TTVH Online

Trinh tiết không là thước đo phẩm giá

10/03/2012 14:14 GMT+7

Những ngày qua, dư luận xôn xao về vụ trả lại cô dâu ở Cần Thơ vì cho rằng cô gái này “không còn trinh trắng”. Thực tế, không chỉ cô dâu trên mà nhiều phụ nữ trong xã hội cũng đang là nạn nhân của quan niệm trinh tiết.

(TT&VH) - Những ngày qua, dư luận xôn xao về vụ chú rể Nguyễn Phúc Duy (ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) trả lại cô dâu Nguyễn Thị Xuân Thùy vì cho rằng vợ mình “không còn trinh trắng”. Thực tế, không chỉ Xuân Thùy, nhiều phụ nữ trong xã hội cũng đang là nạn nhân của quan niệm trinh tiết thái quá trên.

TS Khuất Thu Hồng

Xung quanh vấn đề này, TT&VH đã có cuộc trao đổi với TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), chuyện gia nghiên cứu về giới, tình dục, sức khỏe tình dục và HIV/AIDS.

Bằng chứng về văn hóa cởi mở tình dục ở Việt Nam

* Thưa TS, quan niệm về tình dục, trinh tiết người phụ nữ trong xã hội ta từ xưa đến nay như thế nào?

- Theo tôi, việc người xưa coi trọng trinh tiết có thể bắt nguồn từ lý do kinh tế. Những gia đình giàu có muốn đảm bảo tài sản của họ phải được truyền lại cho con đẻ của mình. Chính vì vậy tình dục của phụ nữ bị kiểm soát chặt chẽ trước và trong hôn nhân. Dần dần các quy tắc, chuẩn mực xung quanh trinh tiết của phụ nữ được hình thành. Trinh tiết trở thành giá trị của người phụ nữ. Trong khi đó nam giới lại được phép tự do trong tình dục. Họ cũng là thủ phạm nhưng người bị trừng phạt lại là phụ nữ. Người ta đề ra những lối hành xử độc ác như “cạo trọc bôi vôi”, “đóng bè thả sông” những cô gái lỡ trao thân, có con ngoài giá thú.

Nho giáo, mà chủ yếu là Tống Nho, từ thế kỷ 10 vì phục vụ cho tầng lớp thống trị và lợi ích của đàn ông, càng nhấn mạnh những đòi hỏi về tiết hạnh đối với phụ nữ, củng cố tư tưởng trọng nam khinh nữ. Các nhà văn hóa Trung Hoa từ cuối thế kỷ 19 đã gọi những quy định khắt khe về tiết hạnh của phụ nữ là “sát nhân, ăn thịt người”.

Ở Việt Nam, hồi đầu thế kỷ 20 Phan Khôi và một số nhà văn hóa khác cũng phê phán các quy định như vậy là “ngang ngược” và đề xướng phế bỏ những quy định vô nhân đạo đối với phụ nữ. 

Mặt khác, có nhiều bằng chứng cho thấy đã từng tồn tại một nền văn hóa cởi mở về tình dục ở Việt Nam. Tôi có thể dẫn ra các nghiên cứu về văn hóa truyền thống cho thấy ở nhiều địa phương, vào một số dịp lễ hội, nam nữ thanh niên và cả những người đã có gia đình được phép quan hệ tình dục tự do. Những đứa trẻ sinh ra từ các cuộc tình ngắn ngủi như vậy được coi là lộc trời, là điều may mắn cho làng, xã. Như vậy chứng tỏ ngay cả trong xã hội Việt Nam trước đây không phải lúc nào giá trị của người phụ nữ cũng bị gắn với trinh tiết.

* Theo các nghiên cứu của ISDS, quan niệm về trinh tiết người phụ nữ trong xã hội Việt Nam đã thay đổi như thế nào?

- Quan niệm về trinh tiết người phụ nữ trong xã hội Việt Nam đã thay đổi nhiều. Tình trạng quan hệ tình dục trước hôn nhân ngày càng tăng và xã hội cũng đã chấp nhận điều đó, nhất là ở đô thị. Về những cặp “ăn cơm trước kẻng” nhưng rồi vẫn đi đến hôn nhân thì mọi người thậm chí còn coi là bình thường.

Một số nghiên cứu về nhân khẩu và sức khỏe ở Việt Nam cho thấy có một tỉ lệ đáng kể những đứa trẻ được sinh ra dưới 9 tháng sau ngày cưới. Điều đó chứng tỏ rằng có nhiều cặp quan hệ tình dục trước khi làm đám cưới. Mặt khác, chúng ta cũng biết rằng ngày nay không phải tất cả mọi người đều kết hôn với người yêu đầu tiên của mình. Thực tế là như vậy nhưng một số người vẫn tỏ ra bất công khi muốn kiếm soát phụ nữ, trong khi lại dễ dãi với nam giới.

Hiện nay, xã hội cũng cởi mở hơn đối với quan hệ tình dục trước hôn nhân. Giới trẻ và cả các thế hệ lớn tuổi cũng cho rằng tình dục tự nguyện trên cơ sở tình yêu là có thể chấp nhận được. Chính vì vậy nên nhiều người không còn coi trinh tiết là thước đo phẩm giá của phụ nữ. Những người có đầu óc tỉnh táo một chút thì chấp nhận rằng nếu họ tán thành đàn ông quan hệ tình dục trước hôn nhân thì họ không nên đòi hỏi trinh tiết ở phụ nữ.

Tuy vậy, vẫn còn một số người đàn ông ích kỷ và hủ bại khăng khăng đòi hỏi phụ nữ phải giữ gìn trinh tiết trong khi bản thân họ lại muốn có kinh nghiệm tình dục phong phú. Chính vì thế mới dẫn đến sự ra đời của dịch vụ vá màng trinh – một sự nhạo báng thói ích kỷ hủ bại của họ.

* So với các nước khác, nhất là các nước phương Tây, theo TS, quan niệm của chúng ta ở mức độ nào, “thoáng” hay còn “nặng nề”?

- So với nhiều nước, kể cả một số nước trong khu vực, quan niệm về trinh tiết của một bộ phận người Việt Nam còn nặng nề. Điều đó dẫn đến một số vụ việc đáng tiếc như xúc phạm người vợ mới cưới, ghen tuông, bạo hành, ly hôn …

Những anh chồng và gia đình nhà chồng không tôn trọng hoặc xúc phạm người vợ/con dâu vì trước đó cô ấy đã có một tình yêu khác là những người ích kỷ và cổ hủ đến tức cười. Họ càng đáng trách hơn nếu người chồng cũng đã từng có quan hệ tình dục trước hôn nhân với người con gái khác.


Vụ đại gia trả dâu làm xôn xao dư luận. Ảnh Internet

Tôi không ủng hộ cũng không phản đối…

* Về các thống kê tỷ lệ quan hệ trước hôn nhân hằng năm, theo TS, các con số này có đáng tin cậy?

- Vì vẫn còn một bộ phận người Việt Nam không chấp nhận tình dục trước hôn nhân nên nhiều người vì sợ bị đánh giá, không muốn thừa nhận rằng mình đã có quan hệ tình dục trước hôn nhân. Do đó số liệu nghiên cứu về chủ đề này thường là không phản ánh đầy đủ thực tế.  Điều đó không  phài là lỗi của cuộc nghiên cứu mà cho thấy rằng xã hội ta chưa thực sự cởi mở về tình dục.

Tôi không ủng hộ cũng không phản đối quan hệ tình dục trước hôn nhân. Tôi cho rằng mỗi người có quyền tự quyết định khi nào họ muốn điều đó xảy ra và  mong muốn của tôi là họ ý thức được trách nhiệm với bản thân và với người liên quan khi đi đến quyết định đó.

* Không ít người vẫn thực sự đặt nặng vấn đề trinh tiết người phụ nữ? Như việc trả lại cô dâu do “không còn trinh trắng” ở Cần Thơ vừa qua, hoặc có vụ án giết cô dâu cũng vì lí do trên. TS nghĩ gì về điều này?

- Tôi rất bất bình về vụ việc trả lại cô dâu ở Cần Thơ. Tôi cho rằng đó là một hành vi vô đạo đức, thiếu đạo lý và vi phạm pháp luật. Vô đạo đức vì coi người phụ nữ như món hàng. Thiếu đạo lý vì chính người chồng đã đòi hỏi quan hệ tình dục trước đám cưới, đồng ý cưới, cam kết trước hai họ, trước bàn thờ gia tiên rồi sau đó lại “trả” vợ như trả một món hàng phế phẩm. Vi phạm pháp luật vì dù là chưa đăng ký nhưng đám cưới đã được tổ chức công khai với sự chứng kiến của nhiều người – như vậy là đã có hôn nhân thực tế. Trong khi đó người chồng lại kết hôn với người khác. Như vậy là anh ta đã vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. 

Hơn nữa, anh ta đã rêu rao về vụ clip sex trong khi chưa xác định nhân vật trong đó có chính xác là vợ mình không. Việc coi trọng chữ trinh đến như thế không chỉ là cổ hủ mà còn mất nhân tính. Đó là hành vi chà đạp nhân phẩm người phụ nữ.

* Việc nhiều nam giới đòi hỏi quan hệ tình dục trước hôn nhân, nhưng lại đòi hỏi người yêu của mình còn trinh trắng. TS có ý kiến gì với những nam giới như vậy? Trong hoàn cảnh ấy người con gái nên xử sự thế nào?

- Khi một người con gái yêu một người con trai thì điều quan trọng nhất là tình yêu của hai người đối với nhau kể từ giờ phút đó. Không ai là người có lỗi nếu trước đó họ đã từng yêu người khác. Không ai phải có trách nhiệm phải giải trình với người kia nếu họ không muốn. Nếu một người yêu cầu người kia giải trình thì bản thân người đó cũng phải giải trình về quá khứ của mình. Nhưng không ai có thể bắt người khác “thú nhận” về quá khứ tình cảm của mình trước đây và lại càng không thể xúc phạm người yêu hay vợ/chồng của mình chỉ vì đã từng yêu người khác.

Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội hiện nay vì vẫn còn một số người đàn ông ích kỷ và cổ hủ nên nếu cô gái đã từng có quan hệ tình dục trong mối tình trước, cô ấy nên tìm hiểu xem quan niệm của anh ta về trinh tiết như thế nào. Nếu thấy anh ta quá coi trọng chuyện đó thì có lẽ cô ấy cũng nên cân nhắc có nên đi đến hôn nhân với anh ta hay không. Người đàn ông coi trọng cái màng trinh hơn tình cảm và các giá trị khác của người phụ nữ chẳng đáng để cô ấy phải nuối tiếc.

* Thời đại bùng nổ internet, có không ít phụ nữ gặp cảnh: bị tung tin đồn liên quan đến clip sex dù không có thật. Họ phải làm gì trong trường hợp ấy?

- Họ phải mạnh dạn tìm đến các cơ quan pháp lý để được sự trợ giúp và đòi lại công bằng cho mình.

* Xin  cảm ơn Tiến sĩ!

Thảo Vy (thực hiện)
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN