TTVH Online

Chủ tịch Hội nhà văn Lào: Như một thông điệp để siết chặt tay nhau hơn

13/09/2012 14:14 GMT+7

Lào là một đất nước có nền văn học lâu đời, ấn tượng với nhiều tác phẩm dân gian nổi tiếng như Xiêng Miểng, Kẻ mồ côi và con ma nhỏ…

(TT&VH) - Lào là một đất nước có nền văn học lâu đời, ấn tượng với nhiều tác phẩm dân gian nổi tiếng như Xiêng Miểng, Kẻ mồ côi và con ma nhỏ… Thế nhưng, độc giả hầu như mới chỉ biết đến văn học Lào các giai đoạn trước đây, còn văn học Lào hiện nay thì rất ít được giới thiệu tại Việt Nam. Trong bối cảnh đó, 5 tác phẩm của Lào đoạt giải thưởng Văn học Sông Mê Kông lần thứ 4 này là một cơ hội đặc biệt để độc giả Việt Nam nói riêng và các nước trong khu vực nói chung được tiếp cận với các giá trị nổi bật trong nền văn học hiện đại của Lào.

Bà Phiulavanh Luangvanna, Chủ tịch Hội nhà văn Lào chia sẻ với phóng viên TT&VH:

Bà Phiulavanh Luangvanna, Chủ tịch Hội nhà văn Lào.

- Mang đến giải thưởng lần này, Hội Nhà văn Lào có 2 tác phẩm thơ Bùa yêu, Tiếng đàn bầu Mê Kông dòng sông của tình yêu, 2 truyện ngắn Dòng máu hai đất nước Mối tình yêu thương, 1 tiểu thuyết Những ấn tượng vẫn để lại trên đất Campuchia.

Với 5 tác phẩm này, chúng tôi mong muốn bạn bè thế giới nhìn nhận sâu sắc hơn về thiện chí trong quan hệ hữu nghị giữa Lào và các nước trong khu vực. Chúng tôi vui mừng được biết Việt Nam đưa văn học Lào vào giảng dạy ở các trường Đại học nhưng các bạn mới chỉ biết đến văn học những giai đoạn trước và hầu như không biết về tình hình văn học hiện tại của chúng tôi. Vì thế, qua chuyến đi này, chúng tôi muốn giới thiệu văn học Lào hiện nay tới Việt Nam và bạn bè thế giới. Nhưng để thực hiện được điều này, chúng tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn như dịch thuật, tài trợ, xuất bản,…

* Nghĩa là tình hình văn học Lào hiện nay còn vấp phải nhiều trở ngại?

- Nếu nói “tình hình văn học” thì chung chung quá, tôi sẽ nói đến hai vấn đề chính là phê bình và sáng tác. Ở Lào, chưa ai dám nhận mình là nhà phê bình và cũng chưa có một cuốn sách về lý luận phê bình nào được xuất bản. Có chăng chỉ là một số bài viết của các nhà văn, nhà thơ hay giảng viên các trường đại học, lác đác trên các tạp chí văn học nghệ thuật. Thật sự, chúng tôi rất mong muốn có những cuộc tranh luận nảy lửa của các nhà phê bình, những lần bút chiến của các nhà lý luận. Mà ngay cả những bài viết phê bình lý luận của chúng tôi cũng không được biết đến rộng rãi.

Chúng tôi chưa có một hiện tượng văn học nào gây “sốt”, cũng không thể kể tên một cuốn sách cụ thể được yêu thích nhất hiện nay, như ở Việt Nam. Điều đó khiến giới trẻ thờ ơ với văn học nước nhà.

* Trong khi giới trẻ Lào thờ ơ với văn học như thế, dường như các nhà văn trẻ cũng không mặn mà với sáng tác?

-  Hội nhà văn Lào có khoảng 100 văn nghệ sĩ, trong đó các nhà văn trẻ không nhiều. Thật sự, họ không thể sống với nghề. Mỗi nhà văn, nhà thơ chúng tôi đều phải có một công việc khác để lo cho cuộc sống của mình, người làm giáo viên, người làm văn phòng,…. Vì thế họ khó có thể tập trung sáng tác và viết phê bình. Mặt khác, tự chúng tôi làm sao có thể xoay xở in ấn tác phẩm của mình, việc xin tài trợ rất khó. Có nhiều lắm những tác phẩm xuất sắc nhưng chưa có điều kiện in thành sách. Cũng bởi lẽ đó mà độc giả Lào không quan tâm nhiều tới nền văn học nước nhà.



Ông Nguyễn Bá Thanh (bìa phải) - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng trao giải thưởng Văn học sông Mê Kông lần thứ IV cho các nhà văn Lào

Văn học trong nước đã thế thì làm sao phát triển sang các nước khác được. Công việc dịch thuật không được chú trọng. Tác phẩm trong nước không mang ra thế giới được, tác phẩm nước ngoài cũng khó đến với chúng tôi. Cuộc sống của nhà văn, nhà thơ bị “gánh nặng cơm áo ghì sát đất”.

Qua đó, các bạn thấy để có được thành tựu với những tác phẩm mang đến lễ trao giải thưởng này là sự nỗ lực không mệt mỏi của chúng tôi. Thật cảm ơn, những bạn Việt Nam đã giúp chúng tôi dịch những tác phẩm Lào sang Tiếng Việt và ngược lại.

* Cảm xúc của bà khi đến Việt Nam lần này?

- Tôi đã đến Việt Nam rất nhiều lần và mỗi lần lại mang những cảm xúc khác nhau. Tôi đến Việt Nam mang tâm thế của người anh em ruột thịt về với nhau, chứ không phải là bạn bè thăm nhau. 5 tác phẩm đến Giải thưởng lần này như một thông điệp để chúng ta siết chặt tay nhau hơn, sẽ bên nhau mãi mãi. Chúng tôi hy vọng được sự giúp đỡ của bạn bè khu vực và thế giới để mang văn học Lào giới thiệu tới các bạn và chúng tôi cũng nhiệt liệt chào đón các tác phẩm văn học nước ngoài đến Lào. Tổ chức hội văn học sông Mê Kông sẽ là mái nhà chung của chúng ta.

* Cảm ơn bà! Chúc văn học Lào sẽ sớm phát triển và đạt được nhiều thành tựu rực rỡ.

Hồng Thúy (thực hiện)


Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN