TTVH Online

"Tròn 100 bản đồ cổ khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam"

22/10/2012 08:42 GMT+7

Đó là thông báo của ông Trần Thắng, chủ nhân những tấm bản đồ cổ. Trong thư gửi TT&VH, ông Thắng thông báo vừa tìm thêm 10 tấm bản đồ cổ, nâng tổng số bản đồ cổ lên 100 tấm khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Đó là thông báo của ông Trần Thắng, chủ nhân của những tấm bản đồ cổ. Trong bức thư điện tử gửi TT&VH chiều qua 21/10, ông Thắng thông báo vừa tìm thêm 10 tấm bản đồ cổ, nâng tổng số bản đồ cổ lên 100 tấm khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Trước đó, sau khi đăng bài viết “Thêm 10 bản đồ cổ khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” (TT&VH ngày 16/10/2012), chúng tôi nhận được những hồi âm đầu tiên của ông Trần Thắng, ông chia sẻ thêm các thông tin xung quanh những tấm bản đồ quý già này.



Bìa cuốn Atlat “Trung hoa Dân quốc Bưu chính dư đồ”, Bộ giao thông Trung Hoa Dân Quốc năm 1933. (ảnh do Trần Thắng cung cấp)

Chúng ta có trách nhiệm bảo tồn đất nước

Chúng tôi xin trích bức thư của ông Trần Thắng: “Những người Việt Nam, chúng ta có đầy đủ trách nhiệm bảo tồn đất nước cũng như đóng góp sức trong việc định hình xã hội Việt Nam tương lai.

Tôi xin chia sẻ bộ sưu tập 80 bản đồ Tây phương trong khoảng 1626 – 1980 do các nhà xuất bản tại Anh, Ðức, Pháp, Mỹ phát hành. Các bản đồ này có kích thước từ 20cm x 25cm cho đến 60cm x 75cm. Trong bộ sưu tập, 70 bản đồ xác định rằng miền Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam và 10 bản đồ xác định Hoàng Sa thuộc về lãnh thổ của Việt Nam.

Trong quá trình sưu tập bản đồ, tôi phát hiện 2 sách toàn đồ Trung Hoa Dân quốc Bưu chính dư đồ, Bộ Giao Thông, Cộng Hòa Trung Hoa xuất bản năm 1919 & 1933 và sách Atlas of The Chinese Empire do phái bộ China Inland Mission xuất bản năm 1909. Sách toàn đồ 1909 bao gồm 23 bản đồ, sách toàn đồ 1919 bao gồm 49 bản đồ, sách toàn đồ 1933 bao gồm 29 bản đồ. Kích thước của sách là 62cm x 38cm x 4cm, kích thước bản đồ là 56cm x 81cm. Tất cả 3 sách này không liệt kê Hoàng Sa & Trường Sa trong bản đồ và thư mục sách".

Trong thư, ông Trần Thắng nêu rõ: "Tôi tặng toàn bộ tài liệu bản đồ cho Viện Phát triển Kinh tế - Xã hội Ðà Nẵng, nơi đang có chương trình nghiên cứu về Hoàng Sa & Trường Sa".

Qua TT&VH, ông Thắng cũng gửi lời cảm ơn chân thành đến những người bạn đã đóng góp tiền để ông mua, sưu tập tài liệu bản đồ.

Chiều qua, 21/10, ông Thắng tiếp tục gửi thư cho TT&VH, cập nhật thêm thông tin số lượng các bản đồ cổ mà ông sưu tập được: "Tôi xin nói lại cho rõ: Khi công bố trên truyền thông chỉ có 80 bản đồ, đến nay, là 100 bản đồ, bao gồm: 70 bản đồ về lãnh thổ Trung Hoa; 15 bản đồ về Hoàng Sa nằm sát bờ biển Việt Nam; 10 bản đồ tổng thể Việt Nam trong khu vực Đông Dương hay Ðông Nam Á; 5 bản đồ về đường hàng hải trong khu vực Ðông Nam Á".

Cần thêm những Trần Thắng

Việc nâng tổng số lên 100 tấm bản đồ cổ khẳng định chủ quyền Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là sự cố gắng hết mình của ông Trần Thắng. Để có được 100 tấm bản đồ này, ông đã lao tâm khổ tứ, nhọc công không ít. Qua đó, chúng ta có thêm bằng chứng thuyết phục về chủ quyền trước luật pháp quốc tế.



Bản đồ trong cuốn “Trung hoa Dân quốc Bưu chính dư đồ" khẳng định miền Nam của Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam

Bên cạnh đó, cũng phải kể đến sự đóng góp của TS. Trần Đức Anh Sơn - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế- Xã hội Đà Nẵng. Từ đề tài “Font tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa - thành phố Đà Nẵng” và với linh cảm của một nhà khoa học, ông đã dự đoán sẽ còn nhiều bản đồ khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. 100 tấm bản đồ cổ lần lượt được tìm ra bởi Trần Thắng - một Việt kiều nhưng luôn đau đáu hướng về quê hương.

Theo TS. Trần Đức Anh Sơn: "Với nhiệt huyết và trách nhiệm hiếm có, tin chắc trong thời gian tới Trần Thắng còn bổ sung thêm những tấm bản đồ cổ quý giá khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

Bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng, xây dựng và phát triển đất nước nói chung không phải là trách nhiệm của riêng ai mà phải cần sự chung tay của tất cả đồng bào, trong đó có các kiều bào trên thế giới. Những đóng góp của Trần Thắng không thể đo giá trị bằng tiền bạc. Dĩ nhiên, sự nghiệp phát triển, bảo vệ chủ quyền đất nước đang rất cần thêm nhiều Trần Thắng nữa".

Về vai trò của giới trẻ, TS. Trần Đức Anh Sơn tâm sự rằng: “Bảo vệ chủ quyền đâu phải ngày một, ngày hai nên thế hệ tương lai phải luôn có ý thức về vận mệnh quốc gia. Có như thế, đất nước mới mong toàn vẹn lãnh thổ lâu dài”.

Hồng Thúy

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN