TTVH Online

Nhiếp ảnh gia Việt Văn: Những bức ảnh phải dừng lại suy nghĩ

16/07/2012 14:12 GMT+7

Nhiếp ảnh gia Việt Văn đã đoạt Huy chương Bạc của thể loại Fine Art tại cuộc thi ảnh lớn nhất châu Âu Px3 (Prix de la Photographie Paris - Giải thưởng nhiếp ảnh Paris) năm 2012 với bộ ảnh Ký ức

(TT&VH) - Vượt qua các nhiếp ảnh gia đến từ 85 nước, nhiếp ảnh gia Việt Văn đã đoạt Huy chương Bạc của thể loại Fine Art tại cuộc thi ảnh lớn nhất châu Âu Px3 (Prix de la Photographie Paris - Giải thưởng nhiếp ảnh Paris) năm 2012 với bộ ảnh Ký ức. Với giải thưởng này, anh tiếp tục khẳng định vị trí tài năng của mình qua các giải thưởng Quốc tế.

* Đời người vẫn có những ngày tẻ nhạt

* Anh có thể chia sẻ từ ý tưởng đến quá trình thực hiện để bộ ảnh “Ký ức” ra đời?

Chân dung nhà báo/ nhiếp ảnh gia Việt Văn

Thực sự để tìm một ý tưởng mới trong nhiếp ảnh nói riêng là cực khó vì hai lý do: thời đại  số hóa, chỉ ngồi một chỗ click chuột bạn có thể chu du khắp nơi, biết đủ thứ chuyện. Bên cạnh đó, nhiếp ảnh cũng trở nên quá phổ biến với các bạn trẻ, như một phương tiện hữu hiệu để chia sẻ cảm xúc bản thân một cách nhanh nhất trên các mạng xã hội (face book, twitter, google+...)

Nhà thơ Nga Eptusenco đã nói “Không có ai tẻ nhạt ở trên đời”, nhưng trong cuộc đời một con người vẫn có những ngày tẻ nhạt - những ngày không muốn nhớ. Và ký ức chính là cái đáng nhớ, nó giúp con người cảm nhận rõ sự tồn tại của chính mình.  Có những điều tưởng như ngủ yên trong lòng nhưng đột nhiên như tiếng sét giữa trời quang, nó sống lại mãnh liệt làm ta bàng hoàng, chuếnh choáng như trong một cơn say. Nó đến khi ta đứng chờ ở bến xe buýt, nó đến khi ta ngồi yên trong quán cà phê lặng lẽ ngắm những giọt mưa rơi, nó gõ cửa khi ta đang ngồi giữa đám đông người ăn nhậu và chợt thấy một gương mặt, một dáng hình quen đi ngang qua. Và trong rạp chiếu phim, câu nói của nhân vật nam chính đôi khi làm ta trôi về những thời khắc của nơi xa lắm. Tôi rất thích bộ phim Tree of life (cây đời) đoạt “Cành cọ vàng” tại LHP Cannes năm 2011 vì nó làm nhiều người trong chúng ta hoang mang dừng lại khi đang bước quá nhanh.

Trong những mảng ký ức, có ký ức về tình yêu, về người đàn bà. Và đã là ký ức thì không thể dựng lại một quá khứ hoàn hảo, nó có điểm mờ, điểm nét, cái đáng nhớ, cái cần quên, như vị ngọt và vị mặn của nó.

Bộ ảnh Ký ức của tôi có mấy chục bức, thực hiện ba năm trở lại đây và tôi muốn những hình ảnh phải mang chất thơ, giàu cảm xúc và gợi những liên tưởng thú vị...

* Trong quá trình thực hiện bộ ảnh “Ký ức”, cuộc sống của anh xoay quanh nó ra sao và cảm giác của anh sau ống kính thế nào?

- Nghệ thuật xuất phát từ cuộc sống, làm phong phú cuộc sống  nhưng không đồng nhất với cuộc sống. Tôi chỉ muốn kể một câu chuyện ký ức và kể sao cho duyên dáng, hấp dẫn bằng hình ảnh, sao cho ai xem cũng có thể cảm nhận hình như có ký ức của mình trong đó. Đó là những bức ảnh mang tính trừu tượng nhiều hơn.

Vẻ đẹp hình thể của người đàn bà rất quan trọng nhưng sự duyên dáng và đồng điệu trong tâm hồn họ mới thực là quan trọng. Mỗi  người đàn bà đều có những bí ẩn riêng mà đàn ông luôn luôn phải khám phá.

Lúc cô đơn, yếu đuối, khi lại kiêu hãnh, đầy tự tin, và trong ánh sáng thời gian khác nhau, không gian khác nhau, người đàn bà luôn hiện lên với vẻ đẹp quyến rũ kỳ ảo của mình. Việc chọn người mẫu, thuyết phục họ không hề đơn giản nhưng quan trọng nhất vẫn là làm sao thể hiện được tinh thần và không khí của câu chuyện. 

Tôi thích chụp những bức ảnh làm người xem phải ngạc nhiên và dừng lại suy nghĩ. Nhưng tôi  không thích dùng các phần mềm máy tính để can thiệp nhiều vào hiện thực.Vì hiện thực đã rất kỳ ảo rồi.



Bức ảnh trong bộ Ký ức đoạt giải Bạc cuộc thi Px3

Nỗi lo lớn nhất là cạn kiệt sáng tạo

* Vì sao anh lựa chọn bộ  Ký ức cho giải thưởng lần này?

- Vì nó phù hợp với chủ đề cuộc thi tôi chọn - Px3 với nhiều mảng khác nhau. Đây còn là cơ hội để tôi kiểm định lại bộ ảnh khi được đánh giá bởi một ban giám khảo gồm 31 thành viên là các nhà phê bình nghệ thuật, biên tập viên ảnh, giám tuyển các tập đoàn truyền thông nổi tiếng (New York Time, Time Magazine, Paris Match, American Photography...) và giám đốc các gallery nghệ thuật ở Milan (Italia), London (Anh). Và tôi may mắn giành huy chương  bạc ở khu vực dành cho các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp (Professional).

* Là một người có duyên với nhiều giải thưởng quốc tế, cơ hội nào để anh tham gia các giải thưởng này nói chung và với bộ ảnh Ký ức lần này nói riêng?

- Cơ hội do tôi tự tìm kiếm lấy, thông qua mạng internet. Việc gửi ảnh, lệ phí ảnh qua mạng rất dễ dàng, tất nhiên lệ phí các cuộc thi không hề rẻ, có cuộc ảnh đơn là 35 USD/ảnh, còn ảnh bộ lên tới 75 USD/series. Nhưng cũng phải thôi, khi ảnh của thí sinh khi đó được thẩm định bởi các chuyên gia nổi tiếng trong ngành công nghiệp nhiếp ảnh.

Một cuộc thi uy tín được xác định bởi hai yếu tố: thành phần ban giám khảo và thí sinh dự thi. Sau khi đăng ký, tôi có account riêng và ban giám khảo khi chấm ảnh có thể xem CV (profile) cúa thí sinh, và những ảnh dự thi trước đó năm ngoái cúa thí sinh, nếu bạn không thể hiện được sự vượt trội so với năm ngoái, bạn cũng bị loại bỏ. Còn khi bạn được giải, ban tổ chức gửi thông cáo báo chí viết riêng cho bạn (Press release), bằng chứng nhận (certificate) và marketing logo của cuộc thi.

* Mỗi giải thưởng quốc tế về nhiếp ảnh, anh đón nhận chúng với tâm trạng như thế nào?

- Dĩ nhiên là tôi vui mừng, nhưng tôi cũng biết con đường nghệ thuật còn rất dài ở phía trước mà nỗi lo lớn nhất là cạn kiệt, bất lực trong sáng tạo.

* Dự định sắp tới của anh để ra đời những bộ ảnh mới?

- Trong tôi luôn có nhiều dự định cho những bộ ảnh khác nhau. Tôi thích thực hiện nhiều chủ đề cùng một lúc, đôi khi trái ngược nhau để kích thích cảm hứng sáng tạo bản thân. Bên cạnh những bộ ảnh về cuộc sống đương đại với tất cả những bề bộn, đa chiều và cả sự ngột ngạt của nó, tôi vẫn tiếp tục dự án về cuộc sống của những nhà tu hành, với một cái nhìn đi sâu khám phá mang tính riêng tư hơn, mở rộng dự án về những vị tướng trận thời bình, và bắt tay vào một chủ đề mới với nhiều thách thức... 

Việt Quỳnh



Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN