TTVH Online

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Tự do trên “sân chơi” tiểu thuyết lịch sử

16/10/2012 13:19 GMT+7

Nguyễn Xuân Khánh là nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử và tiểu thuyết phong tục được giới văn chương trong nước nể phục. Mặc dù vậy, tọa đàm về ông do Viện Văn học tổ chức sáng 15/10 không dừng lại ở những ngợi khen.


(TT&VH) - Nguyễn Xuân Khánh là nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử và tiểu thuyết phong tục được giới văn chương trong nước nể phục. Mặc dù vậy, tọa đàm về ông do Viện Văn học tổ chức sáng 15/10 không dừng lại ở những ngợi khen.

Hồ Quý Ly (dày 804 trang), Mẫu thượng ngàn (808 trang) đều ra năm 2006, Đội gạo lên chùa (868 trang) ra năm 2011. Mỗi lần ra tiểu thuyết, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh lại khiến các đồng nghiệp sửng sốt vì cuốn nào cũng dày như… cục gạch. Về nội dung cũng không thường, có cuốn còn được giải của Hội Nhà văn Việt Nam (Đội gạo lên chùa). Hồ Quý LyMẫu thượng ngàn thì bán khá chạy, cũng được dư luận để ý.

Suy tư sự trường tồn của dân tộc

Ở tuổi 79 (sinh năm 1933), nhà văn Nguyễn Xuân Khánh vẫn giữ thói quen viết tay khi sáng tác và làm việc. Bản thảo của ông khi gửi đến NXB Phụ nữ lên đến 1.000 trang, biên tập lại còn hơn 800 trang. "NXB nên trưng bày ở bảo tàng các bản thảo này", nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói.

"Người tự do trên sân chơi tiểu thuyết lịch sử" là từ dùng của GS Nguyễn Thị Bình (Viện Văn học) về nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. GS Bình cho rằng: "Ông vay mượn các tư tưởng của đạo Mẫu, đạo Phật để nói lên suy tư về văn hóa, nhân tính theo cách của riêng ông".

Còn GS La Khắc Hoàn của Đại học Sư phạm nhìn ra cái trục chính trong ba tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh là "lòng suy tư về sự trường tồn của dân tộc, dựa trên trục đối lập âm dương".

Văn Nguyễn Xuân Khánh không mạnh ở cách tân nghệ thuật, mà là ở "sức nghĩ và vốn sống", theo GS, nhà phê bình Phong Lê. Là người cùng thế hệ với nhà văn, GS thừa nhận, đọc Nguyễn Xuân Khánh ông thấy rõ những trải nghiệm thật, suy nghĩ thật của thế hệ mình.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (bìa trái) phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Hạ Huyền

"Đọc chưa thấy sướng"

Nhận xét "sự đan bện giữa lịch sử và văn hóa - phong tục là nét trội ở tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh, 3 cuốn tiểu thuyết Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn Đội gạo lên chùa đều là những hiện tượng trong đời sống văn chương", nhà phê bình trẻ Nguyễn Hoài Nam đồng thời đưa một góp ý thẳng thắn và xác đáng: "Đọc tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh chưa thấy sướng. Nếu so sánh với các tiểu thuyết nước ngoài như Gót sen ba tấc, Tên tôi là Đỏ, Báu vật của đời, Đàn hương hình...".

Nhà phê bình này phân tích: "Những cuốn sách này đọc rất sướng vì các phong tục, hủ tục trong đó đều được mô tả rất kỹ càng, cụ thể và sống động. Chẳng hạn, Gót sen ba tấc tả rõ một bé gái Trung Hoa bị bó chân như thế nào, những chiếc hài thêu đẹp đẽ đến thế nào, rồi cảnh ông bố chồng đang đêm mò vào phòng cô con dâu nâng niu chiếc hài đấy. Cực kỳ chân thật. Hay Đàn hương hình của Mạc Ngôn cụ thể đến không thể cụ thể hơn được nữa, tả thanh gỗ đàn được vót nhọn, tẩm vào dầu sôi, nỗi đau đớn của người bị tra tấn bằng thanh gỗ đó…".

"Điều đó không thấy ở các tiểu thuyết phong tục của Nguyễn Xuân Khánh" Nguyễn Hoài Nam nhận định. "Nhà văn thể hiện hiểu biết của mình về văn hóa, phong tục hơn là đi sâu vào bản thân phong tục đó, nét văn hóa đó, thiếu sự cụ thể. Mà văn chương nhiều khi ăn nhau ở cái cụ thể".

Nhân vật chính "tự kiểm điểm"

"Tôi biết mình có nhiều khuyết điểm", sau khi lắng nghe những lời góp ý, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh mở đầu lời chia sẻ của mình tại tọa đàm. "Dài quá, già rồi nên viết dài, nói dài, không chữa được. Tôi xin tự kiểm điểm".

"Về đạo Phật thì… dốt" - ông nói tiếp - "Tôi không phải là Phật tử, không viết sách để tuyên truyền cho người ta đi tu. Tôi chỉ viết về đạo Phật như đề nghị một cách sống trong thời hiện đại".

"Những trải nghiệm của bản thân tôi không đồng nhất hoặc ngược lại với những suy nghĩ của thời đại tôi sống. Tôi không hợp với chủ nghĩa hiện đại hay hậu hiện đại. Nhưng tôi nghĩ, cổ điển, hiện đại hay hậu hiện đại, khuynh hướng nào cũng đều có chỗ đứng dưới ánh mặt trời. Miễn là nó hay! Không thể ép mọi người phải theo khuynh hướng này, khuynh hướng khác, mà phải chấp nhận sự khác biệt của người khác".

Trước ngày tọa đàm diễn ra, Viện Văn học với sự tài trợ của Hội Nhà văn Việt Nam đã cho xuất bản cuốn Lịch sử và văn hóa - Cái nhìn nghệ thuật: Nguyễn Xuân Khánh gồm bài viết của nhiều nhà nghiên cứu, phê bình. Đây là hội thảo được chuẩn bị bài bản và có đầu tư của Viện. Riêng tên cuốn sách cũng tỏ rõ góc nhìn của tọa đàm về nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Đó chưa phải góc nhìn duy nhất, như lời Viện trưởng Nguyễn Đăng Điệp, vì về Nguyễn Xuân Khánh "cần đến khoảng 10 tọa đàm, hội thảo nữa thì mới nói đầy đủ được".

Trư cuồng, tiểu thuyết được giới văn chương đồn đại là tác phẩm quan trọng nhất của Nguyễn Xuân Khánh lại chưa từng được xuất bản và cũng không phải là đối tượng bàn luận chính của tọa đàm. Cũng chính vì thế, nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp thừa nhận, tọa đàm mới chỉ bàn đến và ghi nhận một phần nhỏ trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn sắp bước sang tuổi 80.

Mi Ly

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN