TTVH Online

Sách thật… kêu cứu

14/11/2012 07:39 GMT+7

“Mua bán sách giả là giết chết sách thật”, khẩu hiệu này đúng theo mọi cách hiểu. Chúng ta đang sống trong thời đại “sờ đâu cũng thấy sách lậu” nhưng đó không thể là lý do để coi việc sách giả tồn tại là đương nhiên và… bó tay.

(TT&VH) - “Mua bán sách giả là giết chết sách thật”, câu khẩu hiệu này đúng theo mọi cách hiểu. Chúng ta đang sống trong thời đại “sờ đâu cũng thấy sách lậu” nhưng đó không thể là lý do để coi việc sách giả tồn tại là đương nhiên và… bó tay.

Hội thảo Chống in lậu và sách giả trên địa bàn thành phố Hà Nội được UBND thành phố Hà Nội và Ban Chỉ đạo 127/TP (ban chỉ đạo chống buôn lậu) tổ chức vào sáng qua (13/11) tại nơi được xem là in ấn, phát hành và tiêu thụ sách lậu lớn nhất cả nước.

Trùm sách lậu bị bắt vẫn ung dung

“Sờ đâu cũng thấy sách lậu” là lời của TS Nguyễn Đăng Quang, nguyên Phó Tổng giám đốc NXB Giáo dục, nói về kết quả thu được bởi các cơ quan chức năng qua việc khảo sát vài cửa hàng sách ở Hà Nội. Trong bài phát biểu, ông Quang điểm danh các trùm in sách lậu lớn, gồm có: Nguyễn Hữu Chiến (tức Chiến “vẩu” - chuyên in lậu sách giáo khoa; nhà sách Yến Công (Nghệ An) - trùm in lậu khu vực miền Trung, Nguyễn Văn Chung (tức Chung “Mỹ Đình”); Đỗ Đức Thọ - chủ nhà sách Tiến Thọ, đường Láng, Hà Nội (đường dây in lậu sách lớn nhất trong 10 năm trở lại đây).

Theo ông Quang, Nguyễn Hữu Chiến từng bị bắt vào giữa thập niên 90 vì in hàng tấn sách giáo khoa giả, trụ sở in đặt ngay tại số 2 đường Bắc Sơn, quận Ba Đình, trung tâm thành phố Hà Nội. Nhưng, Chiến chỉ bị phạt hành chính, phạt xong, vẫn tiếp tục in lậu sách. Sau đó, đến năm 1998, Chiến lại bị bắt, phạt tù giam một năm. Ra tù, Chiến vẫn quay lại con đường cũ, nhưng chuyển sang in loại sách khác, không in sách giáo khoa nữa.

NXB Giáo dục là một trong những đơn vị có sách bị in lậu nhiều nhất, dẫn đến việc rất nhiều học sinh trong cả nước đang là nạn nhân của giới làm sách giả. Ảnh: Hạ Huyền

Một trường hợp khác không thể không kể đến là Đỗ Đức Thọ - giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội. Thọ và em là Đỗ Đức Thanh cùng lập Công ty cổ phần Phát hành sách và Thiết bị trường học Việt Nam. Công ty do Nguyễn Thị Thu Cúc, vợ Thọ, làm Chủ tịch hội đồng quản trị. Điều gây bức xúc cho các đơn vị xuất bản là hình phạt dành cho các bị cáo trong vụ “in sách lậu lớn nhất trong 10 năm nay” lại quá nhẹ: Thọ bị tù 6 tháng 25 ngày, Thanh bị tù 6 tháng 21 ngày.

“Ngày xử án, Thọ và Thanh đi xe xịn đến phiên tòa. Nghe tuyên án xong thì về nhà mở tiệc ăn mừng. Sau khi chấp hành án xong vẫn tiếp tục kinh doanh sách lậu, vừa rồi lại bị bắt một lần nữa, nhưng với tội danh kinh doanh sách lậu thì chắc chỉ bị phạt hành chính”, ông Nguyễn Đăng Quang nói. Nhà sách Tiến Thọ trước đây đã được nâng cấp thành Siêu thị sách Tiến Thọ tại 828 đường Láng, Hà Nội và kinh doanh trên mạng tại địa chỉ sachhagia.vn.

Sách giá “rẻ”, nội dung cũng rẻ

Đại diện cho các nhà xuất bản, công ty sách tư nhân tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Thaihabooks - kể về ảnh hưởng tai hại của sách lậu, không phải về hình thức mà về nội dung. Chẳng hạn, một cuốn sách có tên Sống như Tiểu Cường đã bị một cơ sở in lậu in nhầm thành Sống Tiểu Cường, một tiêu đề hoàn toàn vô nghĩa. “Đó mới là cái tên, còn nội dung bên trong khi giở ra đọc thì “thôi rồi Lượm ơi””, ông Hùng nói.

Một ví dụ khác là tập Atlat Địa lý Việt Nam của NXB Giáo dục. Tại hội thảo, ông Nguyễn Đăng Quang đã đưa ra vài đối chiếu giữa bản thật và bản giả chi chít lỗi sai: ghi sai tên địa danh, lẫn lộn vị trí các tỉnh, đưa địa danh không còn tồn tại vào bản đồ…

Không chỉ sai về nội dung, sách lậu, sách giả nhiều khi nhắm vào tính ham rẻ, ham chiết khấu cao của bạn đọc để trục lợi. Theo ông Hùng, có những cuốn như Người nam châm, Nghe bố này con gái bị giới in lậu đẩy giá bìa lên cao gấp 1,5 lần. Bạn đọc tưởng là được lợi khi mua sách rẻ hơn giá bìa, nhưng thực ra là không, đó là còn chưa kể nội dung sách, chất lượng giấy… nhiều khi rất tệ.

“Mua bán sách giả là giết chết sách thật”, Công ty sách Nhã Nam in câu khẩu hiệu đó lên mọi tác phẩm của mình, và có lẽ đúng là như vậy thật. Ở Việt Nam, chúng ta chưa nhận thức rõ về điều này mà mới nhìn thấy sách lậu làm giảm (khá nhiều) tiền tác quyền của tác giả và doanh thu của nhà làm sách.

Xử lý bằng cách tịch thu sách: Vô nghĩa

Đó là tuyên bố của ông Nguyễn Mạnh Hùng về cách xử lý lâu nay của các cơ quan chức năng đối với sách lậu. Chẳng hạn, hồi tháng 4/2011, Đội Công an chống hàng giả và tội phạm kinh tế (PC15) Công an thành phố Hà Nội và đội Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã tịch thu hàng chục nghìn bản in lậu hơn 70 đầu sách của Công ty First News - Trí Việt.

Đó là hành động “bắt cóc bỏ đĩa, không ăn thua gì cả” - ông Hùng nói - “Phải đánh vào kinh tế, tịch thu luôn máy in. Mỗi cái vài tỷ, vài lần bị tịch thu vài tỷ như vậy thì mới không dám in lậu sách nữa”.

Theo ông Phạm Trung Thông, Tổ trưởng thường trực Đoàn thanh tra liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương, trong cả nước hiện nay có khoảng 10.000 cơ sở in không cấp phép, không chịu bất cứ sự điều chỉnh nào của pháp luật chuyên ngành. “Nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động in đang bị Nhà nước buông lỏng quản lý, và thực tế gần như vậy. Hoạt động in đang làm rối loạn thị trường, bừa bãi thiếu kiểm soát” - ông Thông trình bày trong tham luận.

Mi Ly

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN