TTVH Online

Công diễn "Lời thề thứ 9": Thông điệp không cũ của Lưu Quang Vũ

02/12/2012 08:42 GMT+7

Đi ngược thời gian, để dựng lại câu chuyện xảy ra cách đây 24 năm. Đi ngược lại xu hướng “kịch thị trường” vốn đang phổ biến...

(Thethaovanhoa.vn) - Đi ngược thời gian, để dựng lại câu chuyện xảy ra cách đây 24 năm. Đi ngược lại xu hướng “kịch thị trường” vốn đang phổ biến. Đi ngược lại sự vô cảm luôn tràn ngập trong cuộc sống bây giờ, thông điệp của vở kịch đã đề cao ý thức công dân...

Sau vài tháng tập vở, hành trình của Lời thề thứ 9 (Đoàn kịch 2 Nhà hát Tuổi Trẻ) đã bắt đầu từ buổi công diễn tối 30/11.

1. So với kịch bản gốc, vở diễn của Nhà hát Tuổi Trẻ cắt bớt một số nhân vật và tình tiết không phù hợp. Một lớp diễn nhỏ về cảnh tương phản giữa đời sống của các chiến sĩ biên phòng và nạn cường hào mới ở địa phương được dựng thêm ở phần khai vở. Còn lại, như lời trợ lý đạo diễn Chí Trung, Lời thề thứ 9 bám khá sát với bản dựng của NSND Xuân Huyền năm 1988.

Câu chuyện bắt đầu từ một vụ trấn lột sát biên giới. Người gặp nạn là một vị Chủ tịch tỉnh, đang trên đường ghé thăm sư đoàn cũ, nơi ông từng chỉ huy. Oái ăm, thực hiện vụ trấn lột chính là Đôn, Xuyên, Hiến – 3 chiến sĩ xuất sắc nhất trung đoàn.

Thì ra do ở hậu phương, bố Xuyên bị Chủ tịch xã vu oan, tùy tiện bắt giam vào hầm tối. Biết tin, ba người lính bỏ vị trí, quay về xuôi để thiết lập lại công lý theo cách nghĩ bồng bột của mình. Thiếu tiền, họ đánh liều chặn đường, tính cướp đồ của dân buôn lậu mà không hiểu rằng tai họa bắt đầu xảy ra...

Cảnh trong vở “Lời thề thứ 9

Để phù hợp với khán giả hiện đại, tiết tấu của bản diễn mới được đẩy lên khá nhanh. Không chỉ vậy, vị trợ lý đạo diễn Chí Trung còn... tranh thủ thêm bớt vài chi tiết để “cập nhật” thông điệp của Lời thề thứ 9. Thay vì cướp mấy sào ruộng khoán của gia đình Xuyên (trong bản diễn cũ), động cơ của Chủ tịch xã Quách Văn Tuần được thay đổi thành... thu hồi vài chục hecta đầm nuôi tôm. Rồi, thêm vào đó là vài mối quan hệ họ hàng chồng chéo giữa kẻ làm bậy và những lãnh đạo địa phương.

Không thể phủ nhận, chính những lớp diễn này nhận về tiếng vỗ tay hào hứng nhất từ khán giả. Hỏi Chí Trung về việc “cập nhật” này, anh chia sẻ: “Hãy coi đó là một ý kiến riêng của người xem thôi. Bởi, muôn hình muôn vẻ, cái ác vẫn luôn có sự thuần nhất về bản chất, suốt từ trước tới giờ”...

Một chút tiếc nuối ở hàng ghế khán giả: dù “thời sự hóa”, tuyến thời gian của Lời thề thứ 9 vẫn mang đậm những bối cảnh của những câu chuyện xảy ra ở thập niên 1980. Đó là những chi tiết tưởng như rất nhỏ ở việc cuộc chiến đấu ở biên giới vẫn đang diễn ra, ở các khái niệm “con phe”, “sữa Con Chim” hay “du kích từ thời chống Pháp” được nhắc tới trong vở diễn. Có lẽ, nếu khéo xử lý những tiểu tiết này, Lời thề thứ 9 sẽ thành câu chuyện có sức khái quát cao hơn, như mong mỏi của những người làm vở...

2. Những ngày dựng vở, Chí Trung... lên báo trả lời khá nhiều. “Cũng ngượng” – đó là lời nhận xét của anh với TT&VH. Có vẻ, ông trưởng đoàn kịch 2 Nhà hát Tuổi Trẻ đã dốc hết những gì có thể, để người xem quan tâm tới Lời thề thứ 9, tới thông điệp mà Lưu Quang Vũ đưa ra. “Ý thức công dân” là cụm từ được vị trợ lý đạo diễn này nhắc tới nhiều nhất trước các diễn viên trên sàn tập với mong muốn họ phải làm nổi bật được thông điệp đó. Chí Trung từng vào vai Đôn “sứt” trong bản dựng vở kịch này hồi năm 1988. Giờ đây, xem cảnh Đôn “sứt” của 24 năm trước chốc chốc lại gào khàn cổ rồi nhảy lên sân khấu để thị phạm, người ta mới thấy anh sốt ruột tới mức nào.

“Sự thực, cũng không thể ép các diễn viên trẻ vào lối diễn của chúng tôi cách đây 24 năm” - Chí Trung nói - “Quen diễn hài, bây giờ họ phải học cách hiểu kĩ, hiểu sâu những gì Lưu Quang Vũ nhắn nhủ. Để rồi từ cảm xúc ấy, tự mỗi người sẽ phải tìm được cách thể hiện phù hợp cho mình” – anh tâm sự.

Lối diễn của hài kịch còn “phảng phất” khiến đôi lúc, tính chính luận trong buổi công diễn Lời thề thứ 9 bị ảnh hưởng ít nhiều. Gần như, đó là điều có thể nhìn thấy trước, khi Chí Trung quyết tâm giao vở diễn cho lứa trẻ, chứ không “khai quật” lại các diễn viên giàu kinh nghiệm. “Tôi muốn họ chuyển thông điệp tới khán giả của ngày hôm nay bằng diễn viên của ngày hôm nay” – anh nói. “Ý thức công dân không thể chỉ được nhen lên ở lớp già chúng tôi, mà phải có ngay ở những gương mặt sẽ là tương lai của Nhà hát Tuổi Trẻ”.  

3. Thời gian tới, Lời thề thứ 9 sẽ bắt đầu lộ trình biểu diễn, thậm chí là diễn với giá “siêu rẻ” tại các trường đại học. Chịu thiệt về kinh tế để hi vọng khán giả có thể đồng cảm và chia sẻ với mình quanh “thông điệp” mà Lưu Quang Vũ đưa ra, đó là lộ trình mà họ đang làm. Giống như một nhận xét từ chính cố tác giả này: dù sống thế nào, khi muốn, chúng ta vẫn có thể là một người tử tế trong số những người tử tế...

Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa

Ê kíp thực hiện hầu hết là mới

Kịch bản Lưu Quang Vũ, đạo diễn NSND Xuân Huyền - chỉ 2 cái tên đó là liên quan tới bản dựng năm 1988. Thay vào đó, ê kíp dựng vở gồm toàn bộ những diễn viên trẻ, cộng thêm vài gương mặt gạo cội (nhưng không tham gia bản dựng cũ) như NSND Lê Khanh (mẹ Xuyên) hay NSƯT Đức Khuê (Chủ tịch Hà)....

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN