TTVH Online

Người lưu giữ những góc văn hoá VN

08/07/2012 07:49 GMT+7

Hai năm trước, báo chí ồn ã đưa tin về kho sách quý bị hoả hoạn thiêu rụi của nhà phê bình sân khấu Nguyễn Văn Thành. Song ít ai để tâm tìm hiểu thú chơi sách rất riêng, rất lạ của ông

Hai năm trước, báo chí ồn ã đưa tin về kho sách quý bị hoả hoạn thiêu rụi của nhà phê bình sân khấu Nguyễn Văn Thành. Song ít ai để tâm tìm hiểu thú chơi sách rất riêng, rất lạ của ông, cũng như tình yêu sâu đậm với những cuốn sách đến từ đâu.



Nhà sưu tập Nguyễn Văn Thành và cuốn từ điển tiếng Việt còn sót lại .

Nói đến thú chơi sách của ông Thành là phải kể đến những bộ tuyển tập lớn theo chủ đề, theo tác giả, được tập hợp một cách kỳ công. Người ta vẫn biết ông có những bộ sách rất quý, được in từ những năm 40, thậm chí những năm 20 của thế kỷ trước, không thể dùng tiền để đo giá trị. Điều ít người biết là, từ thuở nhỏ, cậu bé Thành đã có thói quen đọc sách theo… bộ. Nếu như đã nghiền ngẫm Truyện cổ Grim thì nhất định phải tìm đọc bằng được truyện cổ An-đec-xen, truyện cổ Việt Nam, rồi đọc cho hết truyện cổ tích và dân gian các nước, để có những so sánh thú vị. Kiểu chơi sách tốn kém và lắm công phu ấy chính là khởi nguồn của những bộ sách hầu như độc bản mà ông sở hữu sau này. Chẳng hạn, tiểu thuyết nổi tiếng Đỏ và đen với bản tiếng Việt, bản tiếng Pháp, bản rút gọn bằng tiếng Pháp…; Hăm-lét với bản tiếng Anh, hai bản dịch sang tiếng Việt, bộ Truyện Kiều và nghiên cứu về truyện Kiều ấn hành bằng nhiều thứ tiếng… Bạn văn, bạn sách của ông đều mê mẩn trước những bộ sách trọn bộ, ghi dấu ấn văn hoá của biết bao miền đất. Thế nên, có lần, dịch giả Trần Thiện Đạo đã bồi hồi thốt lên: “Anh chính là người lưu giữ nguyên vẹn một góc văn hoá Sài Gòn!”

Nguyễn Văn Thành có một lối đọc sách rất riêng. Đó là vừa đọc vừa ghi chú. Những cuốn sách của ông thường có những dòng phân tích, đánh giá về tác giả, tác phẩm chi chít bên lề, hoặc kẹp thêm những tờ giấy xé vội, ghi vội cho kịp dòng suy nghĩ. Có lẽ, vì luôn muốn hiểu thật sâu, thật kỹ tác phẩm, nên mê tác giả nào, dù người ta ở trong Nam, ngoài Bắc, ông cũng ráng tìm gặp. Những buổi luận bàn, trò chuyện quên thời gian được ghi lại cẩn thận trong những cuốn sổ tay, trở thành một kho tư liệu văn bản sống động về các tác giả lớn của Việt Nam.

Mê sách, dĩ nhiên, đi công tác bất cứ đâu, ông Thành cũng ghé hiệu sách quen trước tiên, rồi thường về nhà với một vali sách cùng túi tiền trống không mà tiền lương và tiền thưởng cho các tác phẩm đoạt giải của hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam chẳng thể nào bù lại được. Nguyễn Văn Thành kể, sáu tháng sau vụ cháy sách, ông ngẩn ngơ, thất thần, trống rỗng, mắc bệnh mất ngủ và ảo giác. Người thân phải đưa ông đi xa Hà Nội, xa cái thư viện cháy loang lổ. Một chiều lang thang trên biển Đồ Sơn, ông bỗng nhớ lại một chi tiết trong một cuốn sách, sau nhiều tháng ngày tưởng như đã đánh mất cả tri giác, niềm vui sống lẫn niềm đam mê sách. Đó là, sách có thể mất đi, nhưng giá trị của nó sẽ còn mãi trong tâm trí người đọc. Đó là khoảnh khắc ông bừng tỉnh.

Nhà sưu tầm sách Nguyễn Văn Thành là một trường hợp hiếm có của giới phê bình sân khấu Việt Nam. Nhờ kho kiến thức khổng lồ thu nhận từ sách, ông là một trong số rất ít giảng viên có thể “đứng lớp” ở cả hai bộ môn: lịch sử sân khấu thế giới và lịch sử sân khấu Việt Nam. Ông đã đoạt nhiều giải thưởng cho các tác phẩm về lịch sử sân khấu TP.HCM, hình tượng người lính trên sân khấu… Nguyễn Văn Thành tâm sự, ông nội và bố ông là những người đầu tiên khuyến khích ông đọc sách, với lời dạy: “Bách ban giai hạ phẩm. Duy hữu độc thư cao”. Người có ảnh hưởng lớn đến thói quen đọc và sưu tầm sách của ông là bố vợ – nhà thơ Lưu Trọng Lư.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN