TTVH Online

Nhà thơ Bùi Chí Vinh: Không vẽ thì phí 10 ngón hoa tay trời cho

31/07/2012 14:19 GMT+7

Từ đầu năm 2012 đến nay, ngoài làm thơ cho báo TT&VH nhân dịp EURO vừa qua, nhà thơ Bùi Chí Vinh lặng thầm ở nhà vẽ tranh. Dự kiến cuối năm nay, lần đầu tiên trong đời Bùi Chí Vinh sẽ trưng bày các tác phẩm của mình.

(TT&VH) - Từ đầu năm 2012 đến nay, ngoài làm thơ cho báo TT&VH nhân dịp EURO vừa qua, nhà thơ Bùi Chí Vinh lặng thầm ở nhà vẽ tranh. Dự kiến cuối năm nay, lần đầu tiên trong đời Bùi Chí Vinh sẽ trưng bày các tác phẩm của mình.

Thành danh ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật như: thơ, văn xuôi, biên kịch, đóng phim… bây giờ Bùi Chí Vinh muốn trổ tài trong hội họa. Sau đây là cuộc trao đổi đầu tiên trên báo chí của Bùi Chí Vinh về lĩnh vực vẽ tranh.


Chân dung tự họa của Bùi Chí Vinh

Từng là mầm non hội họa

* Bùi Chí Vinh làm thơ, viết truyện, viết kịch bản phim và kể cả đóng phim đều tạo được tiếng vang. Lần này anh vẽ tranh chắc cũng muốn ghi dấu ấn trên lĩnh vực mỹ thuật?

- Tôi làm bất cứ việc gì cũng tự lượng sức mình. Làm thơ cảm thấy hay mới làm, viết truyện cảm thấy ăn khách mới viết, viết kịch bản phim cảm thấy có khán giả xem mới nhận lời, ngoại trừ việc đóng phim thì bất đắc dĩ hoàn toàn.

Lần này vẽ tranh cũng không ngoài sự “tự lượng” như thế. Bản thân tôi từng giao du với khá nhiều họa sĩ nổi tiếng, đa số là “bạn già” có người là bạn bè rất thân. Tôi đã từng kể tên những họa sĩ thân thiết đó trong một bài thơ mang tên Thi trung hữu họa, gồm những họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi, Vi Vi, Nguyễn Trung, Hiếu Đệ, Khánh Trường, Nguyên Khai, vợ chồng Hồ Thành Đức và Bé Ký… Xin trích ra đây 4 câu mở đầu: “Làm thơ mà quậy toàn họa sĩ/ Là thi hữu họa họa hữu thi/ Ai dám bảo đó điều cấm kỵ/ Ngày xưa Lý Bạch quậy Vương Duy…”.

* Được biết anh không học vẽ ngày nào, thế nhưng một nhà sưu tập tranh lại đánh giá anh vẽ rất có nghề và muốn mua tranh của anh. Xin hỏi anh "nảy nòi" việc cầm cọ từ đâu?

- Tôi không học vẽ ngày nào nhưng mê hội họa từ nhỏ. Năm 9 tuổi tôi đã từng đoạt giải Hội họa Thiếu nhi châu Á tổ chức tại Malaysia với bức tranh màu nước mang tựa Quang Trung hành quân. Trong tranh tôi vẽ hoàng đế Quang Trung tiến quân ra Bắc đánh giặc Tàu xâm lược qua cách hành quân độc nhất vô nhị trong lịch sử chiến tranh, đó là cứ 2 nghĩa quân Tây Sơn lại cáng 1 người nằm trên võng để bảo đảm có đủ thời gian ăn ngủ cho cuộc tiến binh thần tốc.

Bức tranh hình thành sau cuộc phát động vẽ tranh trong trường học khắp miền Nam khi đó, lúc tôi học lớp 3 Trường Tiểu học Tân Định, và cha tôi đã thay mặt tôi vào Dinh Thống Nhất nhận giải thưởng này. Đáng tiếc là sau giải thưởng hy hữu đó tôi lại chuyển qua làm thơ, viết văn và đi luôn con đường đó cho đến hôm nay.

* Hiện nay có rất nhiều nhà văn, nhà thơ vẽ tranh, có phải vì anh thấy đồng nghiệp vẽ nên mình cũng hưởng ứng phong trào vẽ chút chơi?

- Không, tôi không hề vẽ theo “phong trào” và theo phản ứng dây chuyền từ vài đồng nghiệp văn thơ chuyển sang vẽ tranh. Tôi chủ trương sống độc lập, không xu thời, và có khi đối lập với các khuynh hướng văn hóa “thời thượng”. Sở dĩ tôi muốn đánh thức mười ngón hoa tay trên bàn tay của mình là để biểu thị sự tự do lớn nhất về nghệ thuật mà không ai xúc phạm được, không vẽ thì phí 10 ngón hoa tay trời cho lắm. Trái hẳn với văn chương, điện ảnh lúc nào cũng bị bới lông tìm vết săm soi.


Nhà thơ Bùi Giáng làm vua ngồi xích lô cho Bùi Chí Vinh chở

Vừa vẽ vừa làm thơ

* Nếu có người mua tranh của anh, anh sẽ bán theo giá nào?

 - Hiện giờ tôi vẽ 2 loại màu nước và sơn dầu. Vì màu nước vốn liếng ít nên tôi sẽ bán với giá tương đối. Nhưng sơn dầu thì khác, bức rẻ nhất và cao nhất khó thể bàn ở đây. Tôi bán tranh bằng “chất xám” và “tư tưởng riêng” chứ không phải bằng hình thức thể hiện.

* Rất nhiều nhà văn, nhà thơ đã triển lãm tranh, vậy khi nào Bùi Chí Vinh trưng bày tranh cho công chúng thưởng ngoạn?

 - Lúc vừa làm xong loạt 35 tranh màu nước và một số tranh sơn dầu tôi có chụp ảnh và đưa cho họa sĩ Uyên Huy - NGND, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM - là bạn già của tôi. Uyên Huy đề nghị bao giờ Bùi Chí Vinh triển lãm tranh thì nói một tiếng. Hiện tôi đang hoàn thành những bức sơn dầu cuối cùng trong 35 bức sơn dầu để có thể tính đến chuyện triển lãm cá nhân vào cuối năm nay.

* Lao vào vẽ say mê quên ăn quên ngủ, liệu sắc màu giá vẽ có làm anh quên đi mình là người cầm bút?

- Không, tôi vẫn yêu nghề cầm bút như một nghiệp chướng. Bằng chứng là vẫn làm thơ về Bùi Giáng lúc vẽ bức sơn dầu tôi đạp xích lô chở ông vi vu trên phố. Xin trích ra một đoạn bài Họ Bùi:

Ta kiếm hoài một gã họ Bùi
Trong lịch sử từng làm hoàng đế
Chỉ thấy họ Đinh Lê Trần Lý
Thay phiên nhau mặc áo long bào
Gượng cười ba tiếng mà rơi lệ
Bùi gia trang tuyệt giống rồi sao?

Không xưng vương thì ắt xưng tao
Ta bỏ sách đi lùng tứ phía
Chùa Long Huê có người mũ tía
Trải chiếu rơm viết một chữ Bùi
Ta giả thiền sư đi ngắm nghía
Biết rằng Bùi Giáng ghé am chơi


Là cây cọ chuyên nghiệp và có cảm xúc

Tôi xem tranh của Bùi Chí Vinh và thật ngạc nhiên khi ông nhà thơ này chưa học qua trường lớp nào lại vẽ tranh được như vậy. Về bố cục và cách dùng màu của Bùi Chí Vinh khiến tôi nghĩ đến những người học mỹ thuật bài bản mới có thể vẽ được.

Nhưng hơn hết, tranh Bùi Chí Vinh có đời sống riêng khiến người xem có cảm xúc. Vẽ được như vậy rất khó, nhất là những bức tranh màu nước chỉ vẽ một lần không thể sửa, càng khiến tôi nghĩ ông nhà thơ này là một cây cọ chuyên nghiệp có thể tiến xa. Nhất định tôi sẽ sưu tập tranh của Bùi Chí Vinh.

(Nhà sưu tập tranh Lê Thái Sơn)


Hoàng Nhân (thực hiện)
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN