TTVH Online

Tranh cãi trong ngày: Người hâm mộ nên xin lỗi đội tuyển Việt Nam?

28/11/2012 06:00 GMT+7

Trưởng đoàn, huấn luyện viên, đội trưởng đều đã lên tiếng xin lỗi. Nhưng có lẽ, chính người hâm mộ mới nên nói lời xin lỗi. Vì đã kỳ vọng, đã nuôi hy vọng, đã quá tin tưởng!

(Thethaovanhoa.vn) - Trưởng đoàn đội tuyển Việt Nam đã lên tiếng xin lỗi. Huấn luyện viên đội tuyển Việt Nam giải thích lý do mà nghe như một lời xin lỗi. Đội trưởng thẳng thắn nhận lỗi. Nhưng có lẽ, chính người hâm mộ, gồm những người đã theo chân đội tuyển sang Thái Lan và hàng chục triệu người ở quê nhà, mới nên nói lời xin lỗi. Vì đã kỳ vọng, đã nuôi hy vọng, đã quá tin tưởng!


Người ta chỉ xin lỗi khi phạm sai lầm hoặc làm dưới khả năng, quyết tâm của bản thân. Nếu đã cố gắng hết mình, nỗ lực hết mình, chiến đấu với quyết tâm cao nhất, thì không có gì phải xin lỗi.

Nếu các anh, các chú, các bác ở đội tuyển Việt Nam đã làm hết mình thì không cần phải xin lỗi.

Không phải cứ thất bại thì phải nói lời xin lỗi. Ví dụ, không cần phải xin lỗi khi đội tuyển chúng ta không thể vượt qua vòng loại World Cup. Quá tầm, quá sức, thì không cần phải xin lỗi.

Đã có thời điểm, đã có giải đấu, hàng loạt cầu thủ tài năng đã phải xin lỗi vì... chiến thắng. Thắng mà bán độ thì không thể chấp nhận được, xứng đáng phải xin lỗi.

Bốn năm về trước, chúng ta từng bước lên đỉnh cao AFF Cup. Đó là khoảnh khắc vàng của bóng đá Việt Nam. Một năm hoàn hảo, cho chiến thắng, cho nỗ lực, cho vinh quang, cho những điều tưởng chừng không thể biến thành sự thực.

Có lẽ vì danh hiệu đó, người hâm mộ vẫn tin tưởng, vẫn kỳ vọng, vẫn hy vọng, vẫn mong chờ thành công rực rỡ, vào chiến tích kỳ diệu trên đất Thái Lan. Trên lý thuyết, chúng ta vẫn có thể đi tiếp nhờ những kịch bản kì diệu ở lượt cuối.

Nhưng có lẽ, không nên lại quá kỳ vọng để rồi thất vọng.

Bởi tất cả chúng ta đều nhìn thấy, đây không thể là năm thành công của bóng đá Việt Nam.

Làm sao có thể thành công khi danh hiệu cao quý nhất của giải đấu danh giá nhất của trong nước, chức vô địch V-League, được quyết định theo kiểu "hai đánh một, không chột cũng què"?

Làm sao có thể thành công được khi hàng loạt ông bầu bỏ bóng đá như chạy trốn một cục nợ, sang tên đổi chủ CLB như sang tay một món hàng?

Làm sao có thể thành công được khi nửa số tuyển thủ thân thì ở Thái Lan, hồn thì ở quê nhà, mắt thì thăm dò, tai thì lắng nghe về những lời mời, những vụ thanh lý hợp đồng, số phận của CLB trong thời buổi tỷ lệ thất nghiệp ở V-League cao chưa thấy?

Làm sao có thể thành công được khi lần hiếm hoi trong lịch sử, đội tuyển Việt Nam bước vào một giải đấu mà không có "liều doping" tiền thưởng?

Rõ ràng, không hề có cơ sở cho chiến thắng, cho thành công.

Buồn và thương cho người hâm mộ khi họ quá hy vọng, quá mơ mộng.

Phải chăng người hâm mộ nên xin lỗi cả đoàn đội tuyển Việt Nam, ngay cả khi lần đầu tiên trong lịch sử tham dự AFF Cup, chúng ta giành vỏn vẹn 1 điểm sau 2 trận?

Lê Đồ
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN