TTVH Online

Đạo diễn Lê Quý Dương: Sân khấu châu Á đầy sức sống

10/09/2012 13:38 GMT+7

“Festival các Trường Kịch nghệ và Sân khấu khu vực châu Á - Thái Bình Dương” vừa diễn ra tại ĐH Nghệ thuật Đài Loan, thu hút gần 200 đạo diễn, diễn viên và học viên các chuyên ngành sân khấu, kịch nghệ khắp châu Á tham dự.

(TT&VH) - “Festival các Trường Kịch nghệ và Sân khấu khu vực châu Á - Thái Bình Dương” vừa diễn ra tại ĐH Nghệ thuật Đài Loan, thu hút gần 200 đạo diễn, diễn viên và học viên các chuyên ngành sân khấu, kịch nghệ khắp châu Á tham dự. Từ cương vị thành viên sáng lập của festival này, đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ những “thu hoạch” và khúc mắc của sân khấu Việt Nam hiện nay.

Với ba chủ đề lớn: Sân khấu châu Á - Thái Bình Dương hợp tác và phát triển; Khảo sát mối quan hệ giữa bản sắc truyền thống và sáng tạo hiện đại trong sân khấu; Sáng tạo các vở diễn thử nghiệm trong thế kỷ 21, Festival này đã thực sự là cuộc hội ngộ của những trung tâm đào tạo kịch nghệ và sân khấu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Né “lốc” toàn cầu hóa

* Trở về từ liên hoan, chắc những điều thu được là rất nhiều, nhưng quy kết lại theo anh nó rơi vào mấy vấn đề chính?

- Lớn nhất vẫn là câu hỏi: Làm sao có được đời sống sân khấu hiện đại và năng động mà vẫn đậm đặc bản sắc truyền thống? Làm sao di sản sân khấu của mỗi dân tộc được lưu truyền và tiếp nối giữa các làn sóng xâm thực văn hóa mang tính toàn cầu? Vấn đề thứ hai, đó là phương pháp đào tạo sân khấu và kịch nghệ thế nào để các sinh viên hiện nay vừa có đủ kiến thức và kỹ năng chuyên ngành sâu, vừa có được tâm thế và tinh thần sáng tạo mang tính hội nhập? Thứ ba, chính là khả năng phá bỏ các nguyên tắc bảo thủ, cũ kỹ của sân khấu và kịch nghệ truyền thống, nhằm mở rộng khả năng diễn tả, thử nghiệm.  



Lê Quý Dương (hàng dưới, thứ hai từ phải sang) và các đồng nghiệp tại “Festival các Trường Kịch nghệ và Sân khấu khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.

* Trong các vấn đề lớn được quan tâm thì tại sao “quan hệ giữa bản sắc truyền thống và sáng tạo hiện đại trong sân khấu” và “sáng tạo các vở diễn thử nghiệm trong thế kỷ 21” lại được chú ý nhiều hơn?

- Sân khấu và kịch nghệ luôn luôn là nghệ thuật của đương đại. Nhưng chẳng thể nào có được những sáng tạo đương đại nếu không có lực đẩy từ nền tảng truyền thống. Và muốn có được điều đó thì phải thử nghiệm, phải sàng lọc, dám rũ bỏ và thực sự nâng niu những giá trị có trước, cũng như đồng thời dám chấp nhận mạo hiểm, học hỏi từ những thất bại, để sáng tạo.

Tất cả các tham luận và tác phẩm tham dự festival đều toát lên rằng: Việc đào tạo thế hệ trẻ phải bắt đầu từ những tinh hoa truyền thống của dân tộc mình và của thế giới. Chúng tôi tin rằng mỗi thế hệ cần phải hiểu biết những giá trị đã có, để từ đó tạo nên giá trị riêng cho chính thế hệ mình. Nếu không họ sẽ bị cuốn trôi và bị nghiền nát trong cơn lốc của văn hóa toàn cầu.

* Sự cọ xát ngắn ngủi này còn giúp người làm nghề như anh điều gì?

- Đầu tiên, dù liên hoan ngắn ngủi, nhưng các hệ phương pháp đào tạo của từng trung tâm đã được đưa ra thảo luận trên bàn hội nghị và qua từng vở diễn, để các bên cùng rút kinh nghiệm và củng cố.

Thứ hai, đó là bức tranh tổng thể về các di sản và truyền thống sân khấu, kịch nghệ tại châu Á - Thái Bình Dương được mô tả. Đa phần đều nhận ra rằng, rất nhiều năm qua chúng ta mải chạy theo các truyền thống sân khấu phương Tây mà quên rằng chính những truyền thống ấy cũng đã biết kết hợp với những tinh hoa của chúng ta. Hóa ra sân khấu của châu Á phong phú và đầy sức sống, hơn chúng ta tưởng rất nhiều…

Và mơ tới những khoản đầu tư… khổng lồ

* Đi chung với anh, nhà biên kịch Lê Duy Hạnh nhận ra rằng cách đào tạo của mình đã quá lạc hậu, anh có chia sẻ được quan điểm này không? Nếu phải thay đổi, theo anh, những điều gì cần ưu tiên?

- Cải cách sân khấu và kịch nghệ là việc cần làm ngay. Đầu tiên, cần thay đổi quan hệ tương tác giữa người dạy và người học. Vẫn đang tồn tại một quan niệm người dạy là duy nhất đúng, là chuẩn và tất cả người học phải noi theo, trong khi thực tế không phải như vậy.

Tôi quan niệm rằng người dạy là người động viên, gợi mở, giới thiệu và dìu dắt người học một cách khách quan, bình đẳng. Còn việc tự lựa chọn, tự định hướng và tự sáng tạo là cái cần phải được ưu tiên cho người học. Điều này sẽ kích thích năng lực học hỏi và sáng tạo của các học viên; cũng sẽ thay đổi mô hình của một lớp học, cách chấm điểm và cách đào tạo. Bởi sân khấu và kịch nghệ ít khi có những chuẩn mực đúng và sai một cách khiên cưỡng, cứng nhắc.

* Còn nhìn vào cơ sở hạ tầng của sân khấu Việt Nam hiện nay, theo anh những gì cần bổ túc hoặc phải thay đổi sớm?

- Còn rất nhiều việc chúng ta sẽ phải làm hoặc phải thay đổi thì mới mong hợp lý. Bản thân tôi làm việc đến kiệt sức nhiều năm qua cũng chỉ ước mơ có được một trung tâm đào tạo gắn với một sân khấu thử nghiệm phù hợp. Thay đổi phương thức đào tạo đã quan trọng, mà thay đổi phương cách thực hành cũng quan trọng không kém. Nghệ thuật sân khấu đích thực sẽ là tâm hồn sống động của một dân tộc trước mắt đồng loại. Nhìn vào những số tiền quá lớn mà tổ chức này, đơn vị nọ, tập đoàn kia đã làm thất thoát của dân, chúng tôi ngồi mơ mộng vụng dại: giá một phần rất nhỏ trong số ấy được đầu tư một cách khoa học cho sân khấu thì tốt biết mấy.  

Văn Bảy (thực hiện)

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN