TTVH Online

Cái vía lúa

01/07/2012 14:29 GMT+7

Ở Hòa Bình đã lâu, nhân vụ gặt mùa hè năm nay, đồng bào người Mường đã tặng tôi một cái vía lúa.

(TT&VH) - Ở Hòa Bình đã lâu, nhân vụ gặt mùa hè năm nay, đồng bào người Mường đã tặng tôi một cái vía lúa.

1. Xưa kia trước khi gặt, người ta ra đồng chọn những gié lúa tốt tết thành một cái vía lúa (tức là hồn của lúa) có hình thù giống như một cái lược lớn, ở giữa có những chùm lúa lớn, hai bên có hai tua là vài gié lúa nhỏ, thân dài được kết lên trên vuông vức như thân lược, và có quai để treo.

Người ta sẽ đem vía lúa về treo ở bếp chính cúng thần lúa và tạ ơn trời đất đã ban cho một mùa màng bội thu. Sau đó người ta có thể chọn và kết nhiều vía lúa nữa theo vài hình thức khác nhau để làm thóc giống, rồi bắt đầu thu hoạch đại trà.

 Những nghi lễ đối với vụ mùa ngày xưa vốn rất nhiều bởi lúa (lúa nước) là nguồn lương thực chính nuôi sống người dân châu Á, đặc biệt Đông Nam Á, vốn không ăn lúa mỳ (tiểu mạch). Người Việt, người Tày, người Nùng, người Thái, người Mường… đều có những nghi lễ tương tự, dù tên gọi và thời gian khác nhau. Lễ hội Lồng tồng (xuống đồng) của người Tày, lễ Tịch điền của người Việt, lễ hội Khai hạ của người Mường thực ra cùng một ý nghĩa.



Cái vía lúa. Ảnh Nguyễn Anh Tuấn

Khi lúa lên đòng trổ bông thì có lễ cúng lúa sớm, khi vụ gặt đến thì trước và sau gặt đều có lễ cúng phong thu được mùa. Lúa được coi là thần, gọi là Thần mễ tiên sinh theo cách gọi của người Hán, thần lúa sẽ được đưa vào bịch thóc, tức là bục thờ chính giữa nhà, sau thay bằng hương án, hay hòm hương án, còn thóc giống thì rút trước khi đi gặt treo thành từng bó lên sào. Ai đánh đổ gạo mà không hót lên, ăn cơm vãi mà không nhặt lên, sẽ bị nguyền rủa có ngày chết đói.

2. Đối với người Mường, vạn vật đều có linh hồn, nên khi trong nhà có người chết, không chỉ người mà tất cả đều được để tang. Người ta dán giấy tang lên tất cả cột, kèo, bồ đựng, và mọi đồ dùng, thậm chí cả gia súc… tất cả đều từng sống với gia chủ, nên đều thương tiếc và đưa tiễn gia chủ.

Lúa là vị thần đặc biệt, lúa có hồn có linh, lúa nuôi sống người mà không đòi hỏi gì, nên cúng lúa là một nghi lễ dù không cần phức tạp nhưng luôn được nhớ tới.

Người tặng tôi cái vía lúa tiếc rằng bây giờ cây lúa ngắn, lại gặt cao, nên không thể tết to hơn, chứ trước kia vía lúa được tết rất to và đẹp. Người được tặng vía lúa cũng có nghĩa được cầu chúc cho may mắn yên lành. Đó cũng là một tục lệ hiếu khách.

3. Cây lúa mới được tìm ra chừng hơn 5.000 năm nay từ một giống lúa hoang ở Hymalayas rồi đi dần xuống các nước Nam Á theo các lưu vực sông lớn. Cây lúa đi đến đâu các nền văn minh và các quốc gia hình thành đến đó, và cũng phải mất hơn 2.000 năm tiếp theo nó mới được thuần hóa hoàn toàn thành giống lúa nhà với những vụ mùa chính.

Từ cây lúa nương trên các vùng cao xuống cây lúa nước trồng dưới đồng bằng là một quá trình dài của nhiều phương thức canh tác của nhiều sắc tộc từ bỏ săn bắn hái lượm định canh làm nông nghiệp. Những tín ngưỡng cho tục thờ lúa mai một dần, nhất là trong quá trình đưa khoa học nhân giống vào canh tác.

Cây lúa đã tạo ra bao nhiêu sản phẩm không chỉ là nấu một nồi cơm. Các loại bánh nếp, bánh tẻ, bánh chưng, bánh giò, bánh rán, xôi chè, bánh trôi bánh chay, bún, phở… đều không thể thiếu gạo nếp gạo tẻ. Người ta vẫn nhớ ơn người Champa đã thuần hóa giống lúa chiêm và phổ biến khắp từ  Trung Nam bộ hắt lên tận Nhật Bản. Người Nhật gọi đó là giống lúa Linzi (Lâm Ấp), người Thái Mường gọi là Khẩu Chăm (khẩu tẻ), người Việt gọi là lúa Chiêm…Thế mới biết đôi khi cây lúa còn đến trước những vùng đất mà con người chưa đặt chân đến.

  Phan Cẩm Thượng

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN