TTVH Online

Nghệ sĩ Trung Dân: Làm phim để chống xâm phạm ý tưởng

10/10/2012 14:20 GMT+7

Vào lúc 20h30 tối nay (10/10) trên kênh THVL1, bộ phim "Bìm bịp kêu chiều", 30 tập, mà Trung Dân viết kịch bản và lần đầu tiên đạo diễn sẽ phát sóng.


(TT&VH) - Vào lúc 20h30 tối nay (10/10) trên kênh THVL1, bộ phim Bìm bịp kêu chiều, 30 tập, mà Trung Dân viết kịch bản và lần đầu tiên đạo diễn sẽ phát sóng. Vạn sự khởi đầu nan, phim còn nhiều điểm chưa hay, nhưng vẫn cho thấy được tâm huyết của tân đạo diễn này. Điều đáng nói hơn, lý do chính của việc làm phim, ngoài thử sức nghề đạo diễn phim truyền hình, đây cũng là cách để Trung Dân chống xâm phạm ý tưởng kịch bản.

Phim được Trung Dân chuyển thể từ chính truyện ngắn cùng tên của mình, vốn nằm trong tập truyện Nơi đây là phương Nam chưa xuất bản. Phim có sự tham gia diễn xuất của Quý Bình (vai Lực), Lê Phương (Sen), Lý Thanh Thảo (Tầm Gửi), Ngọc Thảo (Sậy), Minh Cường (Vũ) và Hồng Thắm, Tú Trinh, Kiều Mai Lý, Nguyễn Sơn…

Đoàn phim cũng… “tham ô”

* Anh có thế mạnh về mảng đề tài nông thôn miền Nam, mà "Bìm bịp kêu chiều" vừa hoàn thành và "Mùa lúa nàng hương" sắp làm là một ví dụ. Vậy khi làm phim này, anh có gặp khó khăn gì đáng kể?

- Ngày hôm nay ngồi nói chuyện với bạn về bộ phim mà tôi vẫn còn hú hồn. Lần đầu đạo diễn, ngoài lóng ngóng nghề nghiệp là đương nhiên, tôi còn nhiều phen bị “xỏ mũi”. Cứ tưởng tham ô, tham nhũng, lũng đoạn… chỉ có nơi bộ máy quyền lực, ai ngờ đoàn phim cũng thế, cứ thò tiền sản xuất ra là xem như bị “rò rỉ”, làm cho đạo cụ, phục trang và nhiều thứ khác chẳng được như ý.

Tôi hay làm nhiều tiểu phẩm chống tham nhũng, lũng đoạn… nhưng suy cho cùng chỉ là lý thuyết, lần này chống thực sự, quả là gian lao và khó xử. Tuy nhiên, đây cũng là môi trường để gạn đục khơi trong, xong 30 tập phim tôi cũng đã tìm được ê-kíp thiện chiến và hiểu mình, những phim sau chắc bớt khổ hơn.

Nghiêng
Trung Dân đang chỉ đạo diễn xuất

* Mỗi người xem phim sẽ có cách cảm nhận riêng, nhưng với tư cách biên kịch và đạo diễn, thông điệp của anh qua Bìm bịp kêu chiều là gì?

- Bìm bịp kêu báo cơn nước lớn nước ròng, nên đấy cũng là tiếng kêu của mùa vụ và đời người, với thịnh suy là lẽ thường. Bìm bịp cũng là loài chim ăn rắn độc con - biểu tượng cái xấu, nên tiếng kêu của nó chính là lời cảnh tỉnh với các thế lực ác độc. Trong phim này, tôi lấy đồng tiền làm thước đo bản lĩnh và nhân phẩm, để qua đó tìm kiếm những con người tử tế thật sự. Tất nhiên đó chỉ là thông điệp mà tôi muốn nói, 30 tập phim còn là một cái nhìn thẳng thắn vào hiện thực còn nhiều xót xa của nông dân vùng biên giới, nơi vẫn hiện diện “thù trong giặc ngoài”, nhưng trên hết vẫn là hi vọng về những con người biết hi sinh cho cuộc đời.

Phim trước, truyện sau

* Cách đây chừng một năm, khi nghe tin Trung Dân “nối gót” ông anh của mình là Mạc Can để in truyện ngắn, ai cũng háo hức, vì qua các tiểu phẩm và kịch bản sân khấu anh từng viết, người ta biết sẽ có cái gì đó để đọc. Đến khi sách sắp đi nhà in thì anh im ru, để hôm nay một truyện ngắn được chuyển thể thành phim 30 tập. Điều gì đã làm anh đột ngột ngừng lại vậy?

- Khi nhà văn Sơn Nam còn sống, tôi hay qua nhà chú chơi để khoe các ý tưởng truyện ngắn của mình, chú luôn động viên tôi viết đi, đừng quá câu nệ vào câu chữ, điều mà các biên tập giỏi đều có thể nhuận sắc được. Từ sự khích lệ đó, trên đường đi diễn, đi quay phim, thấy cái gì tâm đắc là tôi viết lại, qua năm tháng cũng đã có nhiều nhiều.

Đã có lúc tôi cũng muốn chen chân chút xíu vào thị trường sách vở, giống như Mạc Can - anh ấy cũng nhiều lần thúc giục, nhưng sau nghĩ lại, cái sự viết của mình chỉ mới dừng ở mức ghi nhớ ý tưởng, bày tỏ thông điệp, nên chưa muốn làm “nhà văn”. Hơn nữa, truyện của tôi có thể chưa ra truyện đúng nghĩa, nhưng tất cả đều có thể chuyển thành kịch hay phim được, vì nó nhiều tình huống mang kịch tính, tôi sợ bị ăn cắp ý tưởng. Nên tôi quyết định dừng lại để làm phim trước, sau đó mới in tập truyện, như là một kỷ niệm.

* Đành rằng hiện nay việc xâm phạm hay ăn cắp ý tưởng khá phổ biến, nhưng không đến mức để anh nhìn đời u ám như vậy. Chắc anh đã từng bị ăn cắp ý tưởng?

- Tôi bị nhiều lắm rồi, nhất là với các tiểu phẩm trên truyền hình, sau này xem lại thấy nó trở thành phân đoạn hay lớp diễn trong sản phẩm của người khác, mà vắng bóng tên mình. Ví dụ như chương trình Chuyện làng quê mà tôi làm đầu tiên ở Đài Truyền hình Bình Dương cách đây đã lâu, sau này nhiều nơi “biến tấu” thành Ai đúng ai sai, Biết rồi làm đúng, Chuyện không của riêng ai…, mà chẳng thấy một lời hỏi han gì. Ngay cả kịch bản Bìm bịp kêu chiều này, tôi và nhóm của mình viết từ đầu đến cuối, dựa theo truyện của mình, vậy mà đây đó cũng có ý kiến cho rằng tôi ăn cắp.

Thời này sao mà việc ăn cắp ý tưởng và việc vu khống người khác ăn cắp ý tưởng dễ quá? Chính vì vậy, nên tôi sẽ làm xong 4-5 năm phim thì mới in một tập truyện, theo mô hình khép kín, hi vọng mới khỏi bị vu khống hay xâm phạm này nọ. Những phim tiếp theo của giai đoạn này là Mùa lúa nàng hương, Tình huynh đệ, Chuột ở thánh đường…, đều chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên.

Như Hà (thực hiện)

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN