TTVH Online

Hào khí Nam bộ trong "Hương rừng Cà Mau"

27/12/2012 08:34 GMT+7

"Hương rừng Cà Mau" đã trải qua 50 năm “tồn tại và phát triển”. Xung quanh cuốn sách này còn rất nhiều điều thú vị, trong đó phải nhấn mạnh đặc biệt tới nhân cách tuyệt vời của người viết là nhà văn Sơn Nam.

(Thethaovanhoa.vn) - Như TT&VH thông tin, sáng nay 27/12, tại 60A Hoàng Văn Thụ, Q. Phú Nhuận, TP.HCM diễn ra buổi tọa đàm về tác phẩm Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam nhân dịp 50 năm danh tác này ra đời.

Hương rừng Cà Mau ấn hành lần đầu vào năm 1962, đã trải qua 50 năm “tồn tại và phát triển”. Bản in lần đầu Hương rừng Cà Mau chỉ có 18 truyện ngắn và biên khảo, nhưng đến nay đã có Hương rừng Cà Mau tập 1, tập 2, tập 3.

Nhà thơ Lê Minh Quốc, người từng biên soạn cuốn sách Sơn Nam - Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê có bài tham luận về Hương rừng Cà Mau đã trao đổi với TT&VH nhân sự kiện 50 năm cuốn sách này ra đời.

Tham khảo tài liệu của Vương Hồng Sển

* Được biết nhà văn Sơn Nam từng tham gia kháng chiến chống Pháp 9 năm nên khi viết "Hương rừng Cà Mau" tại Sài Gòn ông rất cân nhắc…

- Đúng vậy! Sau Hiệp định Geneve, từ U Minh - Rạch Giá, nhà văn Sơn Nam lên Sài Gòn sống bằng nghề viết văn. Ông làm quen với những nhà văn từng ở chiến khu như: Dương Tử Giang, Lý Văn Sâm... rồi làm quen với nhà nghiên cứu Nguyễn Thiệu Lâu, Vương Hồng Sển.... Vấn đề đặt ra trong thời điểm này của Sơn Nam là viết cái gì và viết như thế nào?

Nhà văn Sơn Nam làm việc bên chiếc máy đánh chữ của ông

Là “người của thời 9 năm” nên buộc ông dù viết đề tài nào cũng phải đạt hai yêu cầu: Thứ nhất, anh em “trong khu” nếu có đọc được thì cũng không buồn vì ông vẫn là người của thời “9 năm” chứ không đổi dạ thay lòng. Đây cũng là lương tri và trách nhiệm của ông đối với kháng chiến.

Thứ hai, những sáng tác, biên khảo này (trong đó có truyện ngắn) không chỉ phù hợp với “khẩu vị” của người đọc đương thời mà qua đó phải ngụ ý rằng, thiên nhiên và con người ở mảnh đất cực Nam của Tổ quốc là một phần máu thịt không thể tách rời non sông nước Việt.

Trong hồi ký của mình, ông tâm sự: “Khi lên Sài Gòn, nhà nghèo, ở hang cùng ngõ hẻm - thì làm sao tôi có thể viết hay được mảng khiêu vũ, nhà hàng? Do đó, tôi viết về văn minh miệt vườn mà tôi am tường ít nhiều”.

* Theo anh, điều gì làm nên sức sống lâu bền của "Hương rừng Cà Mau"?

- Thư viện chính là nơi nhà văn Sơn Nam lui tới nhiều nhất. Đáng chú ý nhất, ông được nhà khảo cổ Vương Hồng Sển giới thiệu vào thư viện của Hội Nghiên cứu về Đông Pháp, thư viện của Hội Khảo cứu Ấn Hoa (SEI) và kể cả thư viện của học giả Vương Hồng Sển - người sở hữu một kho sách khổng lồ.

Nhờ mối quan hệ thân tình này, Sơn Nam đã tìm đọc rất nhiều sách báo xưa, trong đó gần như đủ bộ báo Lục tỉnh tân văn tại nhà ông Sển. Đây là một trong những tờ báo đầu tiên của Nam kỳ, do Trần Chánh Chiếu chủ trương bàn về kinh tế, chính trị, xã hội với tư tưởng cấp tiến. Bộ báo quý hiếm này đã giúp Sơn Nam rất nhiều trong khảo cứu sau này.

Nhờ những tài liệu của ông Sển, về sau ông viết được nhiều tập sách giá trị, trong đó có Hương rừng Cà Mau.

Hào khí Nam bộ trong Hương rừng Cà Mau

* Tóm lại ý nghĩa mà "Hương rừng Cà Mau" muốn chuyển tải là gì?

- Nói đến miền Nam là nói đến công cuộc khai hoang từ nhiều thế kỷ của người Việt. Theo nhà văn Sơn Nam: “Đi khẩn hoang là theo nếp sống tùy tiện. Thấy bầy vịt của ai đó lội trên sông, cứ bắt một con mà ăn thịt, nếu chủ hay biết thì cứ xin lỗi là yên vui. Gặp ai yêu mình, mình cứ yêu trở lại, muốn kết nghĩa vợ chồng thì hãy tùy hoàn cảnh. Gặp ai rao giảng đạo lý nào thì cũng nghe, ngẫm lại thấy có tinh thần từ bi bác ái, làm lành tránh dữ là được”.

Đem việc khẩn hoang làm đề tài “ăn khách” vì nó còn lẩn quẩn trong ký ức tập thể của người Sài Gòn và các tỉnh lỵ phía đồng bằng. Mô tả việc khẩn hoang để khơi dậy sự đấu tranh chống thiên nhiên, chống cường hào ác bá thời Pháp. Viết nghiêm túc, thật lòng, không cường điệu, tức là mình đã có chánh nghĩa. Hào khí Nam bộ trong Hương rừng Cà Mau ngay lập tức được những người có lương tri ủng hộ.

* Nhà văn Sơn Nam sống bằng nghề viết, hẳn nhiên ông cho in báo trước khi in sách, vậy tờ báo nào in những tác phẩm trong "Hương rừng Cà Mau"?

- Những truyện ngắn này, lần đầu tiên được công bố “lai rai” trên tập san văn nghệ Nhân loại. Sau đó vào năm 1962, các truyện ngắn này được NXB Phù Sa in thành sách, gồm 18 truyện ngắn. “Thay lời mở đầu” là một bài thơ nổi tiếng của Sơn Nam, mà hiện nay hai câu thơ trong đó được khắc trên bia mộ ông: Phong sương mấy độ qua đường phố/ Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê.

* Giá trị lâu bền của "Hương rừng Cà Mau" là nhờ vào tư liệu và vốn sống được nhà văn “bịa” thành chuyện?

- Loạt truyện ngắn này, từ khi ấn hành, lập tức tạo tiếng vang trong dư luận. Trong tập sách “Sống và viết với…” của mình, nhà văn Nguyễn Ngu Í có hỏi Sơn Nam: “Những chuyện trong Hương rừng Cà Mau đều có thiệt hay “dựng đứng” lên?”. Ông trả lời: “Anh không phải là người đầu tiên hỏi tôi về điểm này. Phần tập tục, anh tin rằng tôi nếu không chính mắt thấy tai nghe thì cũng là mấy ông lão ở địa phương cung cấp tư liệu. Còn sự việc thì tôi bịa ra, nhưng bịa ra cách nào mà người địa phương xem xong, bảo việc này có thể xảy ra ở đây”.

Số phận của tựa sách này lạ lùng, vì về sau nó có thể làm tựa chung cho các loạt truyện ngắn khác cùng chủ đề.

Một chủ đề nhiều cuốn sách

* Tại sao bộ sách "Hương rừng Cà Mau" do NXB Trẻ mua bản quyền và ấn hành sau này lại có đến 66 truyện ngắn -  tăng gấp bốn lần bản in năm 1962?

- Ít ai biết, cũng trong khoảng thời gian này, nhà văn Sơn Nam còn cộng tác với tạp chí Hương Quê. Tạp chí này hiện nay ít ai còn lưu trữ, cũng một phần do nó chỉ “tặng miễn phí”, mỗi kỳ chỉ in một truyện ngắn của Sơn Nam hoặc Bình Nguyên Lộc, nhờ vậy có thêm khoảng 30 truyện ngắn của Sơn Nam.

Khi công bố bản in đã mua tác quyền, NXB Trẻ tạm gọi các truyện ngắn ấy là Hương rừng Cà Mau 2. Dần dà về sau, do nhiều đóng góp khác nên bạn đọc lại có tiếp Hương rừng Cà Mau 3.

* Nhà văn Sơn Nam có cụm từ “văn minh miệt vườn”, "Hương rừng Cà Mau" đóng góp gì cho sức sống của cụm từ này?

- Theo Sơn Nam, “miệt vườn” là từ có sẵn nhưng tại sao ông lại thêm tiếng “văn minh” kèm theo trước? Nhà văn lý giải: “Trong hoàn cảnh địa lý và lịch sử đặc biệt, dân Việt đã sáng tạo một nếp sống hùng mạnh, phóng khoáng, đã chinh phục vùng đất đó. Lẽ dĩ nhiên, nếu người Tây Ban Nha, người Nhật… gặp một hoàn cảnh lịch sử, địa lý tương tự thì họ có phản ứng khác, cất nhà, cày cấy theo hình thức khác. Vì họ không nằm trong văn minh Việt Nam”.

Hoàng Nhân (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN