TTVH Online

Quá nhiều tiếng Việt lệch chuẩn

01/06/2012 09:27 GMT+7

Kiểu đưa tin giật gân, câu khách, chụp giật thông tin... đã và đang làm rối rắm, “tối nghĩa hóa” Tiếng Việt.

Kiểu đưa tin giật gân, câu khách, chụp giật thông tin... đã và đang làm rối rắm, “tối nghĩa hóa” Tiếng Việt. Hình ảnh, hình tượng nghệ sĩ không chỉ bị bội thực với “lộ hàng”, “cặp kè với trai lạ”... và đủ thứ danh xưng lạ hoắc, phản cảm; thảm họa khó lường hơn khi tiếng Việt lệch chuẩn được sử dụng thường ngày trên trang mạng “lá cải”.

Từ ngữ “tự chế” phản cảm làm biến dạng Tiếng Việt

Thực chưa bao giờ, giới nghệ sĩ lại có nhiều “danh xưng”, “danh hiệu” phải nói là chẳng hay ho gì như hiện nay. Phần lớn danh xưng lạ hoắc này được (bị) truyền thông “lá cải” “chế” ra và sử dụng với tần suất lớn, như một điều hiển nhiên khi thông tin, phản ánh về đời sống nghệ sĩ. Người mẫu Ngọc Trinh được khoác “danh hiệu chế” là “nữ hoàng nội y”, ca sĩ Thu Minh được gọi là “Sexy lady”, người mẫu kiêm diễn viên Phi Thanh Vân thôi thì đủ thứ như: “Nữ hoàng dao kéo”, “người đẹp dao kéo”, “người mẫu tát tút”... Ngay cả với một ca sĩ mới bước chân vào nghề là Uyên Linh, sau thành công với bài hát Đường cong trong chương trình Vietnam Idol cũng được các trang mạng "lá cải" giật tít gây sốc “Sexy lady Uyên Linh khoe đường cong gợi cảm trong giọng hát mình”...

Tự phong hay khoác “danh hiệu chế” cho các nghệ sĩ, truyền thông “lá cải” còn gọi tên nghệ sĩ bằng nhiều danh xưng tai tiếng hơn là hấp dẫn, dễ nhớ như “hot girl”, “sao Việt lộ núm”... Có thể với đôi ba nghệ sĩ nổi tiếng bằng tai tiếng, những danh xưng, danh hiệu chế này là một chiêu thức hay đích đến của công nghệ PR, đánh bóng tên tuổi. Nhưng với 8.850 kết quả mạng Internet trên các trang từ VN về “Hot girl Việt” và 5.500.000 “Sao Việt scandal”... mở mạng, người đọc lại bội thực với những từ ngữ phản cảm này. Hình dung về đời sống nghệ sĩ, hậu trường làng giải trí vì thế cũng có những mường tượng không hay trong lòng độc giả, công chúng.

“Kỳ công” hơn, các trang mạng “lá cải” còn đưa ra những “bảng xếp hạng” phải nói là vô căn cứ và tiêu chí kém thẩm mỹ như “Top 6 bộ ngực khủng nhất showbiz Việt”, “Top ngực trần nhất làng sao Việt”... Thậm chí các bảng xếp hạng rất ầu ơ của các trang mạng "lá cải", tách biệt rõ hạng mục “Hot girl Việt” và “Hot boy Việt”... không chỉ phản cảm mà còn có tác dụng xấu trong tính định hướng, giáo dục đối với lớp trẻ: “Top hotgirl Việt tự sướng khoe ngực bằng iphone”, “Những hotgirl nổi tiếng và tai tiếng”... Lạ lùng là những bảng xếp hạng kỳ quái này do các trang mạng “lá cải” tự chế, tự xếp hạng mà ở góc độ nào đó chính các nghệ sĩ là nạn nhân. Thậm chí, có những nghệ sĩ tên tuổi được gắn với những bảng xếp hạng chẳng hay ho gì như stylist Hoàng Minh Thủy từ lâu đã được biết đến với tên gọi Thủy Top?!

Lệch chuẩn tiếng Việt

Cách viết, sử dụng văn tự của ngôn ngữ mạng internet nếu đối chiếu với tiếng Việt có nhiều biểu hiện bất bình thường, thậm chí lệch chuẩn. (PGS. TS ngôn ngữ học Phạm Văn Tình)

Theo đánh giá của các nhà ngôn ngữ học, từ lúc ra đời đến nay chưa bao giờ Tiếng Việt có nhiều đổi thay, ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ lớn như ảnh hưởng, tác động của ngôn ngữ mạng Internet gần chục năm trở lại đây. Đấy cũng là xu hướng chung của ngôn ngữ nhiều nước, nhiều dân tộc trên thế giới, cần độ lùi của thời gian để kiểm nghiệm, chọn lọc. Bên cạnh tân tiến, giản thể tích cực không thể phủ nhận những mặt trái, lệch chuẩn của ngôn ngữ mạng Internet nói chung và các trang mạng “lá cải” nói riêng. Đặc biệt, với tần suất sử dụng lớn, lại đề cập hay chuyển ngữ từ những nghệ sĩ vốn là người của công chúng, thần tượng của giới trẻ... ngôn ngữ mạng Internet, của các trang mạng "lá cải" có sự ảnh hưởng, lan tỏa rất lớn.

PGS.TS ngôn ngữ học Phạm Văn Tình nhìn nhận: “Cách viết, sử dụng văn tự của ngôn ngữ mạng internet nếu đối chiếu với Tiếng Việt có nhiều biểu hiện bất bình thường, thậm chí lệch chuẩn”. Đơn cử như từ “Sao Việt khoe” có tới 14.700.000 kết quả trên các trang web từ VN. Từ “Khoe” vốn hiện hữu trong tiếng Việt từ lâu nhưng gắn từ này với những từ nhạy cảm để phản ánh đời sống, hậu trường nghệ sĩ như “Khoe hàng”, “khoe ngực”, “khoe chân dài” thậm chí cả “khoe mông”, “khoe vòng 3”... thực sự chỉ xuất hiện trên các trang mạng “lá cải” khoảng dăm ba năm trở lại đây. Loại trừ số ít những nghệ sĩ “bám víu” vào những điều không hay ho này để đánh bóng tên tuổi, với đặc thù nghề nghiệp nhiều nghệ sĩ hoàn toàn không có dụng ý “khoe”. Như nghề người mẫu, trình diễn những bộ thời trang trên sàn catwalk thì rõ ràng là trình diễn, tác nghiệp nhưng khi các trang mạng “lá cải” đưa tin ảnh đến với công chúng là “khoe chân dài miên man”, “khoe ngực khủng”, “khoe vòng 3”... rõ ràng không phù hợp với thị hiếu chung, gây phản cảm cho người đọc cũng như làm ảnh hưởng đến hình ảnh, hình tượng nghệ sĩ.

Đáng lên án hơn, với những từ mới như “Khoe hàng”, “đụng hàng”, “lộ hàng”... mà các trang mạng “lá cải” là “lò sản xuất”, sử dụng với tần suất, số lượng lớn khi đề cập đến đời sống nghệ sĩ, hậu trường làng giải trí xét ở góc độ nào đó là sự xúc phạm, làm tổn thương nghệ sĩ. Bởi nếu “hàng hóa” được định nghĩa là “sản vật dùng để bán nói chung” thì lối dùng từ kể trên đánh giá nghệ sĩ, thân thể nghệ sĩ thành một thứ hàng hóa thật sự là một điều bất bình thường, hoàn toàn không nhân văn. Thực tế, diễn viên Tăng Thanh Hà trong một tai nạn nghề nghiệp bị truyền thông “lá cải” tung hình ảnh là “lộ hàng” đã bật khóc, stress một thời gian dài...

Xét ở góc độ truyền thông, với những tít gây sốc, tạo ấn tượng để câu khách của các trang “lá cải” không chỉ có tác dụng không tốt với người đọc mà còn làm “tối nghĩa hóa Tiếng Việt”. Nhiều tít được các trang “lá cải” ghép thông tin, dùng từ khó hiểu, tăm tối kiểu như: “Thanh Hằng làm tú bà, mẹ con Hiền Thục đi ... bán sữa”, “Người mẫu Hồng Hà bán dâm bị bắt, Hà Tăng vai trần rực rỡ”... Nhà ngôn ngữ học Phạm Văn Tình phân tích, ngôn ngữ bỗ bã được sử dụng trong bối cảnh giao tiếp nào đó có thể bình thường nhưng được sử dụng trên truyền thông đại chúng đôi lúc lại lệch chuẩn chung. Trong khi với sự lan tỏa ghê gớm của mạng Internet, cách dùng từ lệch chuẩn Tiếng Việt với tần suất, số lượng lớn của trang mạng “lá cải” về lâu về dài sẽ ảnh hưởng đến một thế hệ người đọc. Từ điển Tiếng Việt gần đây xuất hiện nhiều từ mới thú vị như: “Cơm bụi”, “Quán cóc”, “Lên đời”... nhưng thật đáng buồn nếu tới đây sẽ được bổ sung những “từ mới” chẳng hay ho gì từ những trang mạng "lá cải" như “lộ hàng”, “nữ hoàng nội y”, “ngực khủng”... Cảnh báo là những từ mới nhạy cảm, thậm chí là phản cảm này gắn với hai chữ “Sao Việt” đã cho hàng triệu kết quả trên trang tìm kiếm Google.com.vn trên các trang web từ VN.

Theo Báo Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN