TTVH Online

Máy bay tự chế "xâm chiếm" nước Mỹ

04/04/2012 10:40 GMT+7

Những người dân dắt chó đi dạo tại vịnh San Francisco nếu tinh ý có thể nhận thấy chiếc máy bay vẫn lượn vòng vòng trên đầu họ trông rất giống một mẫu máy bay không người lái (UAV) tàng hình của Mỹ.



(TT&VH) - Những người dân dắt chó đi dạo tại vịnh San Francisco nếu tinh ý có thể nhận thấy chiếc máy bay vẫn lượn vòng vòng trên đầu họ trông rất giống một mẫu máy bay không người lái (UAV) tàng hình của Mỹ bị Iran thu được hồi tháng 12 năm ngoái. Ngoài một số điểm khác biệt như chiếc máy bay lạ này chỉ bằng một phần nhỏ của chiếc bị rơi ở Iran và nó làm từ xốp nhẹ, cả hai giống nhau ở chỗ chúng đều là UAV hoàn chỉnh và đều phục vụ cho các mục đích do thám, giám sát.

Có điều chiếc máy bay sải cánh gần 2m bay lượn ở vịnh San Francisco là sản phẩm của các kỹ sư dân sự có tên Mark Harrison và Andreas Oesterer. Cả hai đã chế tạo chiếc UAV của họ trong thời gian rảnh và hiện nó đã có thể tự bay mà không cần ai điều khiển, ở một độ cao cố định và hoạt động trong một phạm vi nhất định nhờ hệ thống định vị vệ tinh GPS.

Một hệ quả văn hóa từ các cuộc chiến

Trong lúc chiếc máy bay lượn lờ trên không, một máy ghi hình cỡ nhỏ treo trước mũi nó sẽ thu lại hình ảnh dưới mặt đất và phát trực tiếp tới người điều khiển. "Chuyện này giống hệt việc ta đang bay lượn, nhưng không phải nhấc mình lên không trung vậy"- Harrison nói.

Hai kỹ sư này là thành viên một làn sóng mới của hàng ngàn người Mỹ đang đua nhau sản xuất các mẫu UAV tự chế. Các nhà quan sát đánh giá đây là một hiện tượng văn hóa đặc biệt, hình thành từ những cuộc chiến mà Mỹ tham gia. UAV là vũ khí ghi dấu ấn mạnh của Mỹ trong thế kỷ 21 và giống như những chiếc Humvee đã hiện diện trên xa lộ Mỹ trong những năm 1990 sau chiến tranh Iraq, ngày càng nhiều người Mỹ quan tâm hơn tới UAV.

Ở Mỹ, làn sóng UAV cá nhân bùng nổ mạnh hơn còn bởi Cơ quan Hàng không liên bang (FAA) sắp triển khai các chính sách khiến máy bay không người lái các cỡ dễ dàng hơn trong việc "lượn lờ" trên bầu trời. Trước đây và cả hiện nay việc sử dụng UAV ở Mỹ được quản lý rất chặt. Ngay cả các cơ quan Chính phủ cũng đều phải có giấy phép của FAA để thực hiện những chuyến bay nội địa và mỗi lần điều khiển UAV họ đều phải xin phép. Việc sử dụng UAV cho mục đích thương mại bị cấm, ngoại trừ một số mẫu máy bay thử nghiệm do các công ty đang nghiên cứu chế tạo. Tuy nhiên các nghị sĩ Mỹ đã đề nghị FAA cho phép công dân tự do điều khiển UAV bay trên trời vào tháng 9/2015. FAA sẽ có bước đi đầu tiên theo hướng này trong năm nay, bằng việc đề xuất các quy định cho phép sử dụng hạn chế UAV thương mại cỡ nhỏ.

Mark Harrison (phải) và Andreas Oesterer đang tích cực tinh chỉnh
một mẫu UAV do họ tự chế tạo trong thời gian rảnh rỗi

Khả năng ứng dụng đa dạng

Khỏi phải nói tin tức UAV sẽ sớm được sử dụng một cách tự do đã khiến người Mỹ phấn chấn thế nào. Trong số những người muốn sử dụng lợi ích của UAV có các phóng viên. Họ đang nóng lòng muốn gắn máy ảnh và thiết bị ghi hình vào một loại UAV chỉ nhỏ bằng miếng bánh pizza và có giá chừng 400 USD. Để tiện so sánh, mức giá này vừa đủ để người ta thuê trực thăng bay trong một giờ, với hy vọng chộp được một bức ảnh đẹp nào đó.

Và khi quy định mới về UAV còn chưa xuất hiện, người Mỹ đã "lách luật" bằng cách sản xuất UAV tự chế, dựa trên những chiếc máy bay mô hình. Tại khu vực vịnh San Francisco, các nhà hoạt động thuộc nhóm Chiếm Phố Wall đã chế tạo cái gọi là UAV Occucopter nhằm giám sát hoạt động của cảnh sát chống lại người biểu tình. Còn ở Idaho, các nhà bảo tồn sinh vật hoang dã cũng đã sử dụng UAV tự chế để đếm các lưới đánh bắt cá, sau một vụ rơi trực thăng làm 2 đồng nghiệp của họ và một phi công thiệt mạng. Ngoài ra người ta cũng đang tích hợp ngày càng nhiều công nghệ mới vào UAV tự chế để chúng trở nên hiệu quả hơn. Đơn cử như một số nhà nghiên cứu đang muốn trang bị các cảm biến hồng ngoại cho UAV để chúng có thể phát hiện những vùng đất khô hạn nằm ngầm dưới các vườn cây ăn quả.

Những người đam mê UAV tự chế nói rằng giá của chúng đã hạ rất mạnh trong 2-3 năm qua, chủ yếu bởi sự phổ biến của điện thoại thông minh. Những con chip điện thoại thông minh sử dụng để xác định xem nó đang nằm theo phương ngang hay phương dọc, hoặc tự định vị trên bản đồ, cũng chính là những con chíp được sử dụng để giúp UAV tự chế có thể bay thẳng, bay đứng im một chỗ hoặc bay đúng hướng.

Ngày càng nhiều các nhà sản xuất đã tung ra thị trường những con chíp này, khiến giá của chúng rớt rất nhanh. "Hôm nay nếu bạn cầm trong tay một chiếc iPhone hay Android, bạn đơn giản sẽ có một hệ thống điều khiển bay tự động nằm trong túi" - Chris Anderson, Tổng Biên tập tạp chí công nghệ Wired nhận xét. Ông còn là sáng lập viên của DIY Drones, một cộng đồng mạng và là một công ty chuyên bán các phụ tùng UAV cho những người đam mê.

Anderson thành lập DIY Drones hồi năm 2007 sau khi dành thời gian nghỉ cuối tuần để chế tạo một rô bốt Lego chạy điện và còn chơi trò điều khiển máy bay mô hình với con cái. Kết quả là rô bốt không gây ấn tượng gì với lũ trẻ, còn chiếc máy bay thì quá khó điều khiển. Vậy là ông bèn dùng thiết bị trong rô bốt Lego để chế tạo ra một hệ thống lái tự động rất sơ khai. Khi gắn vào chiếc máy bay, nó đã hoạt động vô cùng hoàn hảo. Trong vài tuần, chiếc máy bay tự hoạt động này đã khiến lũ trẻ rất thích thú, còn Anderson thì bị ám ảnh bởi ý tưởng kinh doanh UAV dân sự.

Nguy cơ xâm phạm riêng tư

Tuy nhiên, một bộ phận dư luận khác ở Mỹ lại bày tỏ lo ngại sự riêng tư của họ sẽ bị xâm phạm bởi những chiếc UAV kiểu này. "Mối quan tâm của chúng tôi liên quan tới mọi mẫu UAV. Chúng tôi tin chúng đều có khả năng đe dọa sự riêng tư ở những mức độ nhất định" - Jennifer Lynch, một luật sư của Quỹ Electronic Frontier chống lại UAV tuyên bố. Bà cũng chỉ ra rằng máy bay nhỏ vốn đã khó nhận thấy thì việc phát hiện UAV càng khó hơn, bởi chúng hoạt động ở độ cao rất lớn, khiến người ta không biết họ đang bị theo dõi. Lynch đã đâm đơn kiện FAA vì đã cho phép UAV được bay tại Mỹ.

Theo một cuộc thăm dò do Silicon Valley và tuần báo San Jose Business tiến hành, có 45% người được hỏi không muốn bất kỳ loại UAV nào bay lượn trong nước Mỹ. Nhưng 30% cho rằng chuyện vẫn ổn thỏa chừng nào các UAV này được điều phối chặt để nó không vi phạm sự riêng tư cá nhân và 21% bày tỏ tin tưởng vào một "tương lai khó tránh của UAV dân sự". Bộ phận này nói rằng UAV dân sự sẽ có ích với con người nhiều hơn là mang lại tác hại.

Cá nhân Anderson nói rằng an toàn hiện là mối quan tâm hàng đầu của công ty ông.  Anderson chỉ ra rằng nếu điều khiển UAV không tốt, người ta có thể gây ra thảm họa nghiêm trọng nếu chẳng may nó va chạm với một chiếc máy bay. Anderson đã bày tỏ sự ủng hộ việc FAA muốn quản lý chặt UAV theo một số quy định đã được xây dựng trong những năm 1970 . Các quy định này dùng để quản lý những người chơi máy bay mô hình, nhưng cũng đang có tác dụng với các UAV thời hiện đại. Chúng bao gồm việc UAV tự chế sẽ bay cao không quá 120 mét, phải luôn nằm trong tầm mắt của người điều khiển và không được bay vào các khu vực đã được xây dựng hoàn chỉnh.

Trong lúc đó tại Berkeley, California, Harrison và Oesterer vẫn tích cực chỉnh sửa các phần mềm và thiết bị nhằm giúp UAV của họ ở trên không lâu hơn. Điều khiến họ đau đầu nhất là nguồn năng lượng. UAV của họ sử dụng các viên pin laptop nhẹ cân để bay, nhưng lượng điện nó trữ được không nhiều và UAV thì rất ngốn điện. Tuy nhiên, cả 2 tin rằng những phi công UAV tương lai sẽ không cần bằng cấp gì trong ngành kỹ thuật điện hoặc khoa học máy tính để giúp UAV bay lên trời. "Tôi cho rằng chúng ta đang tiến rất gần tới ngưỡng 'cắm và bay' trong lĩnh vực UAV" - Oesterer tự tin tuyên bố.

Tường Linh

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN