TTVH Online

30 năm Thriller của M. Jackson: Một đĩa nhạc thay đổi thế giới

01/12/2012 14:34 GMT+7

Năm 1982, khi các ông chủ hãng đĩa CBS bắt tay vào chuẩn bị cho album "Thriller" của Michael Jackson và cho ra mắt vào ngày 30/11/1982, họ biết mình đang góp công tạo ra một trong những album nhạc vĩ đại nhất trong lịch sử.


(Thethaovanhoa.vn) - Mùa Thu năm 1982, khi các ông chủ hãng đĩa CBS bắt tay vào chuẩn bị cho album Thriller của Michael Jackson và cho ra mắt vào ngày 30/11 cùng năm, họ biết mình đang góp công tạo ra một trong những album nhạc vĩ đại nhất trong lịch sử.

Và tất nhiên, nhân vật mà họ hợp tác là một trong những nghệ sĩ biểu diễn nổi tiếng nhất trong lịch sử âm nhạc. 30 năm sau, vào ngày 30/11/2012, chúng ta lại nhớ về Thriller, và đúng hơn là chưa từng lãng quên nó.

Khởi đầu trong tuyệt vọng

Mặc dù vậy, các nhà sản xuất của CBS vẫn lấn cấn một điều, thời điểm đó chưa hẳn là thuận lợi để Michael tạo ra thêm một “cú nổ lớn” tiếp sau thành công của album Off The Wall năm 1979. Bởi, từ năm 1980 đến 1982, ngành công nghiệp thu âm rơi vào khủng hoảng trầm trọng, doanh số giảm chóng mặt. Chính lợi nhuận của hãng CBS cũng giảm 50 và doanh số giảm 15% trong năm 1982.


Vua nhạc Pop Michael Jackson thời Thriller. Ảnh: MJJ Productions.

Như một tất yếu, một số lượng lớn nhân viên của hãng bị đuổi việc vào một ngày giữa tháng 8, sự kiện được ghi nhớ như một “Ngày Thứ Sáu đen tối” đối với CBS. Trong tuyệt vọng, hãng đĩa dồn mọi hy vọng vào album mới của Michael Jackson, nhưng bối cảnh thị trường tỏ ra đầy chướng ngại.

Theo Billboard, cũng vào đầu thập niên 80, cách nghe nhạc qua radio của công chúng Mỹ chuyển từ hệ AM sang hệ FM. Vốn quen được “ăn sẵn” 40 ca khúc hay nhất ở mọi thể loại của AM, kể từ lúc đó, công chúng được/phải tự lựa chọn nghe theo các dòng nhạc và các ca khúc mình thích. Điều đó khiến các đài phát thanh cũng phải xoay xở làm sao đáp ứng được "gu" nghe nhạc của càng nhiều thính giả càng tốt.

Tờ Newsweek nhận định vào năm 1982 rằng kiểu nghe nhạc theo “Top 40” như trên phù hợp với âm nhạc kiểu Elvis Presley và The Beatles - có thể chinh phục đủ mọi loại khán giả. “Trong thị trường âm nhạc bị phân mảnh như hiện nay, không một ngôi sao ca nhạc nào có thể có sức ảnh hưởng như vậy nữa”.

Nếu nhận định đó chưa đủ khiến các ông chủ CBS mất ăn mất ngủ, thì có thêm điều này: từ đầu thập niên 80, âm nhạc của người da đen cũng bị hạn chế phát trên đài và có mặt trong các bảng xếp hạng âm nhạc do nạn kỳ thị chủng tộc. Chính khó khăn này đã khiến các tác phẩm âm nhạc lớn (về sau được công nhận) như 1999 của Prince hay Super Freak của Rick James không có được vị trí cao trên các BXH. Và, Michael Jackson cũng là người da đen, nếu chúng ta còn nhớ.

Một bức tường như được dựng lên giữa hai bộ phận khán giả da đen và da trắng, có thể nói như vậy về đời sống âm nhạc đầu thập niên 80 ở Mỹ. Và đáng sợ hơn cả là sự xuất hiện của MTV - kênh truyền hình cũng bị “phân mảnh” do kỳ thị chủng tộc như đài phát thanh và là thứ đang “tạo bão” trong làng nhạc thế giới khi đó.

Đúng là sự đời khó nói trước được. Sau này, chính Michael Jackson lại trở thành nghệ sĩ vĩ đại nhất trong lịch sử phát triển của MTV.

Duyên nợ với MTV

Album Thriller và những con số

29 triệu đĩa: Với kỳ tích này, Thriller được công nhận là album bán chạy nhất trong lịch sử âm nhạc Mỹ. Đạt thành công tương đương là Their Greatest Hits 1971-1975 của ban nhạc rock huyền thoại The Eagles.

37 tuần đứng đầu BXH album nhạc Billboard 200: lâu nhất trong tất cả các album của một nghệ sĩ solo.

5 đĩa đơn số 1 BXH Billboard Hot 100: Thriller là album duy nhất của một nghệ sĩ solo nam làm được điều này.

Vào thời điểm chuẩn bị ra mắt Thriller, Michael Jackson đã là một trong những ngôi sao ca nhạc hàng đầu thế giới, cả với tư cách thành viên nhóm Jackson 5 lẫn ca sĩ solo.

Vào tháng 10/1982, CBS gửi đĩa đơn đầu tiên từ album Thriller, The Girl Is Mine, đến các đài phát thanh. Lúc đó, không một nghệ sĩ da đen nào có mặt trong Top 20 của các BXH nhạc pop. The Girl Is Mine là một ca khúc nhẹ nhàng, dễ nghe do Michael hợp tác với cựu thành viên The Beatles, Paul McCartney.

Sự có mặt của Paul giúp bài hát dễ được đón nhận ở các đài phát thanh dành cho người da trắng hơn. Và, vì MTV không phát video nhạc của nghệ sĩ da đen nên The Girl Is Mine đã không được quay video nhạc. Mặc dù vậy, bài hát gia nhập BXH Billboard vào ngày 6/11.

3 tuần sau đó, ngày 30/11, album Thriller xuất xưởng. Đến ngày 25/12, nó lần đầu có mặt trên Billboard với vị trí thứ 11. Đến tháng 1, album đạt vị trí số 5 và được công nhận là một thành công, bắt đầu cho thấy dấu hiệu của một “cú nổ lớn”.

Đầu năm 1983, đĩa đơn thứ hai Billie Jean ra mắt. Billie Jean là kiểu bài hát khiến người ta phải nín thở khi nghe, và nếu bạn lần đầu nghe nó ở nơi nào thì bạn sẽ nhớ mãi nơi đó. Nhưng MTV vẫn quay lưng với ca khúc này, và vì thế, Michael không được đặt ở vị trí trung tâm của nền văn hóa pop - thứ mà ông xứng đáng có được vào thời điểm đó.

“Người đàn ông nhảy” và chuẩn mực mới về vũ đạo

Tin vào Michael, CBS quyết định liều lĩnh quay hai video nhạc rất đắt đỏ cho cả Billie Jean và đĩa đơn tiếp theo, Beat It. Và người ta phát hiện ra rằng, việc diễn xuất trong các video nhạc như thể một tài năng bẩm sinh của Michael. Anh tự biến mình thành “người đàn ông nhảy”. Hai video nhạc của Billie Jean Beat It đã giới thiệu những chuẩn mực mới về vũ đạo cho làng nhạc thế giới nói chung, và các video trước đó trên MTV nói riêng.


Sau Thriller, mọi thứ đã thay đổi, làng nhạc có thêm Madonna, Janet Jackson - em gái của Michael, Paula Abdul… Nhưng, ở thời Thriller, Michael đã khiến MTV phải tìm đến với mình. Tất nhiên, đời thực không dễ như lời nói.

Kỳ 2: Cơn địa chấn trên MTV

Huyền Mi

Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN