TTVH Online

Sự xuống cấp văn hóa của làng thể thao Việt Nam: Có ai “dạy” đâu mà... “mất”!?

02/04/2012 08:02 GMT+7

Cầu thủ, huấn luyện viên chửi bậy, thậm chí trên những sân như: Hàng Đẫy (Hà Nội), Lạch Tray (Hải Phòng) có mùa từng nổi tiếng với cả “dàn đồng ca chửi” của các cổ động viên đã chẳng còn là chuyện lạ.

(TT&VH Cuối tuần) - Cay mũi vì vụ Tăng Tuấn bỏ phố núi về đất Thủ hồi trước mùa giải 2012, bầu Đức xổ toẹt: “Cầu thủ bây giờ nhiều đứa càng lớn càng… mất dạy”, mà ai cũng thừa hiểu, cái sự “mất dạy” kia chẳng hề nằm ở số tiền vài tỷ đồng chuyển nhượng chênh lệch mà thực chất là cái phông văn hóa bóng đá đang tụt lùi. Chỉ có điều, nếu nhìn vào hàng loạt scandal đang nổ ra trong làng thể thao Việt, thì e là trong giới quần đùi - áo số, có người “dám” bật lại ông bầu giàu có này rằng - Đã có ai “dạy” chúng tôi đâu mà kêu... “mất dạy”!

Từ chuyện cả làng cùng... chửi

Cầu thủ, huấn luyện viên chửi bậy, thậm chí trên những sân như: Hàng Đẫy (Hà Nội), Lạch Tray (Hải Phòng) có mùa từng nổi tiếng với cả “dàn đồng ca chửi” của các cổ động viên đã chẳng còn là chuyện lạ. Thế nhưng sự xuống cấp về văn hóa bóng đá mùa này xem ra còn trầm trọng hơn nhiều, khi cái sự “chửi” kia giống như thứ virus lan nhanh đến chóng mặt, chẳng còn chừa bất kỳ ai trong đời sống bóng đá Việt Nam.

Đỉnh điểm của thứ “trào lưu” này chính là màn chửi bới tục tĩu của cầu thủ Hoàng Danh Ngọc khiến hàng triệu khán giả truyền hình phải sốc khi theo dõi trực tiếp trận cầu giữa Xi măng The Vissai Ninh Bình và Sài Gòn FC ở vòng đấu thứ 10 V-League trên kênh VTV3. Chưa hết, ngay tới vòng đấu kế tiếp, vòng 11 V-League gần đây cũng trên sóng truyền hình quốc gia, lại thêm cảnh hậu vệ Quốc Long (Hà Nội T&T) sau khi phải nhận thẻ đỏ rời sân trong trận gặp Hoàng Anh Gia Lai liền xông đến trước mặt trọng tài Ngô Quốc Hưng chửi bới, hăm dọa.


Cầu thủ Hoàng Danh Ngọc khiến hàng triệu khán giả truyền hình phải sốc vì màn chửi bới tục tĩu

Mà đâu chỉ có cầu thủ, đến ông Chủ tịch CLB Sài Gòn FC Nguyễn Ðức Thụy cũng tại V-League từng nhảy xổ từ khán đài xuống sân mà “phun châu, nhả ngọc” vào giữa mặt trọng tài. Hay như ở vòng 10 vừa qua có thêm hành vi khó coi của Phó chủ tịch CLB Thanh Hóa Nguyễn Trọng Hoài khi chỉ thẳng tay vào mặt trọng tài Hoàng Phạm Công Khanh để phản ứng sau trận với chủ nhà Kienlongbank Kiên Giang...

Sự xuống cấp về văn hóa bóng đá là... không mới và chuyện phản ứng với các quyết định của trọng tài âu cũng là dễ hiểu. Chỉ có điều, khi mà cả làng bóng đá cùng thi nhau “chửi” và coi sự “chửi” kia trở thành... lẽ thường thì quả là đáng để mà báo động. Lẽ ra phải làm gương, thì chính những người lãnh đội đội bóng đáng bậc cha, chú lại sẵn sàng đứng ra “ăn thua đủ”, hoặc tìm mọi cách để bảo vệ cho những hành vi vô văn hóa của cầu thủ mình. Lời trần tình của chính cầu thủ Danh Ngọc với báo chí là minh chứng cho cái kiểu “làm gương” ấy - Chuyện chửi thề thì trong bóng đá là bình thường, thế giới cũng có!?

Rồi trước những hành vi này cần phải có những án phạt nghiêm khắc đủ sức răn đe, thì tiếc thay chỉ là cách làm đối phó. Hàng triệu CĐV bức xúc, báo chí lên tiếng và chứng cứ thì rành rành, vậy mà sau vụ mổ băng trận XM. Ninh Bình - Sài Gòn FC, ông Trưởng ban kỷ luật VFF lại tuyên bố “nhẹ tênh” - Chả nghe thấy tiếng chửi (của cầu thủ Danh Ngọc)... và nếu chửi trọng tài, thì là chuyện của Ban Trọng tài!? Chỉ đến khi sức ép từ dư luận tăng thêm, Danh Ngọc mới phải nhận án. Làm thế, thử hỏi, bóng đá Việt có chuyên nghiệp được không và chuyên nghiệp đến đâu với cái môi trường mà yếu tố con người cùng nền tảng văn hóa bị đặt xuống hàng thứ yếu?

Đến sự mất mặt của thể diện quốc gia

Nếu sự xuống cấp về văn hóa bóng đá giống như vết ố đậm màu nhưng vẫn được che dưới lớp áo chuyên nghiệp, thì đúng vào dịp tròn 66 tuổi của mình, những scandal khác đang làm thể thao Việt Nam phải mất mặt - mất mặt bởi “cái mất” ở đây lại là thể diện quốc gia, mà dân trong nghề vốn thường gọi là màu cờ sắc áo.

Vụ 2 tuyển thủ rowing quốc gia bỏ trốn trong chuyến tập huấn tại Australia thực sự gây chấn động bởi chẳng ai có thể nghĩ rằng, tới lúc này khi mà thể thao Việt Nam hội nhập sâu đến thế với đấu trường thế giới mà vẫn còn diễn ra những chuyện tưởng chỉ có ở thuở “hồng hoang”. Tất nhiên, trong công tác quản lý, thì việc quản lý con người là khó nhất và chính những cán bộ quản lý thể thao đã phải thừa nhận, việc đưa vận động viên, huấn luyện viên ra nước ngoài thi đấu, tập huấn dù đã áp dụng những biện pháp chặt chẽ nhất, nhưng vẫn lo ngay ngáy khi mà việc bỏ trốn đã từng có tiền lệ. Chính ông Hoàng Vĩnh Giang - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam, nhân vật được xem là “già jeux” nhất của làng thể thao Việt Nam cũng vừa thừa nhận tình trạng này trong chương trình truyền hình gần đây và lý giải tại sao, mình chỉ thích đưa quân đi Trung Quốc (cho dễ quản lý) thay vì tới châu Âu, hoặc các nước phát triển vì sợ vận động viên... bỏ trốn!

Đành rằng, tất cả các vụ bỏ trốn trước đây và của 2 tuyển thủ rowing gần đây đều xuất phát từ mục tiêu mưu sinh, kinh tế, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng ở đây còn liên quan cả tới nền tảng văn hóa, giáo dục của vận động viên bị buông lỏng. Thực tế là trong rất, rất nhiều môn thể thao đỉnh cao hiện nay, yếu tố chuyên môn, thành tích luôn được đặt lên hàng đầu mà xem nhẹ việc giáo dục văn hóa, giáo dục ý thức cùng tinh thần màu cờ sắc áo. Với giới thể thao đã từ lâu luôn tồn tại thứ được xem như “công thức”: Là vận động viên thì chẳng cần quá tập trung vào chuyện học văn hóa - hết thi đấu thì được ưu tiên vào học Đại học Thể dục thể thao để sau này ra lại làm huấn luyện viên, cán bộ! Nhưng than ôi, có mấy ai đi được hết con đường này... dù biết văn hóa là thứ hành trang duy nhất có thể giúp họ đủ sức trở lại với đời thường khi giã nghiệp.

Và cũng chẳng thể phủ nhận rằng tuổi đời vận động viên thể thao đỉnh cao là quá ngắn ngủi trong lúc sức ép kinh tế thì hiện hữu. Việc thiếu sự chăm lo, giáo dục cần thiết và cả chế độ đãi ngộ xứng đáng trong cả quá trình tập luyện, thi đấu vất vả, thậm chí là cách hành xử kiểu “vắt chanh, bỏ vỏ”, “quân anh, quân tôi”... cũng là nguyên nhân khiến dẫn tới quyết định mù quáng, đáng trách của không ít vận động viên.

Ở một mức nào đó, thì chuyện lùm xùm đáng buồn trong nội bộ đội tuyển bơi lội Việt Nam đang tập huấn tại Mỹ cũng xuất phát từ những nguyên nhân này. Chuyện kình ngư Hoàng Quý Phước, từ chỗ là chàng trai nghèo vượt khó được xem là hình ảnh đại diện cho thể thao Việt Nam bỗng “mắc bệnh sao” vẫn còn là thông tin cần xác minh đầy đủ, nhưng chắc chắn, sự sa sút của tuyển thủ đã đạt chuẩn B Olympic này còn xuất phát từ chính mối mâu thuẫn âm ỉ kéo dài giữa các ông thầy, những người mà lẽ ra phải làm gương cho học trò của mình.

Mỗi khi xảy ra những scandal liên quan đến văn hóa của vận động viên, cái mà các nhà quản lý thể thao Việt lại nhắc đến nhiều nhất là “tăng cường công tác giáo dục đạo đức, chính trị, tư tưởng”! Nhưng từ năm 2005, ông Lê Bửu - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao - đã từng trao đổi với báo chí rằng: “Chưa bao giờ vấn đề giáo dục đạo đức, ý thức nghề nghiệp... cho vận động viên bị thả nổi như hiện nay”. Ông Lê Bửu còn nói thêm sau vụ các tuyển thủ U23 bán độ tại SEA Games 23: “Sau khi tuyển chọn được vận động viên có năng khiếu, việc trước tiên là phải giáo dục đạo đức, ý thức nghề nghiệp, văn hóa; song song đó là dạy kỹ thuật, chiến thuật, huấn luyện thể lực và cuối cùng mới là thi đấu. Trong thực tế, người ta chỉ tập trung cho ăn no, tập đá bóng và thi đấu!”. Lời nhận xét ấy xem ra đến nay vẫn... đúng!


Vũ Minh
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN