TTVH Online

Showbiz và câu chuyện bình đẳng giới

31/05/2012 08:15 GMT+7

Một điều tra viên của tổ chức bình đẳng giới và quyền phụ nữ đã có một báo cáo rất nghiêm túc và nhiều phát hiện bất ngờ về...Showbiz Việt.

(TT&VH Cuối tuần) - Trước ngày MTV Exit 2012 với những thông điệp về chống nạn buôn người, được tổ chức tại SVĐ Mỹ Đình vào ngày 26/5 tới đây, hàng loạt phóng viên cũng như các điều tra viên của các tổ chức xã hội quốc tế có liên quan đều đổ về Việt Nam. Một điều tra viên của tổ chức bình đẳng giới và quyền phụ nữ đã có một báo cáo rất nghiêm túc và nhiều phát hiện bất ngờ về...Showbiz Việt. Mạng GPRS xin trích đăng những điểm chính trong báo cáo này:

“ …Trước hết, phải công nhận sự nghiêm túc và ý thức pháp luật đã đi sâu vào ý thức từng người dân ở đây. Nó hoàn hảo đến mức tự mỗi người dân thay vì chấp hành một luật lệ chung thì họ thường tự làm luật riêng phù hợp cho bản thân và hoàn cảnh, ngôn ngữ địa phương gọi là “tự xử”. Thí dụ trong trường học nếu có vấn đề bức xúc thì học sinh sẽ gọi nhau ra chỗ vắng và “tự xử”, nhưng luôn cẩn thận quay phim lại để đưa lên mạng hòng răn đe những kẻ khác. Nếu vi phạm luật giao thông, họ sẽ “tự xử” với lực lượng tuần tra bằng tiền hoặc quả đấm, đôi khi tự bỏ chạy. Nếu có chuyện trong cơ quan xích mích, họ sẽ “tự xử” ra bằng chứng để tố cáo nhau, thậm chí có thể dùng chính con mồi là người thân. Nếu xích mích ngoài xã hội thì họ đã có vô vàn vật dụng làm binh khí để “tự xử”...


Trong showbiz thì hơi khác, vì bản thân ngành này chưa có luật chắc chắn nên nếu em nào mà có một hành động gọi là “phản cảm” thì lập tức người thi hành luật sẽ không phải là cơ quan công quyền mà là truyền thông và…dư luận. Các ký giả thay vì viết bài phân tích về nghề nghiệp, họ sẽ biến thành những chiến binh trên mặt trận pháp lý với nắm đấm hô vang : “Phạt, phạt…!” và lôi kéo được cả đám độc giả (chứ không phải khán giả) vào hùa theo. Nhà quản lý không cần ra luật, cũng chẳng cần theo dõi “phản cảm” là gì mà cứ dựa theo phản hồi của truyền thông và dư luận mà quyết sẽ phạt hay không và phạt bao nhiêu. Căng quá thì nhà quản lý sẽ có những buổi họp cấp cao hơn để ra những chỉ thị hay nghị quyết phù hợp tùy tình hình.

Nhưng tệ nhất là chính những nữ nghệ sĩ tội nghiệp chịu án phạt kia thường dễ dàng mắc lại, chẳng phải vì án phạt thấp hay cao như dư luận nói mà vì thứ nhất, họ chẳng biết theo luật thì thế nào gọi là phản cảm, thứ hai họ cũng không biết lần sau làm thế nào để không bị phạt nữa, hở hay kín đến đâu cho vừa. Và điều quan trọng nhất khiến họ không tâm phục, khẩu phục về cái tội “truyền bá” hay “lộ hàng” bởi vì những động tác bốc lửa hay trang phục  mát mẻ của họ  đôi khi mục đích chỉ làm đám khán giả vài trăm đến cả ngàn người phấn khích theo âm nhạc, thế mà lời kết tội họ có khi lại chỉ đến từ những bức hình báo mạng và hàng triệu độc giả khác chẳng hề xem chương trình. Vậy thì ai mới chính là kẻ “truyền bá” những hình ảnh đó?  Nếu chỉ là tang chứng để phạt thì họ đưa cho nhà quản lý nhắc nhở là đủ, đăng báo làm gì?

Cái gọi là luật trong ngành văn nghệ ở đây rất lạ: Nghệ sĩ (nhất là nữ) bị cấm diễn nội y, đồ bơi và hở hang trên sân khấu, nhưng họ lại hoàn toàn tự do làm điều đó trên truyền thông mạng! Trên báo mạng thì mát mẻ, nội y, áo tắm tới cỡ nào cũng có. Chắc là họ bị cấm diễn trên sân khấu chẳng phải vì thuần phong mỹ tục gì mà đơn giản là họ sẽ làm đám đông “mắc cỡ tập thể”. Những thứ tương tự người ta chỉ có thể xem thoải mái một mình hoặc nhóm nhỏ trên báo hay laptop chứ ai lại mang ra giữa đám đông như thế thì ngượng chết ! Ở đây cái gì cánh đàn ông thích nhìn nhất thì sẽ dễ bị cấm nhất. Đám đông thường chỉ lên án phụ nữ, chẳng thích kết tội đám mày râu. Cũng chính vì vậy, một phóng viên có thể bị ăn đòn vì muốn đưa những tin tức về xã hội nhưng phóng viên khác có thể thành người hùng đạo đức chỉ vì đưa vài tấm hình độc, hở hang của chị em lên mạng như một chứng cứ, một chiến tích kể tội phụ nữ, nghệ sĩ nữ và kêu gọi đám đông ném đá theo.

Nạn mại dâm ở đây cũng đã biến tướng thành cao cấp hơn, tinh vi hơn,   được “xã hội hóa” đổi tên thành “chân dài – đại gia”. Trong các cuộc truy quét nhưng tụ điểm ăn chơi và bắt quả tang mại dâm, bao giờ cũng có cả bên mua và bên bán, thế nhưng (có lẽ) để câu khách, người ta chỉ thích đưa những hình và cả video “bên bán” của các cô gái không mảnh vải che thân lên truyền thông chứ không phải là những “mày râu”. Ở đây dân gian người ta vẫn nói “Có cầu ắt có cung”, hay “Thuận mua vừa bán”, nhưng riêng trong lĩnh vực này kẻ đi sau (kẻ cung, kẻ bán) dường như bị coi là nguy hiểm, tội nặng hơn kẻ đi trước. Có lẽ vì vậy nên kẻ bán thân lấy tiền thường bị phạt gửi đi trại cải tạo phục hồi nhân phẩm, còn người mua chỉ bị phạt cảnh cáo và cho về. Chuyện này quá bất công! Thực chất để dẹp chuyện này rất đơn giản là chỉ cần làm ngược lại: Đưa hình ảnh người mua lên báo và cho đi trại cải tạo, người bán thì phạt tiền nặng là sẽ bớt hẳn tệ nạn, chỉ phiền là quĩ đất xây trại cải tạo sẽ không đủ.

Lại nói tới chuyện “chân dài- đại gia” ở đây, chỉ một vài em chân dài bất cẩn và thật thà khai ra các mối quan hệ của mình thì đời em sẽ tan tành vì dư luận. Cả một làn sóng những ngừời lên án “lối sống bám, sống gửi” sẽ lập diễn đàn cả tháng trời để ném đá các em cho chết. Nhưng em ấy sống bám vào ai nhỉ? Không lẽ vào cha mẹ? Các em ấy nuôi cả cha mẹ và gia đình đấy chứ! Ai cũng hiểu các ẻm bám vào đâu, nhưng chẳng ai có ý định và có thể ném đá những kẻ cho người khác sống bám. Vì sao? Nếu các em gái sống bám ấy cổ súy cho một lối sống sai lầm và thiếu đạo đức cho giới trẻ thì hẳn những “tay đại gia” cho người khác bám ấy không những làm băng hoại đạo đức xã hội mà còn tiếp tay cho giới trẻ hư hỏng thêm bằng những đồng tiền bẩn của mình. Vậy sao không ai dám nói về những kẻ đó? Chẳng phải vì họ khôn hơn, làm mà không nói hay sao?

Có thể truyền thông lẫn dư luận dốt, hoặc mù quáng, hoặc hèn nhát, tham tiền  hay đạo đức giả, điều đó còn phân tích dài dài, nhưng trước hết, rõ ràng cơ thể, hình ảnh của phụ nữ đang được đưa ra ngày càng nhiều thành món hàng kiếm tiền. Có thể tự họ bán mình vì người mua đông quá, có thể họ vô tình thành “hàng” một cách bất đắc dĩ nhưng vấn đề lớn nhất là những kẻ chuyên mở miệng lên án kia lại đang tiếp tục biến phụ nữ thành hàng hóa cho truyền thông để kinh doanh trá hình, thậm chí công khai như với những tên gọi đạo đức và nghệ thuật.

Hãy đấu tranh để cho phụ nữ một cơ hội bình đẳng với truyền thông và dư luận, và trên hết, với pháp luật chứ không phải những cảm tính của đám đông!”…

Ở phần kết báo cáo, thấy chua thêm mấy dòng như sau: Khi chúng tôi đề cập tới những vấn đề nói trên với người dân ở đây, phản ứng của hai giới rất khác nhau : Phụ nữ nghe xong lập tức lao vào cuộc kết tội nhau mới, say sưa như lần đầu ; còn Đàn ông chỉ im lặng tủm tỉm cười, mắt họ vẫn dán vào màn hình mấy trang báo mạng xem... show “hàng”.

 Chuyên gia GPRS

 (Người viết chuyện đùa như thật của làng Showbisz)

>>Đọc các bài viết của GPRS tại đây
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN