TTVH Online

Cựu tuyển thủ karate QG Bùi Việt Bằng: Viết tiếp những giấc mơ

08/03/2012 15:55 GMT+7

Với bất cứ VĐV thể thao đỉnh cao nào, để thích ứng với cuộc sống đời thường sau khi từ giã sự nghiệp thi đấu luôn là một công việc khó khăn. Tuy nhiên, Bùi Việt Bằng là một ngoại lệ hiếm hoi.

(TT&VH) - Với bất cứ VĐV thể thao đỉnh cao nào, để thích ứng với cuộc sống đời thường sau khi từ giã sự nghiệp thi đấu luôn là một công việc khó khăn, bởi họ gần như phải làm lại từ đầu trong khi tuổi lại không còn trẻ. Tuy nhiên, Bùi Việt Bằng là một ngoại lệ hiếm hoi, bởi cựu tuyển thủ karate này đã chuẩn bị cho mình một hành trang đầy đủ để vào đời từ lúc còn đang thi đấu.

“Thông minh vận động”

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nếu kể ra những cái tên nổi bật nhất của karate VN thì không thể không nhắc tới Bùi Việt Bằng, nhà quán quân của 3 kỳ SEA Games liên tiếp (22, 23, 24) và từng giành HCB ở giải châu Á tại hạng cân 70kg. Là một trong những VĐV ưu tú nhất của karate VN ở giai đoạn đầu và giữa những năm 2000, nhưng Việt Bằng lại giã từ sự nghiệp thi đấu khá sớm, từ lúc Bằng mới 25 tuổi (Bùi Việt Bằng sinh năm 1983, giã từ sự nghiệp thi đấu vào năm 2008-PV), trong khi nhiều đồng đội cùng thời với Bằng vẫn còn góp mặt ở kỳ SEA Games 26 năm 2011 tại Indonesia vừa qua.

Ngay khi còn đang khoác áo ĐT karate VN, Bùi Việt Bằng đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho tương lai sau này, và bất chấp quỹ thời gian rất hạn hẹp của một VĐV chuyên nghiệp, Bằng vẫn kịp hoàn thành chương trình Higher Diploma Quản trị kinh doanh tổng hợp ở Trung tâm đào tạo Quản trị Kinh doanh Thames trước khi lên đường sang Philippines tham dự SEA Games 23 năm 2005, và Bằng cho rằng khóa học này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với hành trình hòa nhập vào cuộc sống của Bằng về sau.

Bằng tâm sự: “Trong quá trình học như thế thì em phát hiện ra rất nhiều, đặc biệt là những kiến thức trong lĩnh vực phân tích kinh doanh, thì nó rất tương đồng với kiến thức phân tích thể thao. Nhưng mà vấn đề là phần lớn các nhà thể thao của mình đều chưa áp dụng điều đó, đấy là những cái mà em nghĩ là thiệt thòi của VĐV”.

Là một trong những VĐV thể thao hiếm hoi có ý thức nghiêm túc với chuyện học hành, Bùi Việt Bằng hiểu rằng chỉ có học tập và học tập mới bảo đảm cho mình một cuộc sống ổn định trong tương lai. Ít ai biết rằng khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Bùi Việt Bằng luôn đạt thành tích cao trong học tập, và sau này lúc đã chuyển sang làm VĐV chuyên nghiệp, nhờ ý thức luôn tự rèn luyện mà Bằng đã sở hữu vốn tiếng Anh rất tốt và có nhiều thời điểm Bằng đảm nhiệm luôn vai trò phiên dịch viên của ĐT karate VN.

Lâu nay mỗi khi nhắc đến thể thao thì không ít người thường mặc định luôn rằng đấy là lĩnh vực dành riêng cho những người có ưu thế về thể lực mà không cần đòi hỏi nhiều trí tuệ hay sự thông minh, nhưng với tư cách là người trong cuộc, Bùi Việt Bằng lại không nghĩ thế.

Bằng giải thích: “Để chơi được thể thao thành tích cao thì VĐV phải có tư chất thông minh, nếu không đủ tư chất thông minh thì thật sự không thể lên đến đỉnh cao, chỉ có thể hình thể lực không thôi thì chưa đủ. Chính vì thế mà mọi người cứ nghĩ VĐV thì chỉ có sức mạnh cơ bắp, sức khoẻ, nhưng nghĩ như thế là sai lầm, vì VĐV có một loại hình thông minh khác với người khác.

Khoa học đã chứng minh là có đến 8 loại hình thông minh, và VĐV là những người có loại hình thông minh vận động. Đây là loại hình thông minh rất đặc biệt, nhất là trong những môn mang tính chất đồng đội hoặc đối kháng trực tiếp như võ chẳng hạn thì những người đó thường có tư duy phân tích rất tốt. Ví dụ như tư duy phân tích về đối thủ, tư duy phân tích về trận đấu, tư duy về chiến thuật, chiến lược, lập kế hoạch…”.

Tất nhiên, không phải tự nhiên mà Bằng nhận thức được điều này, mà đấy là kết quả của cả một quá trình, mà như tâm sự của Bằng thì “bản thân em khi nghỉ thi đấu thì cũng rất vất vả, và sau khi kinh qua một vài công ty thì em mới biết mình có cái gì, chưa có cái gì, những cái gì là yếu, là mạnh của mình”.

Khi còn thi đấu, Bằng từng ấp ủ ý tưởng về việc sau này sẽ lập một công ty PR riêng về tiếp thị thể thao, và thực tế là bằng đã nghiên cứu rất kỹ những cuốn sách dày cộp về marketing, luật… để phục vụ cho ý tưởng này, nhưng hiện tại Bằng lại đang theo đuổi nghiệp làm thầy, cũng là một giấc mơ ấp ủ từ thủa nhỏ của cựu tuyển thủ karate rất năng động này.

Hiện thực hóa giấc mơ

Hiện tại, Bùi Việt Bằng đang là Chủ nhiệm của CLB võ thuật Việt Nhật có trụ sở chính tại Võ đường Việt Nhật (Việt Nhật Dojo, ngõ 14, Hồ Đắc Di, Đống Đa, Hà Nội) cùng 4 cơ sở khác ở các quận nội thành Hà Nội. Tiền thân của CLB võ thuật Việt Nhật là CLB karatedo Đội Nhân do anh trai Bùi Quang Bình của Bằng sáng lập cách đây đúng 10 năm. Sau này, khi anh trai của Bằng phải chuyên tâm vào công việc của một giảng viên võ thuật quân sự tại Học viện An ninh nhân dân thì Bằng đã tiếp quản lại CLB.


Bùi Việt Bằng (phải) là một trong những tuyển thủ QG karate hiếm hoi còn gắn bó với môn võ này sau khi đã giải nghệ

Bằng tiết lộ, từ khi còn thi đấu Bằng đã rất hứng thú với công việc của một người thầy, và tranh thủ thời gian rảnh rỗi hiếm hoi mỗi khi không phải tập trung ở ĐTQG vào cuối tuần, Bằng đã tổ chức một nhóm nhỏ các bạn trẻ yêu thích karate để hướng dẫn họ tập luyện một cách bài bản.

Sau này, khi tiếp quản lại CLB võ thuật Việt Nhật từ tay anh trai Bùi Quang Bình, ban đầu Bằng cũng quản lý CLB theo mô hình kiểu cũ, nhưng sau khi có chương trình hợp tác với tập đoàn Đông Dương thì Bằng có được tiếp xúc với mô hình nhượng quyền giáo dục của Mỹ, và từ đó Bằng đã phác ra cho mình một hướng đi mới.

Bằng nói: “Em nhận thấy nếu mình có một phương pháp tốt, một uy tín tốt, một chương trình tốt thì mình nên cố gắng tìm cách nhân rộng nó ra để cho nhiều người được thụ hưởng nó chứ không nên chỉ nghĩ giữ riêng bí quyết ấy cho mình. Em đang cố gắng chuẩn hoá đến mức độ có thể làm mô hình nhượng quyền được.

Mô hình nhượng quyền dưới góc độ kinh doanh thì rất hiệu quả, còn dưới góc độ đem lại giá trị cho xã hội thì có giá trị lan toả rất lớn, vì sự tiêu chuẩn hoá của nó rất cao, rất khoa học, rất chi ly, nhưng để được như thế thì đòi hỏi quá trình và thời gian. Hiện nay bọn em vẫn đang phấn đấu để xây dựng thành mô hình nhượng quyền để sau này có thể nhiều người thụ hưởng”.

Tất nhiên, để hoàn thành được mục tiêu đầy tham vọng này thì Bằng phải trải qua một chặng đường rất dài, nhưng trong hành trình ấy Bằng chắc chắn sẽ không cô độc, bởi Bằng đã và đang nhận được sự giúp đỡ từ rất nhiều phía, “vì mô hình mà em đi tương đối là mới, theo quy chuẩn xã hội hoá thể thao, em nhận được sự ủng hộ và tư vấn của các chuyên gia về giáo dục và kinh doanh.

Họ tư vấn cho em những mô hình rất là tốt, đặc biệt là về những mảng của thể thao mà em chưa từng nghĩ đến, như truyền thông, makerting, quản lý. Để có mô hình nhượng quyền tốt thì phải có hệ thống truyền thông bài bản, hình ảnh thương hiệu tốt. Em nghĩ những cái tư vấn mà em nhận được như thế thì tốt hơn nhiều so với việc cung cấp cho em một nguồn tài chính”.

Một trong những nỗi dằn vặt lớn nhất của Bằng là những đồng đội cùng trang lứa với Bằng có nhiều người rất tài năng và từng có thành tích cao khi còn thi đấu, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, trong đó chủ yếu là do mưu sinh, mà đến lúc này gần như chỉ còn duy nhất Bằng theo đuổi việc phát triển phong trào karate. Vì thế, Bằng đã đặt vấn đề với một số đồng đội cũ về việc tham dự CLB võ thuật Việt Nhật và phản hồi ban đầu là rất tích cực, khi một số đồng đội cũ của Bằng đã nhận lời làm chuyên gia và HLV cao cấp của CLB.

Có niềm đam mê rất lớn với võ thuật và dự tính sẽ theo đuổi sự nghiệp võ thuật lâu dài nên không có gì ngạc nhiên khi Bằng dành rất nhiều tâm huyết cho karate. Bằng tâm sự: “Võ là một môn thể thao rất đặc biệt, là tính giáo dục của nó rất cao, vì người ta chỉ nói là học văn học võ, còn cầu lông hay tennis hoặc bóng đá thì chỉ nói là chơi cầu lông, chơi tennis.. Có thể coi là một môn ở giữa giáo dục và thể thao. Vì thế võ thuật vừa có sự bắt buộc mà lại không bắt buộc. Sợi dây kết nối giữa thầy với trò trong võ chỉ là tình cảm và uy tín, đấy là cái hay nhưng đồng thời cũng là thử thách với người thầy dạy võ”.

Cũng vì ý thức được vai trò quan trọng của một người thầy dạy võ như thế nên Bằng đã xây dựng những tiêu chuẩn có tính chuẩn hóa rất cao để một học sinh lâu năm có thể giữ cương vị trợ giảng và từ đó trở thành HLV tại CLB. Bằng nói: “Ảnh hưởng của thầy dạy võ đến đứa trẻ là rất lớn nên tiêu chuẩn mà em đưa ra để một bạn từ học sinh lâu năm trở thành trợ giảng phải mất rất nhiều công sức rèn luyện. không chỉ yêu cầu chuyên môn về võ mà còn cần kiến thức xã hội, tâm lý, văn hóa… thì các bạn ấy mới đạt được nấc trợ giảng”.

Hoàng Anh

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN