và XM V.Hải Phòng có thể được xem là ẩn số, bởi 2 đội bóng này tuy có khả năng cạnh tranh không tồi, nhưng liệu họ có tập hợp được lực lượng để làm nên sức mạnh toàn diện và chắc chắn được hay không lại là một câu chuyện khác. Nếu Thanh Hoá và XM V.Hải Phòng phát huy tốt nhất những gì họ đang có thì đây sẽ là 2 đội bóng rất đáng xem ở V-League 2013. Thanh Hoá và XM V.Hải Phòng cũng là 2 đội bóng sở hữu lực lượng CĐV địa phương cuồng nhiệt nhất nhì V-League hiện tại, nên sẽ có nhiều điều để nói về 2 CLB ở mùa bóng năm nay.

HA.GL


Thành lập: Năm 1991, chuyển lên chuyên nghiệp năm 2002

Biệt danh: Gỗ, Đội bóng phố núi

Sân vận động: Pleiku

Sứa chứa tối đa: 12.000 người

Chủ sở hữu: Tập đoàn HA.GL

Ngân sách hoạt động năm 2013: Dự kiến - 40 tỷ đồng

Chủ tịch CLB: Đoàn Nguyên Đức

HLV trưởng: Choi Yun-Kyum (51 tuổi)

Số mùa giải tham dự V-League: 9 (bắt đầu từ mùa giải 2003)

Thành tích thi đấu: HA.GL đã trải qua 246 trận đấu tại V-League với kết quả: thắng 109 trận, hòa 57 trận, thua 80 trận, ghi được 376 bàn thắng và để thủng lưới 303 bàn

Thứ hạng và kết quả mùa trước: Hạng 5 V-League 2012, giành được 39 điểm sau 26 trận với 11 trận thắng, 6 trận hòa và 9 trận thua, ghi được 33 bàn thắng và để thủng lưới 33 bàn

Thứ hạng cao nhất trong lịch sử: Vô địch V-League 2003, 2004

Thứ hạng thấp nhất trong lịch sử: Hạng 9 V-League 2011

Bảng vàng thành tích: Vô địch V-League 2003, 2004, hạng 3 V-League 2007, á quân Cúp QG 2010, đoạt Siêu Cúp QG năm 2003, 2004

Thành viên nổi bật trong lịch sử: Tiền đạo Kiatisuk đoạt giải Cầu thủ nước ngoài xuất sắc nhất năm 2003, 2004

Chuyển nhượng đáng chú ý    

- Cầu thủ đi: Văn Lâm, Thanh Liêm, Út Cường (đến Hoàng Anh Attapeu)

- Cầu thủ đến: Oseni (từ K.KG), Ngọc Luận (từ SLNA)

Cầu thủ nhiều tuổi nhất: Đoàn Marcelo: 34 tuổi (sinh năm 1979)

Cầu thủ ít tuổi nhất: Phạm Văn Tiến: 20 tuổi (sinh năm 1993)

Các ngoại binh: Bassey Akpan, Oseni (Nigeria), Evaldo (Brazil)

Các cầu thủ quan trọng: Evaldo

V.NINH BÌNH


Thành lập: Năm 1991, chuyển lên chuyên nghiệp năm 2006

Biệt danh: Đội bóng cố đô Hoa Lư

Sân vận động: Ninh Bình

Sứa chứa tối đa: 20.000 người

Chủ sở hữu: Tập đoàn Xi măng The Vissai

Ngân sách hoạt động năm 2013: Dự kiến - 40 tỷ đồng

Chủ tịch CLB: Phạm Văn Lệ

HLV trưởng: Nguyễn Văn Sỹ (41 tuổi)

Số mùa giải tham dự V-League: 3 (bắt đầu từ mùa giải 2010)

Thành tích thi đấu: V.Ninh Bình đã trải qua 78 trận đấu tại V-League với kết quả: thắng 29 trận, hòa 19 trận, thua 30 trận, ghi được 110 bàn thắng và để thủng lưới 118 bàn

Thứ hạng và kết quả mùa trước: Hạng 8 V-League 2012, giành được 33 điểm sau 26 trận với 10 trận thắng, 3 trận hòa và 13 trận thua, ghi được 40 bàn thắng và để thủng lưới 49 bàn

Thứ hạng cao nhất trong lịch sử: Hạng 4 V-League 2011

Thứ hạng thấp nhất trong lịch sử: Hạng 11 V-League 2010

Chuyển nhượng đáng chú ý    

- Cầu thủ đi: Như Thành, Hoàng Đảm, Công Thảo, Đặng Văn Thành, Phong Hòa, Gustavo, John, Razak

- Cầu thủ đến: Timothy, Xuân Luân, Ngọc Anh, Trọng Lộc (CLB BĐ Hà Nội), Văn Quyến (từ SLNA), Peter Ijeh (từ Gais-Thụy Điển), Xuân Phú (từ V.HP)

Cầu thủ nhiều tuổi nhất: Nguyễn Mạnh Dũng: 33 tuổi (sinh năm 1980)

Cầu thủ ít tuổi nhất: Nguyễn Văn Hưng: 22 tuổi (sinh năm 1991)

Các ngoại binh: Peter Ijeh (Nigeria), Moussa (Bờ Biển Ngà), Timothy (Nigeria)

Các cầu thủ quan trọng: Mai Tiến Thành, Timothy

THANH HÓA


Thành lập: Năm 1962, chuyển lên bán chuyên nghiệp năm 2000 và chuyên nghiệp năm 2010

Sân vận động: Thanh Hóa

Sứa chứa tối đa: 14.000 người

Chủ sở hữu: Công ty cổ phần bóng đá Thanh Hóa

Ngân sách hoạt động năm 2013: Dự kiến - 40 tỷ đồng

Chủ tịch CLB: Nguyễn Văn Đệ

HLV trưởng: Mai Đức Chung (62 tuổi)

Số mùa giải tham dự V-League: 6 (bắt đầu từ mùa giải 2007)

Thành tích thi đấu: Thanh Hóa đã trải qua 156 trận đấu tại V-League với kết quả: thắng 47 trận, hòa 42 trận, thua 67 trận, ghi được 196 bàn thắng và để thủng lưới 251 bàn

Thứ hạng và kết quả mùa trước: Hạng 11 V-League 2012, giành được 32 điểm sau 26 trận với 9 trận thắng, 5 trận hòa và 12 trận thua, ghi được 32 bàn thắng và để thủng lưới 36 bàn

Thứ hạng cao nhất trong lịch sử: Hạng 7 V-League 2011

Thứ hạng thấp nhất trong lịch sử: Hạng 14 V-League 2009

Bảng vàng thành tích: Đoạt Siêu Cúp QG năm 2009

Thành viên nổi bật trong lịch sử: Tiền đạo Đình Tùng - Vua phá lưới nội V-League 2011

Chuyển nhượng đáng chú ý   

- Cầu thủ đi: Sunday, Xuân Hợp (đến B.BD), Quang Trung, Việt Thắng (ĐT.LA),  Da Silva, Andrew, Fikru, Hoàng Lan

- Cầu thủ đến: Đặng Văn Robert (từ XMXT.SG), Abass (từ Thanh Hóa), Patiyo (từ FC Brussel - Bỉ), Nastja Ceh (từ PSMS Medan - Indonesia), Xuân Thành (từ CLB BĐ Hà Nội)

Cầu thủ nhiều tuổi nhất: Nastja Ceh: 35 tuổi (sinh năm 1978)

Cầu thủ ít tuổi nhất: Quốc Phương, Thế Dương, Xuân Anh: 22 tuổi (sinh năm 1991)

Các ngoại binh: Nastja Ceh (Slovenia), Abass Dieng (Senegal), Patiyo Tambwe (Congo)

Các cầu thủ quan trọng: Quốc Phương, Văn Thắng

XM V.HẢI PHÒNG


Thành lập: Năm 1957 (năm ra đời của đội bóng tiền thân - Công an Hải Phòng), chuyển lên chuyên nghiệp năm 2007 (sau khi được chuyển giao cho công ty Xi măng Hải Phòng)

Biệt danh: Đội bóng thành phố hoa phượng đỏ

Sân vận động: Lạch Tray (Hải Phòng)

Sứa chứa tối đa: 30.000 người

Nhà tài trợ chính: Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam

Ngân sách hoạt động năm 2013: Dự kiến - 35 tỷ đồng

Chủ tịch CLB: Lê Văn Thành

HLV trưởng: Hoàng Anh Tuấn (45 tuổi)

Số mùa giải tham dự V-League: 10 (bắt đầu từ mùa giải 2000-2001 nhưng vắng mặt ở V-League 2003, 2007)

Thành tích thi đấu: V.Hải Phòng đã trải qua 234 trận đấu tại V-League với kết quả: thắng 78 trận, hòa 52 trận, thua 104 trận, ghi được 302 bàn thắng và để thủng lưới 356 bàn

Thứ hạng và kết quả mùa trước: Hạng 14 V-League 2012, giành được 14 điểm sau 26 trận với 3 trận thắng, 5 trận hòa và 18 trận thua, ghi được 27 bàn thắng và để thủng lưới 59 bàn

Thứ hạng cao nhất trong lịch sử: Á quân V-League 2010

Thứ hạng cao nhất trong lịch sử: Hạng 14 V-League 2012

Bảng vàng thành tích: Á quân V-League 2010, á quân Cúp QG 2005, đoạt Siêu Cúp QG 2005

Thành viên nổi bật trong lịch sử: Denilson (Brazil) nhà vô địch World Cup 2002 từng khoác áo V.HP ở giai đoạn 2 V-League 2009

Chuyển nhượng đáng chú ý   

- Cầu thủ đi: Kavin (đến SLNA), Văn Ngân (đến TĐCS.ĐT), Xuân Phú (đến V.NB), Trọng Nghĩa, Hữu Phước, Hữu Tường, Hoàng Đức, Diego Fagan, Thiago, Ansah

- Cầu thủ đến: Văn Học, Tấn Đạt, Tấn Tài, Hữu Phát, Văn Thuận, Hữu Chương, Ngọc Hùng, Văn Phú, Ngọc Điểu, Thanh Tuấn, Hoàng Tuấn, Justice, Văn Phong, Văn Tân (từ K.KH), Quang Hải, Minh Đức, Antonio Carlos (từ XMXT.SG), Như Thành (từ V.NB), Gilberto Fortunato (từ Brazil)

Cầu thủ nhiều tuổi nhất: Antonio Carlos: 34 tuổi (sinh năm 1979)

Các ngoại binh: Justice (Zimbabwe), Antonio Carlos, Gilberto (Brazil)

Các cầu thủ quan trọng: Minh Châu, Tấn Tài, Quang Hải

Quang Thành
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN