TTVH Online

Huyền thoại điền kinh Việt Nam đi dọn sân bóng

01/07/2012 07:23 GMT+7

Tôi ngồi bên quán trà đá vỉa hè cạnh sân vận động thành phố Vinh. Nhìn người phụ nữ bước sang tuổi xế chiều tất bật dọn vệ sinh sân bóng trong cái nắng chói chang xứ Nghệ.

Tôi ngồi bên quán trà đá vỉa hè cạnh sân vận động thành phố Vinh. Nhìn người phụ nữ bước sang tuổi xế chiều tất bật dọn vệ sinh sân bóng trong cái nắng chói chang xứ Nghệ. Lòng nhói đau khi biết chị chính là VĐV điền kinh danh tiếng của những năm 1974 – 1980 với hai năm liên tục được bầu chọn là VĐV tiêu biểu nhất của Thể thao Việt Nam (1978- 1979).

Chị cũng từng được cử đi thi đấu tại các Đại hội thể thao của thanh niên - sinh viên quốc tế ở các nước như Liên Xô, Cu Ba và Mexico và là VĐV hiếm hoi của Việt Nam tham dự Olympic mùa đông năm 1980 tại Matxcơva… Chị là Trần Thị Soa,  huyền thoại điền kinh một thuở của thể thao nước nhà.

Nhớ mãi thời hoàng kim

30 năm đã trôi qua nhưng hào quang trên đường chạy dường như vẫn không thể nào phai trong tâm trí chị. Chị kể cho tôi nghe duyên nợ với điền kinh của mình với một tâm trạng bình thản nhưng cũng đầy tiếc nuối…

Đó là năm 1972, cô gái trẻ Trần Thị Soa khi ấy vừa bước vào tuổi 18 với hừng hực tuổi xuân đã gác bút nghiên, rời vùng quê nghèo Can Lộc (Hà Tĩnh) lên đường theo tiếng gọi của non sông để gia nhập lực lượng thanh niên xung phong tuyến đầu đánh Mỹ. Lúc bấy giờ, Trần Thị Soa được giao nhiệm vụ xây dựng cầu đường để thông xe tiếp tế vũ khí và lương thực cho chiến trường miền Nam.

Nhớ ngày ấy, mỗi khi làm nhiệm vụ mà còi báo động réo, chị chạy không ai đuổi kịp nên đồng đội quen gọi là Soa điền kinh. Chị không thể ngờ, cái biệt danh vui vẻ của đám thanh niên xung phong sau này lại vận vào cuộc đời mình. 



Trần Thị Soa, VĐV nổi danh một thời của điền kinh VN

Cuối năm 1972, đơn vị tổ chức thi chạy, chị em trong tổ khuyến khích Soa tham gia và chị đã giành giải nhất. Sau đó, chị lại được cử đi thi đấu cấp Tổng đội và lại giành ngôi vị cao nhất. Từ đó, chị liên tục được cử tham dự các cuộc thi điền kinh và lần nào cũng về ngôi đầu. Năm 1973, sau khi dành vị trí quán quân ở giải chạy việt dã Báo Tiền Phong, chị được mọi người xem như một VĐV chuyên nghiệp, suốt ngày tập huấn để chuẩn bị cho những đường đua tiếp theo. Vậy là từ năm 1974, Trần Thị Soa chuyển hẳn về sinh hoạt trong ngành thể dục thể thao Nghệ Tĩnh. Từ đó, cuộc đời chị gắn bó với những đợt tập huấn dài ngày và tham gia các cuộc thi điền kinh. Giai đoạn từ năm 1974 đến năm 1980 có thể nói là đoạn đời tươi sáng và rực rỡ nhất của chị. Ngày ấy, người ta gọi chị là “Nữ hoàng điền kinh chân đất”.

6 năm liền, chị gần như không có đối thủ trên các đường chạy 800m, 1500m hay 3000m cấp quốc gia, cứ lần sau lại phá kỷ lục lần trước do mình tạo ra. Mùa đông năm 1980, chị vinh dự là đại diện cho điền kinh Việt Nam thi tài tại đấu trường Olympic ở Matxcơva. Trong chuyến du đấu tầm cỡ này, mặc dù chị chỉ dừng lại ở vòng 2 của cuộc thi nhưng chị cũng đã phá được kỷ lục quốc gia do chính chị lập được một năm trước đó.

Lận đận cuối đường vinh quang

Sau lần tham dự Olympic tại Matxcơva, chị về nước trong rợp trời cờ hoa chào đón, hạnh phúc với những lời chúc tụng và cả hứa hẹn bố trí công việc phù hợp. Rồi mọi lời hứa mãi cũng là lời hứa ngay cả khi chị quyết định giải nghệ và lập gia đình với một người lái xe quê ở Diễn Châu.

Lấy chồng rồi sinh con, cái tên Trần Thị Soa lùi dần vào lãng quên của những ký ức. Khép lại một quá khứ đỉnh cao, những hào quang ngọt ngào để nhận về nhiệm vụ là một nhân viên dọn vệ sinh trên sân vận động TP Vinh. Khi nhận công việc ấy, chị vô cùng sốc bởi những giây phút vinh quang vẫn chưa kịp hết dư vị thì bỗng bước sang sống một cuộc đời khác.

Khép lại hào quang của một ngôi sao trên bầu trời điền kinh, chị trở về lặng lẽ. Không nhà cửa, không tiền bạc, không bằng cấp, hai vợ chồng dựng một túp lều nhỏ phía sau SVĐ Vinh để làm chỗ qua lại. Mọi người dường như cũng quên mất chị từng là huyền thoại điền kinh một thời. Cuộc sống cứ vậy trôi đi nếu không có cái ngày cậu con trai đầu của chị ốm thập tử nhất sinh, tứ chi cứ mềm oặt ra, teo tóp dần… và cuối cùng là nằm một chỗ. Chồng phải nghỉ việc để ở nhà chăm con, chị lao ra đường, làm đủ mọi nghề để nuôi 5 miệng ăn và chữa bệnh cho cháu. Nhiều lúc bưng bát cơm ngồi bên bậc cửa, nhìn khoảnh sân vắng lặng mà nghĩ về cuộc đời, chị chẳng dám tin, số phận lại nghiệt ngã với mình đến thế.


Nhưng rồi vợ chồng lại an ủi nhau “khó khăn rồi cũng sẽ qua và cùng nhau cố gắng để có thể sửa lại căn lều, khi các con lớn chúng nó luôn tự hào về bố mẹ”. Sau những giờ làm, chị lại cùng các con đi nhặt gạch vụn ở các công trường xây dựng và trước sân Đoàn bóng đá. “Lẽ ra số gạch ấy là không được nhặt nhưng vì lãnh đạo Đoàn thể thao thương tôi nên không những không mắng mà còn động viên rất nhiều”, chị kể lại.
Sau khi nhặt được nhiều gạch vụn, chị mang về nhà đập nhỏ, trộn với vôi, cát, xi măng và đóng được hơn 1000 viên táp lô (một loại gạch mà các gia đình khó khăn ở Nghệ An và Hà Tĩnh thường tự làm).

Cuối năm 2002, chị quyết định làm nhà dù trong túi không có một xu. Biết chị khó khăn nên một vài lãnh đạo của ngành thể thao đã tới và hỗ trợ cho mấy triệu. Sau đó chị chạy vạy khắp nơi, cuối cùng cũng mượn được mười mấy triệu, gom góp vào rồi thuê thợ làm nhà. Sau mấy tháng trời vật lộn, cuối cùng gia đình chị cũng có một căn nhà ba gian, thay cho túp lều phía sau sân vận động.

Sống mãi với tình yêu điền kinh

Có người hỏi chị có tiếc nuối quá khứ huy hoàng thuở trước không? Chị chỉ cười bảo “Còn duyên kẻ đón người đưa, hết duyên đi sớm về trưa mặc lòng”. Chị bảo mình hiểu rõ cuộc đời nghiệt ngã của người vận động viên và chị không phải là người duy nhất rơi vào bi kịch sau vinh quang này bởi vinh quang của những VĐV chỉ đến trong một thời gian rất ngắn mà thôi.

“Tôi không biết những vận động viên trẻ bây giờ thế nào nhưng với tôi năm xưa, việc cứ theo đuổi những buổi tập, theo đuổi những giải đấu đã lấy hết của tôi khoảng thời gian ít ỏi có được. Chính vì thế, chữ nghĩa có được trong đầu rất hạn chế. Bên cạnh đó, vì gia đình ở quê rất khó khăn, việc giúp đỡ các em một chút cũng là điều nên làm. Nhiều lần tôi ao ước, giá như mẹ tôi không ra đi sớm, để một mình bố bươn trải với lũ con dại, có lẽ cuộc đời của tôi đã sang trang khác”, chị tâm sự.

Kể về cuộc đời mình, chị không khỏi xót xa khi nhớ về một thời ấu thơ vất vả. Mẹ chị mất khi em út vừa tròn 8 tháng tuổi. Cuộc sống của mấy chị em Trần Thị Soa là những tháng ngày đói rách, những buổi chăn trâu cắt cỏ với sắn và khoai. Lớn lên  cuộc đời chị như những chặng đua. Mỗi khi có một phần thưởng, chị dừng lại ngắm nhìn cuộc sống một chút, rồi lại tiếp tục tập luyện cho những giải đấu phía trước. Cứ vậy, cuộc sống kéo chị đi. Cho đến khi không còn đủ sức để theo đuổi giấc mơ thi đấu trên những chặng đường dài, chị trở về với cuộc sống của mình, bình yêu bên ngôi nhà nhỏ nằm nép mình cuối sân vận động Vinh.

Việc cắt cỏ, nhặt bóng trên sân vận động dẫu không vinh quang nhưng ít nhất cũng cho chị được sống lại những năm tháng tuổi trẻ mỗi khi chứng kiến các bạn trẻ lao vào các trận đấu. Với chị như vậy cũng là đủ. Bây giờ các con đã lớn, công việc ổn định, vợ chồng chị cũng không còn phải vất vả để mưu sinh nữa, nhưng chị vẫn muốn gắn bó với công việc này. Chỉ có ở đây mới cho chị được sống mãi với tình yêu điền kinh của mình…

Cựu vận động viên Trần Thị Soa, sinh năm 1954 ở Mỹ Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Năm 1972, chị tham gia lực lượng TNXP. Năm 1974 được chuyển về công tác ở Sở VHTT Nghệ Tĩnh (nay là Nghệ An). Năm 1980 chị lập gia đình cùng anh Nguyễn Văn Muôn, một lái xe đường dài quê ở Diễn Châu, Nghệ An. Anh chị có ba con nhưng con trai lớn đã mất cách đây mấy năm. Con gái thứ hai đã tốt nghiệp Khoa Điền kinh, trường Cao đẳng TDTT Đà Nẵng, hiện đang công tác tại trường Nghiệp vụ Thể thao Nghệ An. Con trai út hiện đang công tác ở Cảng Bến Thủy. Trong cuộc đời thi đấu của mình, chị Trần Thị Soa đã giành được 19 HCV các loại trong đó có 12 HCV giành được ở các giải điền kinh toàn quốc ở các cự ly 800m, 1500m và 3000m và 6 HCV giải việt dã toàn quốc.

Theo An ninh Thủ đô

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN