TTVH Online

Diễn viên Trung Quốc & “trò chơi” sản xuất phim

07/07/2012 09:03 GMT+7

Đã có nhiều diễn viên Hollywood trở thành đạo diễn và nhà sản xuất, như Clint Eastwood, Harrison Ford, Johnny Depp, Matt Damon, Brad Pitt... Nhiều diễn viên Trung Quốc cũng đang tham gia vào “trò chơi” sản xuất phim.

(TT&VH) - Đã có nhiều diễn viên Hollywood trở thành đạo diễn và nhà sản xuất, như Clint Eastwood, Harrison Ford, Johnny Depp, Matt Damon, Brad Pitt... Nhiều diễn viên Trung Quốc cũng đang tham gia vào “trò chơi” sản xuất phim. Song hầu hết trong số họ đều thiếu trải nghiệm cần thiết, mà chỉ có tiền và ý tưởng.

Trong vòng 5 năm trở lại đây, Trung Quốc có khoảng 20 diễn viên hàng đầu đã thành lập các công ty điện ảnh hoặc truyền hình. Trong số các ngôi sao nổi tiếng đã trở thành nhà sản xuất có nữ diễn viên đại lục Chương Tử Di, nam tài tử Hong Kong Lưu Đức Hoa và nữ diễn viên Đài Loan Lâm Tâm Như. Họ đã có các công ty sản xuất riêng và đã đầu tư vào một số dự án điện ảnh và sản phẩm truyền hình ăn khách.

Cũng giống như các đồng nghiệp ở Mỹ và nhiều nước khác, ở Trung Quốc, nhà sản xuất quản lý một dự án điện ảnh từ đầu đến cuối, thuê đạo diễn và dàn diễn viên tham gia phim.

“Bà chủ” Chương Tử Di, Lâm Tâm Như

Theo đạo diễn kiêm nhà biên kịch Hong Kong Manfred Wong, thuận lợi chính của một ngôi sao trở thành diễn viên là họ có thể đầu tư và đảm bảo việc phát hành phim nhờ vào danh tiếng và lượng fan đông đảo của mình. 

Đạo diễn kiêm nhà biên kịch Mỹ gốc Hoa Eva Jin đã rất biết ơn Chương Tử Di khi cô sản xuất và tham gia đầu tư cho tác phẩm điện ảnh đầu tay của mình, mang tựa đề Sophie’s Revenge (2009). Bộ phim hài lãng mạn này, kể về cuộc phiêu lưu tình ái của một nghệ sĩ truyện tranh tên là Sophie, đã thu về được 94 triệu NDT (14,9 triệu USD), gấp đôi kinh phí làm phim.

Chương Tử Di và Lâm Tâm Như là 2 ngôi sao đã trở thành nhà sản xuất thành công

Đạo diễn Eva Jin sung sướng bày tỏ: “Không có sự nhạy cảm của Chương Tử Di trong đánh giá kịch bản phim thì tôi chưa thể làm nên tên tuổi của mình trong nền công nghiệp điện ảnh. Danh tiếng của Chương Tử Di cũng làm tăng sự tin cậy để nhiều thương hiệu thời trang bảo trợ cho bộ phim. Tôi vô cùng may mắn khi xúc tiến bộ phim đầu tay tôi đã được hợp tác với Chương Tử Di”.

Trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2009, Chương Tử Di từng khẳng định: “Có nhiều tiền không bao giờ là điều kiện tiên quyết đối với một nhà sản xuất thành công. Là một nhà sản xuất, bạn phải nắm rõ thị trường và khán giả của mình”.

Chương Tử Di cho biết, cô sẽ đồng đầu tư cho tập phim tiếp theo của Sophie’s Revenge.

Trong khi đó, nữ diễn viên Đài Loan Lâm Tâm Như sẽ mở rộng công việc kinh doanh sản xuất của mình cho các serie phim truyền hình lãng mạn và các dự án phim nhỏ. Bộ phim mới nhất của cô - The Glamorous Imperial Concubine (2011) – được dàn dựng dựa theo một câu chuyện lãng mạn nổi tiếng trên online, đã rất thành công về thương mại. 1 tuần sau khi trình chiếu, phim đã thu về được 100 triệu NDT tiền vốn.

Công việc không dễ “nhằn”

Tuy nhiên, một số ngôi sao đã thất bại khi thử sức làm nhà sản xuất, như nam tài tử đại lục Huỳnh Hiểu Minh. Mới đây, anh đã tham gia sản xuất phim An Inaccurate Memoir do nhà làm phim trẻ Dương Thụ Bằng đạo diễn. Song bộ phim kể về một tên cướp khét tiếng này chỉ thu về được 25 triệu NDT ở đại lục khi nó được phát hành cùng thời điểm với “quả bom tấn” 3D Titanic.

Nam tài tử Hong Kong Lưu Đức Hoa đã đầu tư vào nhiều dự án điện ảnh trong hơn 1 thập kỷ qua, song phần nhiều trong số đó không thành công về thương mại. Tuy nhiều bạn bè khuyên can, nhưng Lưu Đức Hoa không từ bỏ đam mê của mình.

Phải đến khi bộ phim có kinh phí thấp Crazy Stone (2006) đạt thành công thương mại ngoài mong đợi thì vai trò nhà sản xuất của Lưu Đức Hoa mới được ghi nhận rộng rãi. Mới đây, bộ phim được nhiều ca ngợi - Đào thư (2011) - của đạo diễn Hứa An Hoa lại một lần nữa khẳng định danh tiếng của Lưu Đức Hoa ở vai trò nhà sản xuất.

Trước thành công và thất bại của các ngôi sao trở thành nhà sản xuất, nhiều chuyên gia khuyên các diễn viên nên suy nghĩ cẩn trọng trước khi tham gia sản xuất một dự án điện ảnh.

Jonah Greenberg, trưởng đại diện của Creative Artists Agency China, nói rằng mặc dù việc trở thành nhà sản xuất có thể tạo thêm nhiều cơ hội cho các diễn viên, nhưng công việc này không phù hợp với tất cả mọi người.

Chuyên gia điện ảnh kiêm nhà phê bình Li Tian cho rằng, các ngôi sao không nên có cái nhìn thiển cận và chỉ chạy theo lợi nhuận, mà nên biết rõ mình mong đợi gì ở một dự án điện ảnh. Ông Li đã lấy ví dụ của nữ diễn viên đại lục Tần Hải Lộ, người đã dồn nhiều tâm huyết và đầu tư 5 triệu NDT cho dự án điện ảnh The Piano in a Factory (2010). Phim tốn kém 6 triệu NDT dàn dựng và thu về được hơn 7 triệu NDT, nhưng đáng nói là tác phẩm điện ảnh này đã vang danh tại nhiều liên hoan phim quốc tế.

“So với nhiều ngôi sao trở thành nhà sản xuất đã lấy quyền là nhà sản xuất của mình để thay đổi một cách mù quáng kịch bản và biến mình trở thành trung tâm của bộ phim, Tần Hải Lộ đã thể hiện sự tôn trọng của mình với câu chuyện và đạo diễn trẻ” - Li nói.

Việt Lâm (lược dịch)

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN