TTVH Online

Võ sư Phạm Đình Phong: “Treo ấn từ quan” vì võ Việt

18/07/2012 07:34 GMT+7

Niềm đam mê và ý thức trách nhiệm đã khiến võ sư Phạm Đình Phong xin thôi chức PGĐ Sở TDTT Bình Định để có thể dành toàn bộ thời gian và tâm huyết cho hành trình chấn hưng võ Việt.

(TT&VH)- Từng là một quan chức cao cấp của ngành TDTT Bình Định, nhưng niềm đam mê và ý thức trách nhiệm với các môn võ cổ truyền của dân tộc đã khiến võ sư Phạm Đình Phong xin thôi chức PGĐ Sở TDTT Bình Định để có thể dành toàn bộ thời gian và tâm huyết cho hành trình chấn hưng võ Việt.

Tâm nguyện chấn hưng võ cổ truyền

Sinh ra và lớn lên trên miền đất võ Bình Định, đâu đâu cũng có phong trào học võ và luyện võ nên từ tấm bé võ sư Phạm Đình Phong đã được trui rèn trong môi trường võ thuật, nơi không chỉ rèn luyện thể chất và tinh thần, mà còn giúp ông thêm hiểu biết và yêu mến truyền thống võ học vĩ đại của dân tộc VN.

Từng là Phó Giám đốc Sở TDTT tỉnh Bình Định, võ sư Phạm Đình Phong không ngừng trăn trở vì nền võ dân tộc đang dần mai một, các làng võ dần biến mất, các tư liệu quý dần thất lạc theo thời gian, nếu không kịp thời chấn hưng bảo tồn thì e rằng trong thời gian ngắn nữa sẽ không còn khi các võ sư lớn tuổi qua đời.

Nhận ra việc bảo tồn văn hóa dân tộc là điều cấp bách trước nguy cơ nền văn hóa dân tộc bị pha tạp, vì thế, cuối năm 2000, ông xin thôi chức để tập trung sưu tầm nghiên cứu võ học. Với kinh nghiệm trong công tác quản lý văn hóa thể thao, ông vào công tác tại báo Thể thao VN với các bút danh Đình Phong, Duyên Anh, Phạm Đình.

Một thời gian dài võ cổ truyền không được chú trọng, ông đi gõ cửa nhiều nơi thỉnh đạt những ý kiến mong được quan tâm để cùng chấn hưng dòng võ dân tộc. Bên cạnh đó, ông tự bỏ kinh phí đi khắp nơi từ Nam ra Bắc để nghiên cứu, đúc kết, sưu tầm những tư liệu, những di chỉ và tài liệu quý của võ dân tộc để xây dựng những kế hoạch phát triển nâng tầm võ Việt.



Võ sư Phạm Đình Phong tâm huyết với võ cổ truyền Việt Nam

“Trong cuộc hành trình đầy chông gai này, nhiều lúc tôi có ý định bỏ cuộc. Nhưng mỗi lần như vậy thì dòng máu đam mê võ học lại thôi thúc khiến tôi suy nghĩ rằng, một nền võ học dân tộc với bao công lao của các vị võ sư, các bậc tiền bối cha anh đã dày công gây dựng không thể bị mai một. Như vậy sẽ có lỗi với tổ tiên”, võ sư Phạm Đình Phong chia sẻ về hành trình của mình.

Yêu quý, đam mê nghiệp báo và nặng lòng với võ thuật, ông đã phối hợp cùng phòng truyền hình báo Tuổi trẻ dàn dựng bộ phim “Huyền thoại miền đất võ” gồm 6 tập và ngay sau đó, nó tạo được tiếng vang lớn trong công tác bảo tồn nền võ học dân tộc.

Năm 2006, với mối quan hệ nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực võ thuật, ông cùng nữ võ sư Hồ Hoa Huệ vận động các hiệp hội võ cổ truyền VN các nước cùng hành hương về nguồn. Đồng thời đề xuất UBND tỉnh Bình Định để tổ chức liên hoan quốc tế võ cổ truyền VN lần đầu tại quê hương Hoàng đế Quang Trung (Tây Sơn, Bình Định).

Việc tổ chức ở đây không chỉ đơn thuần là hoạt động giao lưu võ thuật, mà còn là cuộc hành trình về thăm miền đất võ oai hùng, thăm các di tích lịch sử, văn hóa và các làng võ nổi tiếng đã dệt nên bao huyền thoại kỳ bí được lưu truyền từ đời này sang đời khác trên chính quê hương của người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung-Nguyễn Huệ.

Lần tổ chức đầu tiên chính là cầu nối của võ Bình Định với bạn bè võ sư – võ sĩ nước ngoài. Từ đó đến nay đã 3 kỳ liên hoan được tổ chức và đều là những ngày hội lớn của người yêu võ. Đầu tháng 8/2012 này sẽ là liên hoan lần thứ 4. Tính đến thời điểm này đã có 53 đoàn của 26 quốc gia đăng ký tham gia.

40 năm làm trong ngành văn hóa thể thao, ông đã đi khắp miền đất nước tìm hiểu võ thuật cũng như giành hết tâm huyết để chấn hưng nền võ học cổ truyền nước nhà. Tâm nguyện lớn nhất của ông là mong sao trước lúc qua đời được nhìn thấy võ cổ truyền VN trở thành quốc võ như thời hoàng kim cách đây hơn 200 năm của nhà Tây Sơn.

Đổi 12 năm cho 1 tác phẩm

Sau nhiều năm điền dã đến nhiều miền đất nước để nghiên cứu sưu tầm, ông chứng kiến sự biến mất khá nhanh của các “bảo bối” võ cổ truyền dân tộc. Nhiều làng võ vang danh một thời nay chỉ còn trong ký ức; nhiều dòng võ, võ phái nổi tiếng với các bậc anh hùng võ công tuyệt thế nhưng nhiều lý do khác nhau mà con cháu không theo nghiệp võ nữa nên hầu hết các tư liệu, hiện vật về võ học cũng mai một theo năm tháng. Mặt khác phần lớn các sách sử về võ học do để quá lâu và không được bảo quản đúng cách cũng đã nhanh chóng bị hư hỏng và tiêu hủy, trong khi đó ở các thư viện, viện nghiên cứu, trung tâm lưu trữ tư liệu lại quá ít.

Lo sợ trước thực trạng trên, đầu năm 2001, sau khi xin thôi giữ chức Phó Giám đốc Sở TDTT Bình Định, ông bắt đầu cuộc phiêu lưu tìm về cội nguồn của võ học cổ truyền. Đó là một chặng đường đầy chông gai. Một mình đơn độc trong việc sưu tầm nghiên cứu với điều kiện thiếu thốn trong khi nguồn tư liệu quá khan hiếm, tản mát do đó ông gặp không ít khó khăn khi đến các bảo tàng, thư viện, viện nghiên cứu, kho dữ liệu và các vùng đất võ để sưu tầm khai thác các nguồn tư liệu, gặp gỡ các dòng tộc, môn phái, võ sư…

Năm 2009, ông gặp tai nạn trên đường nghiên cứu và có ý định bỏ cuộc, nhưng với lòng yêu nghề và sự động viên của các võ sư, giáo sư, ông đã tiếp tục viết tác phẩm tâm huyết.

12 năm, một quãng đời không nhỏ của một con người chỉ dành cho việc nghiên cứu đúc kết tinh hoa võ thuật, cuối cùng đứa con tinh thần mà ông Phong mang nặng đẻ đau cũng hoàn thành.

Nó mang tên “Lịch sử võ học VN”, sách được phát hành vào ngày 17/6/2012. Sách dày 784 trang, gồm 2 chương, 12 mục và hơn 80 tiểu mục về quá trình hình thành, các giai đoạn phát triển, mốc son, sự kiện lịch sử oai hùng của nền võ Việt. Sách cũng có nhiều thông tin về các bậc tiên đế, anh hùng trung liệt với võ công tuyệt luân.

Những mảnh đất võ và nhiều truyền thuyết thú vị về những võ sư, môn phái lừng danh được dân gian truyền tụng cũng được ghi chép lại. Những kiến thức về hệ thống võ học VN như võ lý, võ lễ, võ đạo, võ y... cũng được viết lại một cách sâu sắc.

12 năm đằng đẳng không quản công chỉ với một khát khao gìn giữ cho được một tinh hoa văn hóa của dân tộc. Ngần đó thôi đủ nói lên cái tâm của ông với truyển thống, bản sắc đáng tự hào của quê hương. Trưởng thành trong gian khó nên thấu hiểu những khó khăn trên con đường võ nghiệp, hơn 40 năm hoạt động và chuyên tâm nghiên cứu võ cổ truyền dân tộc võ sư Phạm Đình Phong còn có một ước nguyện thành lập quỹ ủng hộ tài năng võ thuật và các lão võ sư gặp khó khăn hoạn nạn trong cuộc sống. Với những tấm gương điển hình như võ sư Phạm Đình Phong, võ học VN không sợ mất đi cái vốn quý nhất.

Việt Hòa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN