TTVH Online

Lần đầu phát hiện mặt trống đồng Đông Sơn ở Hà Tĩnh

01/02/2013 14:54 GMT+7

Trước đó ngày 31.1, trong khi đào móng để làm nhà, gia đình ông Hồ Hải Nam (trú tại xóm Yên, xã Thuần Thiện, H.Can Lộc, Hà Tĩnh) đã phát hiện được một hiện vật là mặt trống đồng Đông Sơn nằm ở độ sâu gần 1 m.

Sáng 1.2, ông Lê Bá Hạnh - Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh cho biết cơ quan này đã phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh cử cán bộ chuyên môn về làm việc với gia đình đào được mặt trống đồng để sớm đưa hiện vật về bảo tàng, phục vụ công tác nghiên cứu.

Trước đó ngày 31.1, trong khi đào móng để làm nhà, gia đình ông Hồ Hải Nam (trú tại xóm Yên, xã Thuần Thiện, H.Can Lộc, Hà Tĩnh) đã phát hiện được một hiện vật là mặt trống đồng Đông Sơn nằm ở độ sâu gần 1 m.

Bề mặt trống đồng này rộng 40 cm, trọng lượng gần 5 kg, được chạm khắc nổi nhiều họa tiết tinh xảo. Có 9 vòng hoa văn đồng tâm bao bọc nhau.



Mặt trống đồng vừa được tìm thấy - Ảnh: T.H

Phần giữa mặt trống là đường tròn rộng hơn 10 cm, bên trong chạm nổi họa tiết hoa văn ngôi sao hình mặt trời 10 cánh, xen giữa điểm xuyến những đường vạch chéo có hình tam giác lồng vào nhau. Bao xung quanh tâm là vòng tròn chạm khắc hoa văn hình chữ J gãy khúc, còn lại là biểu tượng khắc nổi hình 3 con chim Lạc đang bay theo chiều ngược kim đồng hồ.

Tiếp đến là các đường viền tròn kích cỡ khác nhau được chạm nổi các họa tiết hoa văn xoắn ốc hình quả trám, răng cưa và các vạch ngắn song song đều nhau.



Một phần hiện vật đã bị hoen gỉ không còn nguyên vẹn - Ảnh: T.H

Ông Hạnh cho biết thêm đây là lần đầu tiên mặt trống đồng Đông Sơn được phát hiện tại Hà Tĩnh với niên đại cách đây khoảng hơn 2.000 năm, thuộc vào loại trống đồng Đông Sơn Heger II, nhóm B.

Tuy nhiên, rất tiếc do nằm dưới lòng đất đã quá lâu khiến một phần hiện vật đã bị ô xi hóa, hoen gỉ không còn nguyên vẹn.

Theo Thanh Niên

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN