TTVH Online

Danh họa Vũ Cao Đàm: Thực mục sở thị

17/06/2012 07:01 GMT+7

Tối qua (16/6)), tại sảnh chính tòa nhà Metropolitan (235 Đồng Khởi, TP.HCM), lần đầu tiên ở Việt Nam (và cũng là châu Á), giới thưởng lãm nghệ thuật sẽ được “thực mục sở thị”các tác phẩm của danh họa Vũ Cao Đàm (1908-2000).

(TT&VH Cuối tuần) - Tối qua (16/6)), tại sảnh chính tòa nhà Metropolitan (235 Đồng Khởi, TP.HCM), lần đầu tiên ở Việt Nam (và cũng là châu Á), giới thưởng lãm nghệ thuật sẽ được “thực mục sở thị”các tác phẩm của danh họa Vũ Cao Đàm (1908-2000).

Triển lãm Bộ sưu tập tranh thạch bản của Vũ Cao Đàm - họa sĩ bậc thầy của thế kỷ 20 giới thiệu 13 tác phẩm, tuy chưa phải tiêu biểu nhất, nhưng đây vẫn là một nỗ lực đáng trân trọng. Triển lãm kéo dài đến ngày 23/6, mở cửa hàng ngày từ 8h đến 18h.


Danh họa Vũ Cao Đàm tại Paris năm 1947

Thế hệ tự khẳng định

Cùng thời với các danh họa như Lê Phổ, Mai Trung Thứ (Mai Thứ), Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm là tên tuổi quan trọng của mỹ thuật hiện đại Việt Nam thời kỳ đầu. Dù chịu sự giáo dục bài bản về kỹ thuật mỹ thuật phương Tây, có thời gian dài du học và sống ở Pháp, nhưng bộ tứ này luôn tìm cách tự khẳng định bản sắc văn hóa và tâm tư tình cảm của mình bằng lối vẽ mang chở triết lý Đông phương và Việt Nam.

Cũng xin lưu ý rằng, khi người Pháp chuẩn bị mở các trường “có tính chất mỹ thuật” ở Việt Nam và Đông Dương (như Trường Mỹ thuật bản xứ Thủ Dầu Một - 1901; Trường Mỹ nghệ bản xứ Biên Hòa - 1903; Trường Vẽ Gia Định - 1913; Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương - 1924) thì mục đích chính là “đào tạo thợ vẽ mỹ thuật”. Chính vì tôn chỉ và mục đích như vậy, nếu các thầy dạy không “mở lòng” để chiêu sinh và dạy phương cách sáng tác cho những học trò có khiếu về điều này thì thợ vẫn hoàn thợ mà thôi.

Trong 4 trường thời kỳ đầu, Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội có vẻ nổi trội nhất về mặt hội họa, có lẽ do mấy lý do. Thứ nhất, nó ra đời muộn và lại hình thành ở trung tâm đô thị, chất “nghệ” đương nhiên dễ có cơ hội thể hiện nhiều hơn chất “nghề”. Thứ hai, nó được những họa sĩ tâm huyết với nền mỹ thuật nội địa như Nam Sơn, Victor Tardieu, Joseph Imguimberty, Alix Aymé… giảng dạy và định hướng sáng tác, dù chủ trương của Pháp thì không như vậy. Thứ ba, nó được một thế hệ sinh viên yêu nghề và có tài góp sức xiển dương, mà trong đó có thể kể đến ba bộ tứ sáng giá: “Trí - Vân - Lân - Cẩn”, “Nghiêm - Liên - Sáng - Phái”, “Phổ - Thứ - Lựu - Đàm”… Thứ tư, trong bối cảnh thuộc địa của Pháp, dù ít dù nhiều, các nghệ sĩ đều muốn thể hiện tự tôn và tự hào dân tộc, nên các tác phẩm mở được lối đi riêng với bản sắc của riêng mình.


Một tác phẩm tiêu biểu cho phong cách Vũ Cao Đàm

Về phong cách của bộ tứ này, nhà nghiên cứu Thụy Khuê từng nhận xét: “Tác phẩm của Lê Phổ và những họa sĩ Việt Nam xuất dương cùng thời với ông những năm 1940: Mai Thứ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu... không mô phỏng nghệ thuật Đông - Tây một cách ước lệ mà nối tiếp truyền thống giao hưởng trong ấn tượng, phối hợp hai phong cách, hai vũ trụ nhân sinh. Cái làm cho hội họa Pháp và sau đó Mỹ, công nhận giá trị của các họa sĩ Việt Nam, là họ đã không chối bỏ nguồn gốc của mình như một vài họa sĩ Nhật Bản đương thời: Nishimoura, Okamoto... cùng xuất thân từ trường phái Paris. Sự thành công của những họa sĩ Việt Nam đầu tiên bên trời Âu, sau thế chiến, đã không dễ dàng, đã trải nhiều cay đắng. Họ xác định chỗ đứng của nghệ thuật tạo hình giao thoa Đông - Tây mà Lê Phổ là một giá trị đích thực”.

Trong bộ tứ “Phổ - Thứ - Lựu - Đàm”, Vũ Cao Đàm không nổi tiếng bằng 3 người kia, có lẽ vì cách vẽ của ông nhiều lý tính, nghiêm cẩn về tạo hình, nên khó tìm được sự đồng điệu của người mua tranh - mà số đông vốn ưu thích sự lãng mạn, nhẹ nhàng. Quan trọng hơn, khi tiếp xúc với thị trường nghệ thuật, dường như ông khá e dè và luôn giữ khoảng cách, ông thuộc kiểu nghệ sĩ “sáng tác cho riêng mình”. Dù vậy, từ năm 1997, tác phẩm của ông đã được hai nhà đấu giá nghệ thuật lớn là Sotheby’s và Christie’s đưa vào các phiên đấu quan trọng. Tháng 4/2008, tác phẩm Chuyện trò với giai nhân trong vườn (vẽ năm 1939) của ông đã bán với giá 230.477 USD tại Hong Kong. Tác phẩm của ông đã có mặt trong nhiều bộ sưu tập ở Pháp, Mỹ, Anh, Úc, Singapore, Nhật và Hong Kong - Trung Quốc, Bỉ…; Việt kiều cũng rất thích săn lùng, nên bây giờ thuộc diện khan hiếm.


Một tác phẩm khác của Vũ Cao Đàm

Tranh thạch bản và các thể loại khác

Trong thông cáo báo chí của triển lãm thạch bản, “xuất thân” thể loại này được giới thiệu như sau: “Năm 1970 và 1971, Vũ Cao Đàm sáng tác loại tranh in đá (thạch bản) với ấn bản hạn chế là 150 bức. Một phần trong bộ sưu tập tranh in đá nguyên bản ấy đã được bà Nguyễn Lan Hương - chủ nhân Gallery Saigon - mua cùng với năm bức tranh sơn dầu khác của ông”. Cách đây khoảng 10 năm, Sotheby’s từng bán một tranh in đá với giá 30.000 USD.

Cũng lưu ý một điều, Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khai giảng khóa 1 vào năm 1925 với 8 sinh viên, Vũ Cao Đàm là thuộc khóa 2, nhưng là năm đầu tiên có khoa điêu khắc (1926-1931), với hai sinh viên theo học. Bên cạnh đó, sinh viên cũng được khuyến khích vẽ tranh lụa, tranh sơn mài và các chất liệu truyền thống. Bộ tứ “Phổ - Thứ - Lựu - Đàm” đều có những tác phẩm tranh lụa thành công, nhất là giai đoạn 1930 - 1940; riêng Vũ Cao Đàm có nhiều đóng góp về việc canh tân tranh lụa, ông theo đuổi chất liệu này đến năm 1952.


Tuy học bài bản về điêu khắc và khá thành công với tượng bán thân, nhưng Vũ Cao Đàm không bó mình trong một thể loại. Ông từng cho biết: “Trong Thế chiến 2 (1939-1945), tôi chuyển sang hội họa, bởi vì ở thời điểm ấy rất khó nặn tượng vì thiếu chất liệu. Việc đổ khuôn đồng bị cấm trong chiến tranh. Người Đức tịch thu tất cả và tôi phải nặn tượng bằng đất nung đánh bóng, như bức chân dung thi sĩ Jean Tardieu con của thầy tôi và bà Marie Laure, vợ nhà thơ. Tôi tìm tòi và đào sâu thêm về hội họa, bày tranh tại các phòng của tư nhân ở Paris như Automne và Tuilerie”.

Sau năm 1952, ông chuyển sang sơn dầu, với lý do: “Vì tính hiếu kỳ khiến tôi hay tìm hiểu sâu thêm về hội họa và tôi thấy tranh lụa bị giới hạn bởi kích thước của bức tranh, vì có miếng kính che gìn giữ cho lụa, cho nên không thể vẽ to được. Hơn nữa,  ngay từ thời còn đi học, chúng tôi vẫn ao ước được vẽ tranh ấn tượng và vẽ theo những trường phái mới, mà không quên tất cả vẻ đẹp của nghệ thuật Đông phương”.

Cắt nghĩa sự thành công của Vũ Cao Đàm có thể viện dẫn nhiều nguyên do, nhưng có lẽ mấy điểm sau đây là đáng chú ý. Thứ nhất, ông sang Pháp từ sớm (năm 1931), được học nâng cao về tạo hình tại Bảo tàng Louvre, tiếp thu nhiều trường phái hội họa cũ và mới, nhưng ông vẫn kiên trì cách sáng tạo kết hợp Đông - Tây của mình, mà chất Việt vẫn khá rõ nét. Thứ hai, vì ở đến chết tại Pháp nên phần nhiều tác phẩm của ông tránh được kiếp nạn tranh giả trong nước và từ sớm đã đi vào quy luật chung của thị trường mỹ thuật Âu châu nên được trân trọng.

Sống trọn vẹn thế kỷ 20, dành tất cả tâm huyết cho nghệ thuật nói chung, tài năng và những đóng góp của Vũ Cao Đàm cho hội họa Việt Nam đang rất cần những nghiên cứu chuyên sâu, bài bản, mà hiện khá manh mún và khan hiếm. Cho đến nay, rất tiếc thông tin về cuộc đời và tác phẩm của ông còn quá ít, những triển lãm hồi cố thì còn ít hơn. Những năm cuối đời, một nhà nghiên cứu hỏi: “Bác có nhắn gì cho những họa sĩ trẻ không?”, Vũ Cao Đàm ôn tồn trả lời: “Kiên trì học tập, ngay khi không bằng lòng với chính mình. Đừng bao giờ chán nản. Cố gắng đào sâu thêm, ngay khi vẽ không ra gì cả, cũng đừng ngần ngại - đừng buồn”. Những suy nghĩ này phần nào phác họa được tính cách và cuộc đời “vị nghệ thuật” của ông.

Văn Bảy



Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN