TTVH Online

Ghi chép Văn hóa: Từ 1 chiếc ô tô

13/02/2013 07:18 GMT+7

Người Trung Hoa phát minh ra la bàn, nhưng để xem mồ lập mả, còn người phương Tây dùng nó để vượt đại dương. Năm 1901, Việt Nam có 1 chiếc ô tô…


(Thethaovanhoa.vn) - Người Trung Hoa phát minh ra thuốc nổ nhưng để làm pháo hoa, còn người phương Tây dùng thuốc nổ để phá núi lấp sông. Người Trung Hoa phát minh ra la bàn, nhưng để xem mồ lập mả, còn người phương Tây dùng nó để vượt đại dương. Năm 1901, Việt Nam có 1 chiếc ô tô…

Bốn phát minh lớn của loài người - Tứ đại phát minh là thuốc nổ, la bàn, nghề in và giấy, đều do người Trung Hoa khởi phát. Thế nhưng người Trung Hoa không tài nào tiến lên một bước nữa là tìm ra động cơ đốt trong và điện dẫn đến các máy móc tự vận hành như ngày nay. Và rồi họ phải than rằng: Người Trung Hoa phát minh ra thuốc nổ nhưng để làm pháo hoa, còn người phương Tây dùng thuốc nổ để phá núi lấp sông. Người Trung Hoa phát minh ra la bàn, nhưng để xem mồ lập mả, còn người phương Tây dùng nó để vượt đại dương. Người Trung Hoa phát minh ra giấy và nghề in nhưng để in kinh sách và bói toán, còn người phương Tây dùng giấy để in sách khoa học.

Cái nguyên nhân nào làm khoa học phương Đông không vượt lên được ở những ngưỡng cuối cùng? Người ta đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực để thảo luận, cuối cùng lý do không nằm ở tài năng hay kỹ thuật mà lại bởi xã hội chưa dân chủ, khiến tự do sáng tạo và biến sáng tạo thành hiện thực không làm được.

Ô tô ở Việt Nam thời Pháp thuộc. Bưu ảnh Pháp đầu thế kỷ 20

Từ một chiếc xe ô tô của vị linh mục Puginier đưa vào Việt Nam năm 1901, cho đến nay tính sơ bộ nước ta có hơn triệu rưỡi chiếc xe ô tô, đó là quá trình dài không đơn giản chỉ là một phương tiện đi nhanh hơn, chở nặng hơn, mà còn làm thay đổi nhiều mặt quan trọng của đất nước, với các cuộc chiến tranh hiện đại, với đường giao thông, với sự phát triển của các đô thị và sự giàu có của các gia đình… Tóm lại là rất nhiều mặt xã hội thay đổi vì có ô tô.

Người ta cho rằng Nicolas Joseph Cugnot là người Pháp đầu tiên chế tạo ra ô tô năm 1769. Xong chiếc ô tô chính thức chạy bằng xăng đầu tiên lại thuộc về sáng tạo của Gottlieb Daimler và Karl Benz năm 1885. Lịch sử phát triển của ô tô không là gì nếu như không có những phát minh về động cơ đốt trong. Năm 1680 Christian Huygens đã phát minh ra động cơ đốt trong chạy bằng thuốc súng, nhưng không được sử dụng. Từ năm 1807 đến năm 1890 là hàng loạt các phát minh liên tục cho động cơ đốt trong dẫn đến những cải tiến động lực bên trong chiếc xe. Từng bước từng bước một bánh xe và động cơ đốt trong là hai phần quan trọng bậc nhất trong sự phát triển của ô tô. Nghĩa là động cơ đốt trong đã ra đời trước ô tô rất nhiều, làm nền tảng cho các loại máy có thể tự chuyển động, như xe máy, tàu hỏa, máy bay… chứ không riêng gì ô tô.

Sau chiếc ô tô của linh mục Puginier, ở Hà Nội chủ yếu sử dụng xe ngựa và vài chiếc ô tô của quân đội Pháp. Khoảng những năm 1903 -1905, các tuyến đường xe điện ở Hà Nội bắt đầu được xây dựng, khắc phục cảnh đi bộ quá xa từ ngoại thành vào nội thành. Một công ty xăng dầu tên là Asiantic Petrolium lập cửa hàng bán lẻ ở Phúc Tân, gần cầu Long Biên, năm 1906. Cũng năm này, ông chủ xưởng sản xuất xe kéo tay người Pháp tên là Omnium có hai chiếc ô tô Prima 4. Sau hai năm sử dụng, ông bán lại. Cho đến năm 1913, người Hà Nội đầu tiên là nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi mua một chiếc xe hiệu Peugeot chạy bằng xăng giá 1 triệu franc (loại tiền giấy do Ngân hàng Đông Dương phát hành để sử dụng ở Đông Dương). Trong khoảng thời gian đó ở Hà Nội có khoảng 30 chiếc ô tô của người Pháp và người Việt sở hữu. Số liệu này được công bố trong báo Phụ nữ tân văn số 207 ra ngày 6/7/1933. Số liệu này cũng trùng với số liệu của cụ Nguyễn Văn Uẩn trong bộ sách Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20 (tham khảo thêm từ Tienphongonline, Autodaily).

Vào những năm 1920, giá xe ô tô được đẩy lên ngất ngưởng, do người Pháp độc quyền và cấm nhập xe Đức, Italia, Anh, Mỹ. Một chiếc xe ô tô lên tới 33 triệu franc (tương đương với 8.000 đồng bạc Đông Dương, 6 đồng bạc mua được một tạ gạo). Nhưng rồi năm sau 1921, do sức ép cạnh tranh, dù các nước kia phải chịu thuế nhập khẩu tới 50%, giá xe tụt xuống 13 triệu franc, cũng là khá lớn so với kinh tế bấy giờ (theo Autodaily). Đến năm 1954, số xe con ở Hà Nội khoảng 171 chiếc (theo Autodaily, Zing news và Thế Đạt ).

Năm 1901 Hà Nội có 1 chiếc xe ô tô, những năm 1930 có 30 chiếc, năm 1954 có 171 chiếc… và đến nay toàn quốc là hơn 1,5 triệu chiếc xe ô tô. Những con số này không nói lên sự sáng tạo hay sản xuất của người Việt Nam, mà chỉ là nhập khẩu, hoặc lắp ráp công nghệ có sẵn, nhưng nó cho thấy nhu cầu về tốc độ, sự tiêu thụ năng lượng và tất yếu phải phát triển giao thông toàn quốc. Ở những thành phố quá lớn và đông đúc như New York, Paris, Bắc Kinh hay Bangkok… và tất nhiên Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, ô tô đã biểu hiện những mặt trái của sự phát triển, chúng không thể chạy nhanh, gây ô nhiễm môi trường và tắc đường, cũng như hàng triệu chiếc xe hàng ngày đòi hỏi một lượng xăng dầu khổng lồ.

Năm 1901: Hà Nội có 1 chiếc xe ô tô.
Những năm 1930: Hà Nội có 30 xe ô tô
Năm 1954: Hà Nội có 171 xe ô tô
Năm 2012: Toàn quốc có hơn 1.500.000 xe ô tô

Những con số này không nói lên sự sáng tạo hay sản xuất của người Việt Nam

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN