TTVH Online

Thiết kế sân chơi trẻ em - ngạc nhiên chưa?

04/02/2013 08:15 GMT+7

Sau 3 tháng thi công, vào những ngày giáp Tết âm lịch Nhâm Thìn, từ một bãi cỏ mọc hoang trong khuôn viên Nhà văn hóa khối An Mỹ (phường Cẩm Châu, thành phố Hội An), một sân chơi dành cho thiếu nhi đã hoàn thành.


(Thethaovanhoa.vn) - Trên một sàn xi măng, đặt vài cái đu quay, cầu trượt..., xung quanh là một hàng rào sắt. Đó là khung cảnh tẻ nhạt lặp đi lặp lại của hầu hết những cái sân chơi trẻ em trên toàn quốc. Mô hình đó phổ biến đến mức, tất cả chúng ta đều nghĩ rằng, sân chơi trẻ em thì phải thế, và chỉ có thể là như thế. Nhưng một nhóm kiến trúc sư đã thay đổi cách nghĩ đó bằng một cách làm tràn đầy cảm hứng, lôi cuốn cả cộng đồng tham gia.

Sau 3 tháng thi công, vào những ngày giáp Tết âm lịch Nhâm Thìn, từ một bãi cỏ mọc hoang trong khuôn viên Nhà văn hóa khối An Mỹ (phường Cẩm Châu, thành phố Hội An), một sân chơi dành cho thiếu nhi ở vùng ngoại vi đô thị cổ đã hoàn thành. Đó là kết quả của dự án “Phát triển các không gian công cộng, không gian mở ở thành phố Hội An” với sự tài trợ của tổ chức HealthBridge Canada và Trung tâm Hành động vì Sự phát triển Đô thị (ACCD).

Cùng cộng đồng thiết kế sân chơi 

Thực hiện mô hình thiết kế sân chơi, các kiến trúc sư (KTS) đã trực tiếp trao đổi với chính người dân địa phương, lắng nghe ý kiến của họ và giúp họ tham gia vào quá trình thiết kế bằng việc xếp đặt các tấm bìa được cắt theo đúng tỷ lệ của công trình trong thực tế. Người dân cùng quây quần thảo luận và cuối cùng bầu chọn được phương án họ ưa thích nhất về một sân chơi.

Những chiếc lốp xe ô tô cũ đã được tạo thành xích đu hay những “hang động” để các em có thể bò, trườn và đuổi nhau trong đó

Sau ba ngày làm việc cật lực, các KTS tiếp tục hoàn thiện phương án một cách khả thi nhất theo mong muốn của cộng đồng. Sau đó, họ lại chia nhau đi khắp các sân chơi ở Hội An và Đà Nẵng, ghi chép, hỏi ý kiến trẻ em và cha mẹ, quan sát cách các em chơi. Thay vì bàn làm việc ở văn phòng, họ làm việc ở quán nước, sân trường, hội trường nhà văn hóa, thậm chí là trên bờ ruộng (vì người dân vùng này làm nông).

Cuối cùng, bản thiết kế được đưa ra lấy ý kiến của trẻ em và các bậc cha mẹ. Bao nhiêu trò chơi trên sân dường như cũng không phải là đủ với các em, và KTS liên tục phải điều chỉnh thiết kế để các em có nhiều cách chơi nhất: leo trèo, bập bênh, đu quay, bò và trườn qua đường hầm, đi thăng bằng, cầu trượt, thậm chí là đấm bốc.

Thi công sân chơi - trải nghiệm đầy thú vị

Trong thời gian thi công sân chơi, nếu đến công trường, bạn sẽ không phân biệt ai là KTS, ai là nhóm thợ thi công, ai là ban giám sát cộng đồng. Họ liên tục đổi chỗ cho nhau. Ban giám sát cộng đồng vào cuộc cùng nhóm thợ, người san nền, người  dựng cột tre, người buộc ván sàn...

Mỗi ngày, công trường càng thêm đông người hơn, và dần dần cộng đồng hoàn toàn thay thế nhóm thợ. Đến gần ngày khánh thành, cả cộng đồng dân cư ra sân: trẻ em đi xúc cát, phụ nữ nhổ cỏ, nam giới trồng cây và dựng hàng rào. Chi phí nhân công ngày càng giảm, nhưng tổng chi phí lại tăng vì cộng đồng “hiến kế” thêm nhiều hạng mục tưởng như “cuộc du ngoạn thi công”  không có hồi kết.

Một mô hình sân chơi sáng tạo và lạ

“Sân chơi An Mỹ là mô hình đầu tiên và sẽ là mô hình mẫu cho việc cải tạo và xây dựng các sân chơi, khu công cộng ở Hội An cũng như nhiều thành phố trên cả nước” (phát biểu của bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị)

Được thiết kế với mục đích kết nối nhiều trò chơi thành một chuỗi dưới ngôi nhà liên hoàn có mái che nên trẻ em có thể vui chơi, chạy nhảy và leo trèo ngay cả khi mưa, nắng. Kết cấu chịu lực là khung sắt nhưng các chi tiết như sàn, lan can được làm bằng tầm vông nên rất thân thiện và an toàn.

Ngoài những thiết bị đồ chơi là sản phẩm công nghiệp như cầu trượt, bập bênh, thú nhún... phải mua sẵn, sân chơi sử dụng nhiều sản phẩm thủ công tự chế từ những vật liệu cũ. Với sự sáng tạo của KTS và các em nhỏ, những chiếc lốp xe ô tô cũ đã được tạo thành xích đu hay những “hang động” để các em có thể bò, trườn và đuổi nhau trong đó.

Ngay cả những “chuông gió” cũng là một cách tận dụng thú vị: những đoạn tầm vông dài ngắn khác nhau được treo thành hai hàng bên những “xà đơn” làm từ lốp ô tô khiến mỗi khi các em chơi đều phát ra âm thanh như một bản nhạc mà tiết tấu phụ thuộc vào chính tác động mạnh hay nhẹ của các em khi chơi “xà đơn”.

Trò “leo núi” cũng được làm từ những sợi dây thừng, đan theo cách đan lưới đánh cá của người dân làng chài. Ngoài ra, các em còn vẽ những ô vuông trên sàn nhà để chơi những trò như ô ăn quan, nhảy lò cò...

Khiếu Thị Hoài
Thể thao & Văn hóa
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN