TTVH Online

Phố ông đồ: chia lô, bán chữ

09/02/2013 07:06 GMT+7

Ngày xưa, mua chữ là mua tấm lòng của người bán, "xin" là xin nhân cách và văn hóa của người cho. Ngày nay, mua là mua sao cho rẻ và bán thì bán sao cho lãi. Tính thương mại hóa rõ dần lên theo mùa đào nở.


(Thethaovanhoa.vn) - Vẫn là hình ảnh ông đồ, vẫn mực tàu giấy đỏ nhưng phố ông đồ bây giờ là những người viết thuê và những người đi thuê viết.

Chữ được đóng đinh treo "quảng cáo" trên tường

Phố ông đồ cạnh Văn Miếu có thể coi là một “đặc sản” của tết Hà Nội. Trong những năm gần đây, ông đồ không còn phải ngồi buồn bên mực tàu, giấy đỏ nữa và việc người ta có chữ cũng không cần đợi vào cái duyên như xưa. Bởi ông đồ bây giờ nhiều, người dạo phố ông đồ cũng không ít, nhìn ở một góc độ tích cực, đó là sự bén rễ văn hóa xưa vào tâm thức những người trẻ hôm nay.

Song ở phố ông đồ cũng không ít ngậm ngùi, việc sáng tạo và thưởng thức thú chơi chữ đầu năm ngày càng bộc lộ nhiều lệch lạc. Để rồi giờ đây, có người nhìn phố ông đồ như một cái chợ được chia lô để bán chữ.

Nằm nương mình vào khu Văn Miếu, ngay từ những ngày đầu khi mới bắt đầu khai phố, người ta dã dựng lều, đóng cọc, đóng đinh để phục vụ cho tục chơi chữ đầu năm. Mỗi ông đồ phải bỏ ra từ một số tiền nhất định để giữ cho mình một chỗ cứng trong vòng một tháng.

“Những người Viết chữ thì bỏ ra 1 triệu rưỡi đến 2 triệu cho cả tháng. Còn những người ký họa như bọn anh thì trả tiền theo ngày, 50 nghìn/ ngày” anh Bắc, một người thuê "cửa hàng" cho biết.

Ngày xưa việc trả tiền cho người viết chữ là đúng, có bỏ tiền ra mua thì người ta mới biết quý trọng và thấy được cái giá trị của nó, nhưng "mua" là mua tấm lòng của người bán, "xin" là xin nhân cách và văn hóa của người cho chữ. Đó mới là cái đáng quý và ý nghĩa. Còn ngày nay thì khác, mua là mua sao cho rẻ và bán thì bán sao cho lãi. Cứ dần dà như thế, ý thức về tính thương mại hóa trong "dịch vụ cho chữ" rõ dần lên theo mùa đào nở.

Phố ông đồ được "phân lô" rõ ràng

Cuộc sống thay đổi và ở mỗi một thời, thì những tiêu chí đánh giá lại thay đổi, thời nào và ở đâu cũng có những ông đồ giỏi và ông đồ chưa giỏi, có những mặt tốt và mặt chưa tốt. Song phải chăng chính cái cách mà người ta giữ gìn và truyền văn hóa như hiện nay, nó làm cho tục nghệ thuật trở thành một món hàng.

Phương Trần


Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN