TTVH Online

Nhà thiết kế Lê Thanh Phương: Mong mọi người hiểu đúng về áo dài

15/12/2012 07:00 GMT+7

Nhà thiết kế Việt Nam vinh dự được mời trình diễn bộ sưu tập áo dài tại New York từ 25-27/1/2013 là một cái tên vừa quen (đã từng đoạt giải thưởng tại cuộc thi Vietnam Collection Grand Prix) vừa lạ (ít xuất hiện trên báo chí): Lê Thanh Phương.


(Thethaovanhoa.vn) - Từ 25-27/1/2013, tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ (American Museum Of Natural History), một trong những bảo tàng quốc gia lớn nhất của nước Mỹ, sẽ trưng bày tranh Đông Hồ và trình diễn bộ sưu tập áo dài truyền thống đến từ Việt Nam. Nhà thiết kế Việt Nam vinh dự được mời trình diễn bộ sưu tập áo dài tại New York lần này là một cái tên vừa quen (đã từng đoạt giải thưởng tại cuộc thi Vietnam Collection Grand Prix) vừa lạ (ít xuất hiện trong các show diễn lớn, không có những phát ngôn gây sốc trên báo, cũng không có những áo dài lập kỷ lục): Lê Thanh Phương.

Gặp Lê Thanh Phương sau một ngày đi tìm số điện thoại. Anh có thể khiến người mới gặp hơi “choáng váng” vì ngoại hình khó giống ai và dường như chẳng có gì liên quan tới thứ mà anh đang theo đuổi: áo dài truyền thống. Đáp lại sự ngỡ ngàng, tò mò của tôi và có thể từ rất nhiều người mới quen khác, Phương hoàn toàn bình thản vì từ lâu đã không còn ngạc nhiên về chuyện ấy. Anh bảo từ khi mới học hết phổ thông, mỗi khi ra đường, anh thường gặp những toán người túm tụm nhìn anh như nhìn một kẻ từ trên trời rơi xuống. Thậm chí nhiều người còn hẹn nhau mỗi chiều ở đó chỉ để xem anh mặc gì, bởi những trang phục anh mặc thường đi theo trường phái quái dị.

Được mời vì sản phẩm đúng là áo dài

* Thú thực là cái tên nhà thiết kế Lê Thanh Phương khiến không ít người lơ mơ khi nhắc đến. Lâu nay, nói tới các nhà thiết kế áo dài ở Việt Nam, nếu không Minh Hạnh, Sĩ Hoàng thì Thuận Việt, Liên Hương, Võ Việt Chung… Khi mời anh trình diễn bộ sưu tập áo dài tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ, một trong những bảo tàng quốc gia quan trọng hàng đầu của Mỹ, nơi không dễ gì “lọt” qua cửa, Trung tâm Giáo dục và Trao đổi văn hóa Việt Nam tại Mỹ (IVCE) có cho biết lý do vì sao họ biết và chọn anh không?

- Tôi có một khách hàng ruột là diễn viên Hồng Ánh, cô ấy mặc đồ do tôi thiết kế từ lâu, chính cô ấy là người giới thiệu tôi với IVCE khi họ cần một bộ sưu tập áo dài thuần Việt nhất để trình diễn tại sự kiện chào mừng Tết Nguyên đán ở Mỹ. Tôi nghĩ rằng họ mời tôi vì áo dài của tôi đúng là áo dài.


* Như thế nào mới đúng là áo dài, thưa anh?

- Áo dài nguyên gốc của chúng ta sở dĩ đẹp và được biết đến hầu như trên khắp năm châu vì nó là thứ trang phục đơn giản, kín đáo nhưng rất gợi cảm và quan trọng nhất, khi mặc nó, mọi phụ nữ đều bình đẳng như nhau. Chiếc áo dài khiến người ta không thể phân biệt người mặc nó là người nhà quê hay thành thị, giàu sang hay nghèo khó, trí thức hay người lao động chân tay. Mặc chiếc áo dài, người ta có thể đạp xe ngoài đường, ngồi ăn bún riêu vỉa hè, dự đám cưới, bước trên thảm đỏ của các sự kiện sang trọng hay thậm chí là đi… đám ma. Những chiếc áo dài được sáng tạo bởi những con người được giáo dục đầy đủ, hấp thụ những kiến thức về thẩm mỹ thuộc hàng đỉnh cao từ các trường Tây thời đó chính là những sản phẩm cực kỳ hoàn hảo rồi. Nếu thêm, bớt, sáng tạo mà không hiểu đúng về nó thì sẽ… làm xấu áo dài. Trong vài năm gần đây, nhiều nhà thiết kế đang thi nhau làm xấu áo dài bằng cách sáng tạo ra những chiếc áo nếu không hở da hở thịt thì sẽ là những súc vải nặng hàng chục ký, dài mấy mét hoặc gắn đầy lông… Điều đó làm cho áo dài không được yêu quý nữa, và tôi thấy như thế là bất công.

* Sáng tạo trên một sản phẩm khuôn mẫu như áo dài là việc không đơn giản, và nếu quan niệm rằng nó đã đẹp một cách khuôn mẫu, hoàn hảo và không cần sáng tạo nữa thì người ta cứ mang khuôn mẫu ra may, đâu cần những nhà thiết kế như anh?

- Điều này không sai, nhưng để có những chiếc áo đẹp thì như vậy chưa đủ. Tôi cũng phải trải qua một quá trình tìm tòi khó khăn mới làm được những chiếc áo cổ điển như vậy. Lần đầu tiên làm, tôi tưởng rằng cứ may cái eo chật ních là ra. Lần thứ hai, tôi làm ra chiếc áo có ngực nhọn hoắt. Lần thứ ba, tôi tự may lớp độn ngực cho áo nhưng vẫn không ra chiếc áo đẹp. Đến lần thứ tư tôi mới thành công, thành công nhờ tìm hiểu về chiếc áo dài nguyên thủy trên những bức ảnh ngày xưa. Sáng tạo của tôi chính là những đường cắt và tôi luôn tuân thủ tiêu chí gốc gác làm nên vẻ đẹp của áo dài khi sáng tạo: đơn giản, thanh lịch và gợi cảm.


Hoa hậu Thùy Dung...

* Tôi nhớ rằng bộ sưu tập giúp anh đoạt giải thưởng Vietnam Collection Grand Prix năm 1999 cũng là những chiếc áo dài kiểu cọ phức tạp…

- Hồi đó, tôi đâu có biết gì về thời trang. Học trường Mỹ thuật năm thứ ba Khoa Đồ họa tạo hình, tôi được cử tham gia cuộc thi này. Khi ấy tôi hiểu về chủ đề “dân tộc và hiện đại” của cuộc thi một cách ấu trĩ nhất, rằng dân tộc thì phải là áo dài, còn hiện đại thì là phương Tây, thế là cắm cổ làm ra những cái áo có sự kết hợp giữa hai yếu tố đó một cách thô lậu. Cái thì gắn chiếc đuôi tôm của áo phương Tây, cái thì thêm đường bồng bồng của chiếc đầm xòe chẽn eo… nói chung là rất buồn cười. Điều mà tôi hài lòng nhất chỉ là bố cục màu vì tôi vốn học để trở thành họa sĩ chứ đâu được học gì về thời trang. Nhưng càng làm thì tôi càng hiểu ra những điều như tôi đã nói. Cũng chính vì bản thân đã mất một thời gian dài để hiểu được như vậy, tôi cũng có lý giải riêng cho việc làm xấu áo dài của số đông các nhà thiết kế.

* Theo anh thì đó là…

30 bộ áo dài do Lê Thanh Phương thiết kế sẽ trình diễn trong khuôn khổ lễ hội về trang phục dân tộc, văn hóa của một số nước châu Á nhân dịp Tết Nguyên đán 2013 do Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ tổ chức. Tham gia sự kiện này có đại diện từ các nước châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

- Hầu hết nhà thiết kế chúng tôi, trừ những bạn trẻ thuộc thế hệ đương đại, đều không được học về thời trang, may vá, mà toàn xuất thân từ các trường mỹ thuật. Từ thế hệ Minh Hạnh, Sĩ Hoàng, Ngô Thái Uyên, Lê Minh Khoa, tôi hay cả người đang làm rất tốt là Công Trí đều như vậy cả. Vì thế, để hiểu tường tận về thời trang nói chung và chiếc áo dài không đơn giản đâu. Mặt khác, chính các nhà quản lý văn hóa cũng có lỗi khi họ không có những việc làm tích cực trong việc giúp người dân hiểu đúng về trang phục dân tộc. Chẳng hạn cử người đi thi hoa hậu, người đẹp quốc tế, họ không hề tham gia vào công việc tuyển chọn trang phục, cứ để thí sinh đi thi muốn mặc gì thì mặc, các nhà thiết kế tha hồ sáng tạo theo ý hiểu của riêng mình.

4 lần sập tiệm, 5 lần bỏ nghề

* Là thế hệ nhà thiết kế đầu tiên của thời trang Việt Nam nhưng anh thoắt ẩn thoắt hiện, lúc làm rất nhiều, khi lại biến mất tăm. Anh còn làm nghề gì khác để kiếm sống à?

- Tôi lận đận lắm. Từ khi khởi nghiệp đến giờ tôi đã 4 lần sập tiệm và 5 lần bỏ nghề. Nhưng nó là cái nghiệp, mình không muốn thì nó cứ đeo bám mình. Đến nỗi ở quê, mẹ tôi và cả gia đình tôi thường năn nỉ tôi đừng có làm 2 việc: mở tiệm và nuôi chó. Bởi tôi cứ mở tiệm là sẽ sập tiệm. Còn nuôi chó thì, do ở nhà thuê mà cứ nuôi chó, đến lúc chuyển nhà mới chủ nhà thường không cho nuôi, vậy là tôi lại mang về quê cho mẹ, riết mẹ phải nuôi nhiều quá, chịu không nổi!

* Vì sao anh sập tiệm liên tục vậy?

- Bạn tôi, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng bảo rằng: “Cái dở của anh Phương là anh cứ muốn bán cho người ta cái mà anh thích chứ không bán cái người ta thích”. Đãng nói đúng lắm. Tôi nghèo khổ xơ xác vì mở tiệm đấy. Tôi không biết quản lý, cũng không tìm được người biết quản lý làm cho mình. Tôi chẳng biết tính toán gì cả, cứ say mê cái đẹp mà làm, không tính đến vốn liếng. Chẳng hạn tôi từng dùng hết 150m vải để làm một chiếc đầm cho khách, cứ làm đi làm lại cho vừa ý mới thôi, mà giá chiếc đầm thì không thể tính cho đủ tiền mua 150m đó. Tôi lại chỉ thích phục vụ những người bạn hiểu mình, thích mình, sẵn sàng bán đồ cho họ với giá rất rẻ chứ không chịu phục vụ những người có tiền mà chảnh dù họ sẵn sàng trả giá cao.

Và diễn viên Hồng Ánh với áo dài Lê Thanh Phương. Ảnh: Hải Đông

* Cũng vì “chảnh” mà anh đã từng bỏ show do nhà thiết kế Minh Hạnh tổ chức, điều mà hầu như chẳng nhà thiết kế trẻ, cần có chỗ dựa, cần cơ hội để tỏa sáng nào… dám làm?

- Tôi không chảnh, mà do cá tính của tôi quá mạnh. Còn chuyện với chị Minh Hạnh, dù có thế nào thì đến giờ tôi cũng vẫn mang ơn chị Hạnh. Tôi làm việc với chị từ khi mới vào nghề, đến giờ, khi đã trưởng thành và bầm dập với nghề, tôi hiểu rằng sự sắt đá, lạnh lùng của chị Hạnh là rất cần thiết khi làm việc với các nhà thiết kế, những người thường được ví như những con ngựa chứng, luôn khùng điên và rất bất cần. Tôi cũng là một kẻ như thế.

* Thế lúc anh quyết định bỏ nghề, thì có vì chuyện gì cụ thể không?

- Vì tôi ghét cái nghề này lắm, nó khiến tôi cực khổ và nghèo khó, nợ nần. Những người bạn cùng lứa với tôi đã bỏ nghề từ lâu rồi. Lê Tuấn Kiệt thì đi học trang điểm ở Mỹ, Hà Thúc Nhật Minh chuyển sang làm nhiếp ảnh, hay người đi trước tôi một chút là Ngô Thái Uyên cũng xất bất xang bang vì mở tiệm nên giờ cũng dẹp tiệm và đi làm công ty… Ghét thế nhưng chẳng bỏ được, còn khó hơn bỏ vợ.

Lê Thanh Phương trong buổi đấu giá mẫu áo dài người mẫu Ngọc Quyên thể hiện để làm từ thiện

* “Ngựa chứng” như anh mà cũng làm công ăn lương cho một công ty sản xuất phim tới 5 năm trời, anh cũng đâu đến nỗi nào?

- Tôi nhận làm phục trang cho phim sau 3 lần sập tiệm liên tiếp và mắc nợ rất nhiều. Đó là công việc đã nuôi sống tôi trong thời gian 5 năm như chị đã biết. Nhưng cũng vì “ngựa chứng” mà tôi đã bị đuổi việc đấy.

* Chuyện đó thế nào?

- Tôi đã làm công việc của mình tốt nhất có thể, nhưng tính tôi hay “có ý kiến”, và “ý kiến” làm tôi bị đuổi việc là khi thực hiện một bộ phim truyền hình trong đó có một nhân vật là nhà thiết kế thời trang. Do không hiểu tường tận về giới thiết kế, người biên kịch và cả đạo diễn đã tạo ra một hình ảnh rất phản cảm về nhà thiết kế Việt Nam. Tôi bất bình với điều đó và phản ứng kịch liệt. Cuối cùng thì họ đuổi việc tôi.

* Và anh lại mở tiệm?

- Đã nói là không thể bỏ nghề được mà. Tiệm mới của tôi mở được gần năm nay và tôi vẫn mắc lỗi không biết tính toán, quản lý. Nhưng hi vọng sẽ không bị sập nữa.

* Chúc anh toại nguyện.

Lê Thanh Phương sinh năm 1970, tại Bến Tre, tốt nghiệp Khoa Đồ họa, Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Anh đến với thời trang từ cuộc thi Vietnam Collection Grand Prix và đoạt giải Ấn tượng. Thiết kế trang phục cho các phim chiếu rạp: Những cô gái chân dài, Cô dâu đại chiến..., phim truyền hình dài tập: Cô gái xấu xí, U6 & U7… Hiện sinh sống và làm việc tại TP.HCM.


Dương Vân Anh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN