TTVH Online

Bóng đá châu Âu: Thành trì cuối cùng của bản sắc dân tộc

01/07/2012 16:06 GMT+7

Bóng đá vẫn là một cơ hội để thể hiện bản sắc của mỗi quốc gia, nhưng không còn chỗ cho chủ nghĩa sô-vanh và dân tộc cực đoan trên các sân cỏ.

(TT&VH Cuối tuần)- EURO 2012 cho thấy với một châu Âu đang ngày càng nhất thể hóa, bóng đá vẫn là một cơ hội để thể hiện bản sắc của mỗi quốc gia, nhưng không còn chỗ cho chủ nghĩa sô-vanh và dân tộc cực đoan trên các sân cỏ.

Bóng đá và tinh thần quốc gia

Có thể sự tầm thường hóa chủ nghĩa yêu nước là một phản ứng cực đoan đối với lịch sử đẫm máu ở lục địa già. Với những đầu óc thực tế hơn, các biểu tượng quốc gia và những hô hào về chủ nghĩa dân tộc giờ bị coi là biểu hiện cực hữu bài nhập cư. Hay ôn hòa hơn, đó là sự thừa nhận rằng các đường biên giới quốc gia ở châu Âu giờ đã mờ dần, trong một thế giới được kết nối bằng internet, di động liên tục và đã đô thị hóa gần hết.

Dù lời giải thích có là thế nào, chủ nghĩa dân tộc ở châu Âu dường như đã trở thành một di tích của thế kỷ 20, cũng là thế kỷ tàn lụi của tinh thần sô-vanh nước lớn từng rất phổ biến tại lục địa này. Suy cho cùng, Đức hay Italia mới chỉ được thống nhất 150 năm trước, còn Croatia hay Cộng hòa Czech thậm chí chỉ là những quốc gia độc lập được hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, EURO 2012 cho thấy trên nhiều phương diện, bóng đá có thể là một ngoại lệ, một cơ hội cho sự hồi tưởng lại bản sắc quốc gia, dù biểu hiện của nó chỉ là một thứ tinh thần dân tộc vô hại.



Các cổ động viên Đức ăn mừng chiến thắng trước Hà Lan. Những trận đấu Đức - Hà Lan luôn là dịp để tinh thần dân tộc lên tiếng- Ảnh Getty

Trong ba tuần lễ qua, dù là những cổ động viên thì dân người Hà Lan, Anh, Đức, Pháp, hay nhiều nước khác, tất cả đều đắm chìm trong những hào quang của một quá khứ đã rất xa, tìm kiếm sự trả thù vì những thất bại trong lịch sử, như khi Nga gặp Ba Lan, hay hiện tại, như khi Đức gặp Hy Lạp. Đó là một hành trình tìm kiếm lại cảm giác quốc gia và dân tộc không còn hiện hữu rõ ràng ở một châu Âu không biên giới.

Đã rất lâu rồi, và có lẽ chỉ trên sân bóng, người ta mới được nghe lại bài hát ái quốc trứ danh Rule, Britannia! (Nước Anh thống trị), một nhạc phẩm phổ thơ được sáng tác năm 1740, khi nước Anh còn tham gia cuộc chiến tranh thừa kế Áo với những tuyển hầu nước Phổ và sắp khởi động một cuộc giành giật thuộc địa đẫm máu ở Bắc Mỹ với những người Pháp. Rule, Britannia! khi đó là bài hát xung trận với hầu hết binh sĩ Anh.

Và có lẽ cũng với bóng đá, mới có sự kiện hy hữu như việc Serbia loại tiền đạo Adem Ljajic khỏi đội hình tham dự vòng loại EURO 2012 do từ chối hát Quốc ca, hoàn toàn vì lý do chính trị, trong trận gặp Tây Ban Nha.

Các đội tuyển bóng đá quốc tế là một ảo giác thăng hoa mà theo nhà xã hội học Benedict Anderson, mang lại “cảm giác thống nhất cộng đồng tưởng tượng” cho những người xa lạ, chưa bao giờ gặp nhau, nhưng cùng mang trong tâm trí một lịch sử chung và một vận mệnh chung. Thật vậy, hiện giờ ở châu Âu, khó có thể tìm thấy ở đâu cảm giác dân tộc rõ ràng sâu đậm như trên các sân bóng tại Ba Lan và Ukraina.

Chỉ có trên sân bóng

Liệu hàng trăm nghìn người Pháp có tụ tập trước truyền hình trong ngày Bastille để ăn mừng nền cộng hòa ra đời và ca vang bài La Marseillaise? Rất khó lòng. Nhưng đó chính là những gì xảy ra khi Pháp gặp Tây Ban Nha trong trận tứ kết vừa rồi, trận đấu lớn nhất của nền bóng đá đầy tự hào kể từ World Cup 2006, khi họ thua cuộc trong trận chung kết trước Italia. Tương tự như vậy là người Hà Lan, người Thụy Điển, dù thắng, dù thua.

Cũng đã có nhiều người Hà Lan đổ xuống đường để ăn mừng chiến thắng của nước này tại EURO 1988 trước Tây Đức hơn bất cứ sự kiện công cộng nào kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Điều đó đúng với mọi nhà vô địch EURO, chứ không chỉ riêng Hà Lan, và cũng chỉ có trên sân bóng, mối hận thù đã được chôn cất kỹ lưỡng bởi các hiệp ước nhất thể hóa châu Âu mới lại đội mồ sống dậy.



Thủ thành Joe Hart (trái) và đội trưởng Steven Gerrard của tuyển Anh hát Quốc ca trước trận tứ kết gặp Italia- Ảnh Getty

Cựu huấn luyện viên Hà Lan Rinus Michels tổng kết mối kình địch Hà Lan - Đức trước trận chung kết World Cup 1974: “Bóng đá là chiến tranh”. Tiền vệ Willem van Hanegem còn đi xa hơn một bước trước trận Hà Lan - Đức ở vòng bảng EURO 2012: “Tôi không ưa người Đức. Mỗi lần tôi gặp các cầu thủ Đức, tôi đều thấy khó chịu vì cuộc chiến”.

Về phần những người Đức, do rõ ràng không thể ca hát gì về Chiến tranh thế giới thứ hai, chủ nghĩa dân tộc trở thành một đề tài cấm kỵ, ngay cả khi họ là chủ nhà World Cup 2006. Những người Đức không bộc lộ mình, mà thay vào đó, muốn coi bóng đá như một biểu hiện của sự chuộc lỗi thời hậu chiến, như thể hiện trong bộ phim chủ đề của giải, The Miracle Of Bern (Điều thần kỳ ở Bern).

Bộ phim kể lại câu chuyện về chiến thắng không tưởng của Đức ở World Cup 1954 qua mắt một đứa bé, kể về những người đàn ông đau khổ của hậu chiến, mối quan hệ khó khăn, nhưng luôn là thống nhất giữa Đông Đức và Tây Đức và thế yếu hơn của nước Đức, đại diện cho một đất nước vừa trải qua cơn khủng hoảng tồi tệ nhất lịch sử cả về vật chất và tinh thần, trước một Hungary hùng mạnh.

Thông điệp của bộ phim đó, và của cả World Cup 2006, dù không ai nói ra, là các cổ động viên với lá cờ đỏ - đen - vàng có thể ca vang Deutschland, Deutschland, Uber Alles In Die Welt (Nước Đức, nước Đức, ở trên tất cả), nhưng phải tránh những ca từ như “anschluss” (sự chiếm đóng Áo) hay “blitzkrieg” (chiến dịch chiến tranh nhanh như sấm sét của Quốc xã) trong bài hát.

Ngoài cuộc thế chiến đẫm máu, Chiến tranh lạnh cũng được nhớ lại rất nhiều trên sân bóng, như khi Nga gặp Ba Lan hay Czech ở vòng bảng vừa rồi. Không chỉ quá khứ, nhận thức về dân tộc cũng rõ ràng hơn ở EURO với những chủ đề thời sự. Một chuyện đùa nổi tiếng ở Ba Lan và Ukraina lúc này là nếu thay Đức bằng Hy Lạp trong số bốn đội vào bán kết, thì với ba đội còn lại là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Italia, kết luận rút ra là càng nợ nần nhiều, người ta càng chơi bóng hay.

Chỉ là vô hại

Tuy nhiên, dù tinh thần quốc gia sống lại trên sân bóng, ở châu Âu giờ đây không ai chờ đợi một cuộc chiến tranh bên ngoài sân cỏ, hay là cả trên sân cỏ đi nữa. Thế giới đã thay đổi, như nhận xét của nhà báo thể thao nổi tiếng người Anh Simon Kuper. “Thời đại của chế độ độc tài, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, những cuộc chiến quốc gia với quốc gia và sự thù ghét dựa trên ngôn ngữ và chủng tộc của Thế chiến thứ hai đã qua… Quan trọng hơn, bóng đá cũng đã thay đổi. World Cup bây giờ là các phong cách bóng đá khác nhau. Người Hà Lan tấn công, người Italia phòng ngự, người Đức chơi tệ và chiến thắng, người Nam Mỹ rê dắt, người Anh chơi bóng bổng và thất bại. Họ vẫn không ưa nhau, nhưng chỉ đơn thuần là trên sân bóng”, Kuper viết.



Một cuộc loạn đả của các cổ động viên Nga và Ba Lan ở Warsaw. Những sự kiện mang đậm màu sắc dân tộc chủ nghĩa như thế này hầu như chỉ còn diễn ra vì lý do bóng đá- Ảnh Getty

Những đường biên giới châu Âu, kể cả về bóng đá, càng trở nên mềm hơn khi các giải bóng đá quốc nội giờ đây thực tế đã mang tính toàn cầu với cầu thủ, huấn luyện viên, các ông chủ và khán giả từ khắp năm châu bốn bể. Những đội tuyển quốc gia là nơi duy nhất còn giữ được phần nào bản sắc dân tộc, nhưng ngay cả thành trì đó cũng không còn là bất khả xâm phạm nữa, nếu không muốn nói là đã bị đánh chiếm mất rồi.

Jean Marie Le Pen, nhà lãnh đạo cực hữu của Mặt trận Dân tộc, một đảng chính trị chống nhập cư, đã nói tuyển Pháp vô địch World Cup 1998 trên sân nhà “không phải là một đội bóng Pháp” vì phụ thuộc quá nhiều vào những cầu thủ gốc gác từ châu Phi, A-rập và Phi - Caribe. Nhưng đội bóng đó đã chơi đoàn kết như bất cứ đội tuyển quốc gia nào, vì lựa chọn màu cờ tam tài là quyết định của họ. Tiền vệ Pat¬rick Vieira đủ tư cách công dân để khoác áo Senegal, nơi anh ra đời. Marcel Desailly còn những liên hệ sâu nặng và có thể ra sân trong màu áo quê hương Ghana, và tất nhiên, ngôi sao lớn nhất của bóng đá Pháp mọi thời, Zinedine Zidane vĩ đại, một người Algeria gần trọn vẹn.

Điều tương tự đang xảy ra, và ngày càng phổ biến, tại EURO 2012. Mario Balotelli của Italia có thể lựa chọn chơi cho Ghana, theo gương người đồng hương sinh ở Đức Kev¬in-Prince Boateng. Boateng, đến lượt mình, lại có người em trai Jerome đá cho Mannschaft (họ từng đối mặt nhau ở World Cup 2010). Mesut Oezil, tâm điểm sáng tạo của hàng tiền vệ Đức, cũng đủ quyền chơi cho tuyển Thổ Nhĩ Kỳ nếu anh lựa chọn, vì đó là nơi cha mẹ anh ra đời. Đó đã là quyết định của Aidan McGeady, tiền vệ cánh đang khoác áo Spartak Moskva, sinh ở Glasgow nhưng lại chọn đại diện cho tuyển Cộng hòa Ireland, quê cha đất tổ của anh, một quyết định đã gây không ít đàm tiếu ở Scotland, một xứ sở đầy lòng tự hào bản sắc và đang đòi tách ra khỏi Vương quốc Anh.

Liên đoàn bóng đá Thế giới (FIFA), không thể làm ngơ trước thực tế về tình trạng di cư ồ ạt do toàn cầu hóa kinh tế, cho phép một cầu thủ trên thực tế có thể lựa chọn quốc gia mà mình đại diện ở đội tuyển quốc gia, ngay cả khi họ đã chơi cho một đội tuyển khác từ độ tuổi U21 trở xuống. Những biên giới quốc gia do đó bị xóa nhòa nhanh chóng và bóng đá, trong khi duy trì hình ảnh về một dân tộc thống nhất, cũng lại là nơi ý tưởng về lá cờ Tổ quốc, bài Quốc ca và những tấm hộ chiếu trở nên lỗi thời nhanh chóng nhất, khi sự phân biệt giữa “chúng ta” và “họ” đang ngày càng trở nên mơ hồ.

Khi Pháp gặp Anh ở vòng bảng hay Tây Ban Nha gặp Bồ Đào Nha ở bán kết, rất nhiều cầu thủ ở cả hai đội sẽ nhìn sang phần sân bên kia để tìm kiếm những đồng đội thực sự chơi bóng với họ hầu như mỗi tuần lễ.

Trần Trọng

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN