TTVH Online

Ngày hội đọc sách thế giới: Xóm Điếm có thơ

21/04/2012 08:25 GMT+7

Dịch giả Đoàn Tử Huyến, tóc bạc lòa xòa, đeo máy ảnh nhà nghề sau chuyến đi Ba Vì về chiều 14/4 báo với tôi hung tin: “Sắp làm đêm ra mắt thơ Xóm Điếm” lại “bồi thêm”: “Xóm Điếm mà cũng có thơ” (cười).

(TT&VH) - Ai đó giật mình khi nghe tên cuốn sách, tưởng đó là tập phóng sự về tệ nạn xã hội hay đề tài “nhạy cảm” và sẽ còn giật mình lần nữa khi biết, đây là tên tập thơ mới nhất của 5 người cùng quê, đang sống ở 3 miền đất nước. Xóm Điếm là sách in chung của 5 nhà thơ xuất thân từ Xóm Điếm này.

Dịch giả Đoàn Tử Huyến, tóc bạc lòa xòa, đeo máy ảnh nhà nghề sau chuyến đi Ba Vì về chiều 14/4 báo với tôi hung tin: “Sắp làm đêm ra mắt thơ Xóm Điếm” lại “bồi thêm”: “Xóm Điếm mà cũng có thơ” (cười).

Xóm Điếm không chỉ có thơ, mà có nhiều tên tuổi của một làng khoa bảng nức tiếng nước Việt: làng Quỳnh, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.



Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Dương Huy, Hồ Phi Phục, Văn Như Cương, Dương Danh Dũng trong buổi ra mắt thơ Xóm Điếm. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Xóm ở đầu làng, có chiếc điếm canh, nên dân từ xưa quen gọi là “Xóm Điếm”. Đường đất quanh co trong ngôi làng nghèo mà trù phú nhân tài, giờ đã đổ bê tông chạy thẳng, điếm canh đã bị đập tan để làm đường quốc lộ 1A chạy qua làng ra biển. Bốn lũy tre như thành lũy thủy chung quanh làng Quỳnh cũng đã bị phá trụi từ lâu.

Xóm Điếm có một người con kiệt xuất: nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Đã là người Nghệ, ai cũng tự hào nhắc đến Hồ Xuân Hương, hình như ai cũng có một Hồ Xuân Hương làm “bệ phóng” tâm hồn mà làm thơ. Đội ngũ văn sỹ Nghệ An nói chung và làng Quỳnh nói riêng, dễ kể ra hùng hậu. Thơ của các nhà thơ xứ Nghệ bấy nay luôn nổi trội phẩm tính “Nghệ” mạnh mẽ, lý tính và có hơi ngang gàn khí chất “ông đồ”.

Buổi ra mắt tập thơ Xóm Điếm (225 trang, 123 bài NXB Hội Nhà văn, 4/2012) đã diễn ra xôm tụ, tại Thư viện café Đông Tây (11A Trần Quý Kiên, Cầu Giấy, Hà Nội), vào tối thứ Năm 19/4 vừa qua. 5 tác giả cùng một xóm thơ (gồm Phó giáo sư toán học Văn Như Cương, nhà thơ Hồ Phi Phục, nhà thơ Dương Huy, nhà thơ Dương Danh Dũng và nhà thơ Lam Giang) như  trên một chiếc “xe tăng thơ” đã tiến vào đời sống văn học đương đại. Tuy nhiên, dụng công “săn tìm” những câu hay để trầm trồ, ám ảnh khó đạt được khi vào “cụm xóm” này.

Lớn tuổi nhất là PGS-TS Văn Như Cương (1939, lại công bố ít nhất: 23 bài). “Văn Như Cương, toán cũng như Cương/ Một cuộc đời hai nửa vấn vương”, ông viết thế khi mở trường, năm 1989. Thơ ông là tâm sự đời thường, tình cảm được giấu nén, chỉ có nhiều cảm khái về thế sự, cuộc sống thì khắc khoải và dữ dội. “Ta không làm mây bay / Ta sẽ làm nước chảy” khi tuổi 20, nửa thế kỷ sau Văn Như Cương vẫn bền bỉ phong thái của một nhà giáo uy danh, vầng trán rộng, chóm râu bạc trắng như đã thành biểu tượng.

Nhà thơ “3D” Dương Danh Dũng vốn là kỹ sư cầu đường, từng giữ chức Cục trưởng ở Bộ GTVT, đang sống ở phường Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ông có bài lục bát Một lần về quê đáng nhớ: “Sông Đồng Nghệ nước đổi màu/ Hương Sen biết có làm đau lòng người/ Mồ cha cỏ lụi hết rồi/ Người xưa còn lại một nồi đất đen/ Tìm con sáo nhặt đường cày/ Thì ra sáo đá bỏ bầy mà đi”.

Ông có cái nhìn tê tái về Hồ Xuân Hương: “Vinh quy chỉ một tấm bia/ Hồn thiêng nữ sĩ đã chia phương nào/ Bàng hoàng trời rụng mưa sao” khi tại quê mình bà chúa Thơ Nôm không được an nghỉ, chỉ có tấm bia: “Mấy đời thi sĩ Quỳnh Đôi/ Câu thơ đóng cọc giữa trời mà lay”.

Cảm xúc về Hồ nữ sĩ, về làng là “đường dây” xuyên suốt, kết chặt 5 tác giả. Nhà thơ Lam Giang (Hồ Sĩ Thành, 1946) đi bộ đội, ở lại Sài Gòn sau giải phóng 1975, hiện thường trú tại quận Gò Vấp, nhớ làng Quỳnh chỉ biết: “Thương quê cả lúc vui buồn/ Hương quỳnh thơm thoảng chập chờn trong mơ”. Ông được bừng lên, trở lại chính mình khi đưa con gái Minh Trâm về thăm quê 1997 “Với con đẹp nhất quê mình” và “hoàn đồng” khi làm mục đồng bằng kí ức “Tuổi thơ về lại trên lưng trâu đằm”.

5 anh em cùng thế hệ, cùng xóm Điếm làng Quỳnh - 5 cành nhánh từ cây trường lưu đất học lẫy lừng. 

Vi Thùy Linh


Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN