TTVH Online

“Bài học” từ… Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm

06/10/2012 14:15 GMT+7

Tối mai 7/10, Bắc Giang tổ chức đón nhận danh hiệu Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương trao cho Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm.


(TT&VH) - Tối mai 7/10, Bắc Giang tổ chức đón nhận danh hiệu Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương trao cho Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Hẳn nhiên, niềm vui từ sự kiện ấy khiến nhiều người quên đi một sự thông tin khác: Năm 2013 tới sẽ là “ khoảng lặng” của các Di sản tư liệu tại VN, sau bốn năm liên tiếp được UNESCO vinh danh.

Từ đầu năm 2012, Ủy ban Quốc gia UNESCO VN cũng chính thức xác nhận thông tin trên. Lý do đơn giản: để có cơ may nhận một danh hiệu tiếp theo cho năm 2013, chúng ta bắt buộc phải hoàn thiện và đệ trình hồ sơ vào một năm trước đó. Nhưng thực tế, tới hạn chót (cuối tháng 3 vừa qua), VN không có một bộ hồ sơ nào để gửi tới UNESCO.

1. So với các danh hiệu Di sản văn hóa và Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, “sân chơi” Di sản tư liệu (DSTL) mở ra tại VN khá muộn. Cụ thể, Mộc bản triều Nguyễn của chúng ta lần đầu nhận danh hiệu vào năm 2009 - 16 năm sau khi quần thể cố đô Huế giúp VN có di sản thế giới đầu tiên. Nhưng, liên tiếp 3 năm sau đó, danh hiệu này trở nên rất quen thuộc với chuỗi thành tích của Bia đá Văn Miếu (2010, 2011) và Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (2012).

Cũng cần nói thêm, việc UNESCO không chia từng cấp độ danh hiệu mà cho phép mỗi quốc gia đều có thể “ứng thí” ở hạng mục DSTL trong khu vực (các năm chẵn) và DTSL cấp thế giới (năm lẻ). Bởi thế, bia đá Văn Miếu có dịp lần lượt trở thành DSTL khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2010 rồi tiếp tục “ẵm” nốt danh hiệu DSTL TG vào năm sau. Ngược lại, dù trượt danh hiệu DTSL TG vào năm 2011, Mộc bản Vĩnh Nghiêm vẫn có cơ hội “sửa sai” để trở thành di sản cấp khu vực trong năm 2012 này.

Đại Đức Thích Thanh Vịnh tại Kho Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm

“Mọi chuyện không đơn giản theo kiểu năm nay trượt cấp thế giới thì năm sau lại chuyển sang khu vực để... vớt vát. Đó là 2 cuộc xét tuyển với những tiêu chí khác nhau và không thể nói cuộc nào dễ hơn”. Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO VN, nói. Theo lời ông, sau thất bại ở “lượt đi”, hồ sơ của Mộc bản Vĩnh Nghiêm gần như được nghiên cứu viết lại để hướng về những giá trị đậm chất “châu Á”. Chẳng hạn, tinh thần của Thiền phái Trúc Lâm VN (nội dung chính được khắc trên mộc bản) trong bộ hồ sơ được nhắc tới trong sự so sánh về mối quan hệ với Phật giáo của Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan.

Hồ sơ cũng đưa ra sự tương đồng thú vị giữa Thiền phái Trúc lâm VN với một số giáo lí thiền của Hàn Quốc hay việc Nhật Bản, Việt Nam cùng sử dụng Phật giáo để động viên tinh thần nhân dân trong cuộc chiến chống Đế quốc Nguyên Mông ở thế kỷ XIII. Còn trong sự độc đáo riêng, Thiền phái Trúc Lâm được tập trung phân tích như một bước phát triển mới về việc con người đặt niềm tin vào việc thuận theo quy luật tự nhiên, trong khi nhiều hệ Phật giáo khác hướng tới niềm tin vào các thế lực thần bí..

“Tôi nghĩ, từ thất bại đầu tiên cho tới thành công lần này, mộc bản Vĩnh Nghiêm là trường hợp để lại nhiều kinh nghiệm quan trọng nhất về việc lập hồ sơ ứng thí”, ông Thắng chia sẻ.

2. Như lời ông Thắng, những đòi hỏi rất phức tạp của UNESCO đã khiến các chuyên gia VN gặp khá nhiều khó khăn trong việc tìm một hồ sơ đủ  sức nặng để đệ trình lên UNESCO trong năm 2012 này. Trước đó, một loạt các phương án về kinh phật cổ chùa Dâu (Bắc Ninh), cột kinh đá – sách đá chùa Nhất Trụ (Ninh Bình) từng được nhắc tới nhưng chưa thể triển khai. Ngược lại, các ý tưởng về châu bản ngự phê triều Nguyễn (Trung tâm lưu trữ quốc gia I) hay văn bia trên di tích Huế... do địa phương đưa ra khá muộn và không thể lập tức triển khai trong thời hạn yêu cầu.

Bởi vậy, chậm nhất là tới năm 2014 tới, chúng ta mới có thể hi vọng được nhận thêm một danh hiệu DSTL nữa – với điều kiện hồ sơ được hoàn thành và gửi tới UNESCO trước 3/2013. Hiện, Ủy ban UNESCO VN đang phối hợp cùng Ủy ban đầu mối quốc gia về chương trình Kí ức thế giới (đặt tại Cục văn thư lưu trữ quốc gia) tích cực điều tra và tìm kiếm những tư liệu khả thi. “Tôi chưa thể nói trước rằng chúng ta sẽ “chấm” được di sản nào để vạch chiến lược làm hồ sơ”, ông Thắng chia sẻ.

Phải chăng, như một số chuyên gia từng phân tích, thay vì dự  kiến “mở” cho mọi địa phương được chủ động đề nghị lập hồ sơ xin danh hiệu cập Quốc gia lẫn... cấp quốc tế cho di sản tư liệu của mình, chúng ta nên đi theo hướng chủ động hơn: trực tiếp xây dựng hệ thống đánh giá và công nhận Di sản tư liệu cấp quốc gia , rồi từ đó tiếp tục lựa chọn thứ tự ưu tiên đệ trình lên UNESCO những di sản giàu triển vọng nhất? Bởi, theo Luật Di sản văn hóa, các di sản văn hóa lịch sử đều đang được quản lý và tổ chức quy trình xây dựng hồ sơ theo cách này.

Một năm dừng lại sau 4 lần liên tiếp được vinh danh sẽ không là vô nghĩa, nếu một chiến lược hợp lý cho việc xây dựng hệ thống Di sản tư liệu được đưa tính toán để đưa ra.

Cúc Đường

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN