TTVH Online

Chuyện chưa kể bên lề Hội nghị Paris (Kỳ 1)

14/12/2012 14:18 GMT+7

Từ năm 1968 - 1973, Hội nghị Paris là sự kiện liên quan đến cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam được toàn thế giới theo sát. Bên cạnh chương trình nghị sự căng thẳng, còn có những cuộc đấu trí bên lề thú vị.

(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, TT&VH xin gửi tới độc giả bài phỏng vấn đặc biệt ông Lưu Văn Lợi - Thư ký của Cố vấn Lê Đức Thọ trong gần 5 năm đàm phán Hiệp định tại Paris.

Ông Lưu Văn Lợi cho biết, từ năm 1968 - 1973, Hội nghị Paris là sự kiện liên quan đến cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam được toàn thế giới theo sát. Song bên cạnh chương trình nghị sự căng thẳng, phái đoàn các bên còn có những cuộc đấu trí bên lề thú vị.

Ủng hộ của bạn bè quốc tế

Ông Lưu Văn Lợi chia sẻ với TT&VH tại nhà riêng
* Trước khi phái đoàn sang Paris, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo như thế nào, thưa ông?

- Trước khi đi, Bác Hồ đã dặn, đừng để nước Mỹ bẽ bàng, đừng đụng đến nhân dân Mỹ vì ta chỉ chiến đấu với giới diều hâu cầm quyền Mỹ. Bác cũng dặn, về nguyên tắc quyết không nhượng bộ song về phương pháp "dĩ bất biến, ứng vạn biến".

Đồng chí Lê Duẩn thì dặn ông Lê Đức Thọ: anh là tư lệnh trên mặt trận ngoại giao, anh được quyền tự quyết các vấn đề. Tuy nhiên, ta phải đạt được 2 mục đích chính là quân Mỹ và đồng minh rút hết khỏi lãnh thổ Việt Nam và quân đội miền Bắc phải được ở lại Miền Nam Việt Nam…

Cuộc đấu trí gần 5 năm trời trên bàn ngoại giao của ta đã đi tới thắng lợi khi đạt được những mục đích chính đó.

Không ai có thể tưởng tượng cuộc đàm phán lại kéo dài đến vậy. Trước khi đi tôi chỉ nghĩ lâu lắm là 1 - 2 năm. Sau phải gần 5 năm, qua hơn 600 cuộc họp báo lớn nhỏ, hơn 300 cuộc họp công khai các bên và rất nhiều cuộc họp riêng, cuộc đàm phán mới kết thúc.

* Đàm phán kéo dài tại giữa Paris, liệu ta có gặp khó khăn tài chính?

- Khi mới sang 2- 3 ngày đầu, ta thuê khách sạn đã gần cạn kinh phí. Nhưng ta được Đảng Cộng sản Pháp dành cho một trụ sở rất to. Họ cung cấp cả nhân viên bảo vệ, người nấu ăn, người giúp việc. Việt kiều giúp phiên dịch và các hoạt động bên ngoài. Đặc biệt, vấn đề in tài liệu, một công việc phải rất cẩn trọng, được thực hiện trong nhà in của Việt kiều yêu nước.

Mỹ cũng dùng "tiểu xảo"

* Các hoạt động bên lề bàn đàm phán diễn ra như thế nào, thưa ông?

- Trước sự kiện 12 ngày đêm năm 1972, đàm phán rất căng thẳng. Song khi họp xong, nếu họp ở trụ sở của ta, ta mời phái đoàn Mỹ ăn phở, ăn nem, ăn bánh cuốn… Họ ăn rất ngon và nói rất thích. Khi sang trụ sở Mỹ, họ cũng đãi những món ngon nhất của nước Mỹ. Nhìn chung, không khí ngoài bàn đàm phán khá thoải mái.

Nhưng sau 12 ngày đêm Mỹ trút B-52 vào Hà Nội, phái đoàn Mỹ đến, ta không ra đón. Họ tự mở cửa, tự vào.

Lễ kí kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973. Ảnh tư liệu

* Kiểu bố trí bàn đàm phán tại hội nghị Paris trông rất khác so với nhiều sự kiện ngoại giao, nó biểu hiện điều gì?

- Mỹ đòi bàn hình chữ nhật hoặc tròn chia đôi để thể hiện rằng cuộc đàm phán chỉ có 2 bên: Một bên là Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Còn một bên là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.

Phía ta yêu cầu bàn hình vuông hoặc tròn có phân chia rõ 4 bên. Vì chỉ có 4 bên mới bình đẳng. Song do tranh cãi gay gắt và không đi đến thống nhất, cuối cùng, các bên đi đến quyết định: sẽ đàm phán ở một chiếc bàn tròn lớn nhưng 2 bên là 2 cái bàn chữ nhật của thư ký. Bố trí bàn kiểu này, công luận quốc tế hiểu là hội nghị bàn tròn 4 bên hay hội nghị 2 bên đều được. Có nhiều cuộc tranh luận tiểu tiết (nhưng rất quan trọng) căng thẳng tương tự trong Hội nghị Paris.

*Bên ngoài bàn ngoại giao, hai bên có thực hiện vận động hành lang (lobby)?

- Không. Những cuộc vận động hành lang như trong các cuộc đàm phán ngoại giao khác là không cần thiết trong Hội nghị Paris. Vì những cuộc họp riêng của Hội nghị này đã giúp các bên dễ thỏa hiệp phi chính thức rồi.

Những cuộc họp riêng này cực kỳ căng thẳng. Bởi đó là cuộc đấu lý từng điểm rất nhỏ một trong hiệp định. Nhất là cường quốc Mỹ lại sa vào cảnh thất bại liên tiếp trên chiến trường quân sự nên trên bàn ngoại giao, họ tìm rất nhiều cách để xoay xở vãn hồi tình thế.

Và đôi khi họ dùng cả "tiểu xảo". Như việc Kissinger (năm ấy gần 50 tuổi) lợi dụng việc trẻ hơn ông Lê Đức Thọ (năm ấy hơn 60 tuổi) gần một giáp để tìm cách làm ông mệt mỏi trước. Trong những cuộc họp riêng, Kissinger luôn lòng vòng lê thê đủ chuyện xa gần hết cả ngày trời. Song cứ nhằm tầm chiều muộn, Kissinger mới đưa những vấn đề "nóng" ra tranh luận. Vì Kissinger tưởng rằng nhắm lúc dễ uể oải nhất của tuổi già để đấu trí thì sẽ có được những kết quả có lợi về phía mình. Tuy nhiên, ông Lê Đức Thọ rất cảnh giác trước những mánh lới này nên Kissinger không đạt được mục đích.

Sau chính Kissinger cũng nói: "Tôi rất ngán khi đang đàm phán căng thẳng, người cận vệ của ông Thọ lại mang nước tới. Vì tôi biết, nước đó là nhân sâm".

Ông Lưu Văn Lợi, sinh năm 1933 ở Duy Tiên, Hà Nam. Năm 1946, ông theo gia đình lên chiến khu học trường thiếu sinh quân. Năm 1953, ông sang Trung Quốc học tại Khu học xá Nam Ninh, sau đó sang Liên Xô học lớp Nga văn. Năm 1956, ông làm việc ở Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô, sau đó ông đảm đương cương vị Đại sứ Việt Nam tại đây.

Năm 1968, trên đường tới Paris, ông Lê Đức Thọ qua Moskva và sau cuộc gặp với ông Lưu Văn Lợi, ông Lê Đức Thọ đã gọi về Bộ Ngoại giao đưa ông Lợi vào danh sách phái đoàn đàm phán ở Paris với tư cách là thư ký.

Sau này, ông Lưu Văn Lợi về nước làm nhiệm vụ tại Bộ Ngoại giao đến khi nghỉ hưu năm 1993.

Kỳ 2: 12 ngày đêm nhìn từ Paris

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN