TTVH Online

Nghệ sĩ Thái Hòa: Tôi thích Bồ Đào Nha vô địch

26/06/2012 07:30 GMT+7

“Không kẹt đi phim nên diễn kịch về là nằm phè chờ xem, đây là mùa bóng được xem trọn vẹn, chưa bỏ trận nào”. Ngoài đời, Thái Hòa cũng thuộc nhóm nghệ sĩ mê đá bóng...

(TT&VH) - Khi nghe TT&VH hỏi chuyện xem bóng đá mùa EURO này thế nào, nghệ sĩ Thái Hòa rất hào hứng: “Không kẹt đi phim nên diễn kịch về là nằm phè chờ xem, đây là mùa bóng được xem trọn vẹn, chưa bỏ trận nào”. Ngoài đời, Thái Hòa cũng thuộc nhóm nghệ sĩ mê đá bóng, tuần nào anh cũng thu xếp để đá một trận, bỏ là thấy thân thể bất ổn.

“Năm nay tôi ghét nhất đội Tây Ban Nha, vì họ loại đội Pháp thân thương bằng lối đá chẳng có gì hấp dẫn”, Thái Hòa thẳng thắn.



Cúp là của mọi nhà

* Nghệ sĩ mà mê đá bóng thì thường có đội “ruột” của mình. Đội của anh mùa này ra sao?

- Đã dừng lại rồi, nên tim tôi đóng lại một phần. Nếu trước đây chừng 4-5 năm, đội của tôi mà dừng lại thì tôi cũng dừng với mùa giải ấy luôn. Thế nhưng, khi đã trưởng thành hơn chút xíu, thì thấy vẫn còn đó những lý do để mình xem, không thể quá ích kỷ. Đội mà tôi thích từ nhỏ là Pháp, họ từng có nhiều phen làm khán giả ú tim vì lối đá lịch lãm, đầy phiêu lưu; họ từng có trận đỉnh cao, ví dụ khi gặp Brazil tại Mexico năm 1986. Mùa này họ chơi chưa hay, vì nhiều lý do, trong đó có sự thiếu vắng những “nhạc trưởng”, vốn là linh hồn của các trận cầu kiểu Pháp. Tôi buồn nhất là trận thua Tây Ban Nha vừa rồi, với quá nhiều toan tính, tự nhiên thấy họ đánh mất hình tượng, mất chất Pháp lâu nay.

* Xin được hỏi rõ hơn, anh thích Pháp vì những lý do gì?

- Khi tôi còn nhỏ, gia đình nghèo lắm, mấy người bà con bên Pháp hay giúp đỡ, tự nhiên thấy thích Pháp. Khi vừa biết biết (năm 1986), đội Pháp lại đá quá hay, nên từ đó ấn tượng luôn. Sau này bước vào làng văn nghệ, cái lối đá nhiều cảm xúc của Pháp cũng khiến mình thấy gần gũi, dễ chia sẻ. Nói chung, sở thích khá riêng tư và cảm tính.

* Trong 4 đội của vòng bán kết, theo anh đội nào sẽ vô địch?

- Nhìn về thực tế khách quan và thực lực qua các vòng, rõ ràng Đức và Tây Ban Nha đang ở chiếu trên, kế đến mới là Bồ Đào Nha và Ý, nên chiếu trên vô địch cũng không có gì lạ. Thế nhưng, nếu bỏ qua tính lý trí, con tim tôi lại thích Bồ Đào Nha vô địch, vì năm nay họ có đủ những bất ngờ cho điều đó. Nhất là chuyện Cristiano Ronaldo tỏa sáng, cá nhân tôi không thích cầu thủ này lắm, nhưng nhìn chung, vẫn muốn anh có được danh hiệu lớn, để xứng đáng với ngôi sao lớn. Giữa châu Âu mà có một đội đá hoa mỹ, bay bướm (kiểu Nam Mỹ) như Bồ Đào Nha, ủng hộ cũng nên lắm chứ, dù có thể bạn không thích. Hơn nữa, cúp là của mọi nhà, cứ vài đội mạnh đoạt hoài, thấy cũng chán. Tôi thích trái bóng tròn ở ý nghĩa bất toàn và các may mắn của nó, hãy cho Bồ Đào Nha đủ may mắn.

Chủ nhà không hổ thẹn

* Bản thân anh có thấy tiếc khi hai đội chủ nhà phải dừng bước sớm?

- Tôi nghĩ điều này chẳng có gì bất ngờ, vì xét về vai vế, họ xếp chiếu dưới đến hai, ba bậc, nên thua là bình thường. Thế nhưng, tôi nghĩ chủ nhà không phải hổ thẹn, vì trong mỗi trận đấu, họ đã làm hết mình. Ukraina cũng đã tạo nên những khoảnh khắc đáng nhớ, có lúc tưởng họ sẽ làm nên chuyện. Cũng xin nói thêm, dù vắng bóng chủ nhà, nhưng do châu Âu ở gần nhau, visa thông thoáng, nên các trận đấu rất đông đúc, xem vẫn rất hào hứng. Nếu có tiếc, tôi tiếc cho đội Nga và Thụy Điển, họ khởi động không tốt, dù trong thực lực, có lẽ họ xứng đáng để vào đến tứ kết hoặc hơn nữa. Mà chính sự vắng mặt bất ngờ của những đội như Nga đã làm cho mùa giải này hấp dẫn, bởi kết quả phải trông đợi vào hai trận đấu cuối của vòng loại.

Cũng có một chi tiết lý thú, đó là cách đạo diễn truyền hình và cách ghi hình, không chỉ quán xuyến về tổng thể, mà khi đi vào chi tiết, họ đã khắc họa được tâm trạng và cảm xúc của nhân vật, chỉ với vài giây. Đơn cử như việc đặc tả “giấc ngủ giữa biển người” của một cổ động viên già đội Pháp, chính hình ảnh này đã dự báo về tương lai “buồn ngủ” của đội Pháp, khi nhìn thấy, tôi đã rất lo lắng.

* Mê như vậy, anh có xây dựng cho mình một quan niệm về bóng đá không?

- Tôi không thích bóng đá quá phụ thuộc vào máy móc, kỹ thuật, sự “đạo diễn”… bởi chính xác chưa hẳn đã hay. Con người vốn bất toàn, nên những môn chơi của con người phải có yếu tố đó thì mới đủ “sân si”, mới tăng tính hấp dẫn. Bàn tay của Maradona, cú húc đầu của Zidane… nếu nhìn khác đi, đó chỉ minh chứng cho giới hạn, vượt qua giới hạn, con người sẽ gặp “tai nạn”, cũng dễ hiểu và… dễ thương mà.

Như Hà (thực hiện)

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN