TTVH Online

Chúng ta chưa có văn hóa thần tượng!

13/07/2012 13:43 GMT+7

"Trong tình hình hiện nay, tôi có cảm giác người trẻ đang bị mắc bẫy. Công nghệ truyền thông với các chiêu thức PR, quảng cáo… xuất hiện nhiều một cách bất thường...các bạn trẻ không sập bẫy mới lạ".


(TT&VH) - Nổi tiếng với văn chương, nhưng Nhật Chiêu còn được biết đến với tư cách nhà giáo vì ông dạy học trọn đời người với hàng chục thế hệ học trò. Mùa thi ĐH năm nay, lẽ ra Nhật Chiêu sẽ đi chấm thi, tuy nhiên ông muốn dành thời gian để viết nhiều hơn.

Theo dõi đề thi văn khối D năm nay và những tranh luận trên báo chí, nhà văn, nhà giáo Nhật Chiêu (Đại học KHXH&NV TP.HCM) đánh giá:

Nhà văn, nhà giáo Nhật Chiêu

- Có thể nhìn thấy ngay, thần tượng của phần lớn giới trẻ hiện nay là ca sĩ, diễn viên và cầu thủ bóng đá. Tất nhiên, những giới đó không có vấn đề gì để đưa ra đánh giá, vì họ cũng như mọi giới khác. Tôi chỉ thắc mắc là tại sao các lĩnh vực khoa học, triết học, văn chương… lại ít được giới trẻ ngày nay chọn làm thần tượng? Vì sự lên ngôi quá đáng của bất kỳ ngành nghề nào đều cần phải xem lại ở sự phát triển các lĩnh vực hài hòa hay chưa.

Một thời cổ hủ, người ta xem nghệ thuật ca hát là “xướng ca vô loài”. Bây giờ thì, nhiều ca sĩ trong và ngoài nước được tôn sùng là siêu sao, thần tượng… Phải chăng sự khinh miệt hay tôn thờ đều… cực đoan.

Trong tình hình hiện nay, tôi có cảm giác người trẻ đang bị mắc bẫy. Công nghệ truyền thông với các chiêu thức PR, quảng cáo… xuất hiện nhiều một cách bất thường. Gần như trên tất cả các mặt báo, đều tham gia tuyên truyền về giới giải trí…, thì các bạn trẻ không sập bẫy mới lạ.

Giá trị sống đích thực xuống giá thảm hại

* Như ông vừa nói, giới giải trí cũng như mọi giới khác, vậy người trẻ thần tượng họ cũng đâu có gì sai?

- Vấn đề nằm ở phương pháp giáo dục của người lớn đưa ra. Giáo dục hiện nay quá đề cao cái gọi là thành tích, thành công và thành đạt mà quên rằng một cuộc sống bình thường, có ý nghĩa, giàu chất con người cũng đáng quý và thậm chí khó đạt được nếu không nỗ lực.

“Thành tích, thành công, thành đạt” ai cũng muốn, nhưng đạt được những cái “thành” kia phải xuất phát từ năng lực, nỗ lực thực sự. Một ca sĩ nổi danh hiện nay có chắc chắn nhờ tài năng của họ hay là nhờ sự PR? Một đại gia đi xe hơi xịn, mặc đồ hiệu vung tiền ngàn đô mua dâm có phải từ sự lao động chân chính? Thế nhưng, sự hào nhoáng bề ngoài cộng với cổ súy quá mức khiến họ thành thần tượng. Một xã hội giàu có là ước mơ của mọi người, nhưng chỉ cổ súy quá nhiều mỗi việc làm giàu thì không ổn chút nào.

* Thưa ông, chọn ai làm thần tượng cho mình là việc cá nhân?

- Chính xác là vậy, nhưng tại sao hiện nay có quá nhiều sự lựa chọn mà các bạn lại dễ dãi khi chọn thần tượng như vậy? Có bạn dễ dàng khóc lóc, rên rỉ, ngất xỉu… khi không gặp được một ban nhạc thần tượng của mình. Có bạn còn viết trên Facebook rằng: Cha mẹ chỉ có 2 mạng, còn thần tượng của tôi có đến 13 mạng vì ban nhạc này có 13 người. Đem cha mẹ mình ra nói kiểu đó thì không thể chấp nhận được.

Theo tôi, bạn thần tượng một con người xa lạ nhưng lại vô cảm trước nỗi nhọc nhằn của mẹ cha, trước cảnh khốn cùng của đồng loại… thì sự thần tượng ấy chẳng có ý nghĩa gì, thậm chí là lệch lạc, bệnh hoạn.



Các fan luôn là những người có mặt sớm ở sân bay để đón thần tượng của mình. Ảnh minh họa

Dù muốn dù không, giới trẻ bây giờ có một đời sống thiên về vật chất với tất cả hình ảnh sang trọng, xa hoa, hào nhoáng, vinh quang… đập vào mắt mỗi ngày. Nhưng sự xa hoa, hào nhoáng, vinh quang ấy có được bằng năng lực thực sự hay không? Rõ ràng là, làm ca sĩ lên hát một vài bài khỏe re, lại được vỗ tay tán dương và được nhiều tiền vẫn hấp dẫn, cám dỗ hơn một con người lao động trí óc thầm lặng hay chân tay lam lũ. Dường như nhìn đâu cũng thấy cái thực dụng dung tục đang lên ngôi và đẩy những giá trị sống đích thực, tốt đẹp xuống giá thảm hại.

Thầy giáo như tôi làm sao thu hút “fan hâm mộ”

* Vậy theo ông có cách nào để xây dựng văn hóa thần tượng?

Có bạn còn viết trên Facebook rằng: Cha mẹ chỉ có 2 mạng, còn thần tượng của tôi có đến 13 mạng vì ban nhạc này có 13 người.

- Vẫn có những danh nhân, người hiền, anh hùng, người tốt… đáng được ngưỡng mộ, nhưng điều đó khác xa với hiện tượng tôn thờ thần tượng bây giờ.

Người ngưỡng mộ một danh nhân thực sự, thường thì họ ngưỡng mộ trong thầm lặng, họ nỗ lực làm theo những điều cao cả của danh nhân đó chứ không phải là khóc vật vạ đòi gặp mặt thần tượng. Còn cứ tôn thờ thần tượng như hiện nay, rất khó nói tới tương lai có một nét đẹp văn hóa!

* Một thời và cả bây giờ, dường như câu nói: “Mỗi người thầy là một tấm gương để học sinh noi theo” vẫn mang tính thời sự. Vì sao hiện nay có ít nhà giáo trở thành thần tượng của học trò, thưa ông?

- Có nhiều lý do, trong đó có chuyện một số thầy cô giáo bây giờ cũng chạy theo vật chất xa hoa bằng việc dạy thêm, gạ tình đổi điểm, chạy trường chạy lớp, mua bán bằng cấp… Thử hỏi với một số thầy cô giáo như thế thì làm sao để học trò, phụ huynh nể trọng mà tôn vinh làm thần tượng?!

Tuy nhiên, ở các vùng miền xa xôi và cả trong các thành phố lớn, vẫn có nhiều thầy cô giáo chịu hy sinh vì học trò. Nhưng nghịch lý là nhà giáo chân chính thường là nhà nghèo. Như tôi đây, đi dạy học bằng xe buýt, còn học trò đi xe máy xịn, thậm chí là xe hơi…, xét về góc độ hào nhoáng của vật chất tạo ra, thầy giáo như tôi làm sao thu hút “fan hâm mộ” từ học trò mình được. Không lẽ các bạn trẻ “thần tượng” thầy Nhật Chiêu để rồi lớn lên làm ông thầy giáo nghèo như tôi à?!

* Xin cảm ơn ông!

Thanh Kiều (thực hiện)

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN