TTVH Online

Bóng đá và suy thoái kinh tế

04/03/2012 18:52 GMT+7

Cả thế giới nói chung và châu Âu nói riêng đang đau đầu đối phó với suy thoái kinh tế và khủng hoảng nợ công trầm trọng.

(TT&VH Cuối tuần) - Cả thế giới nói chung và châu Âu nói riêng đang đau đầu đối phó với suy thoái kinh tế và khủng hoảng nợ công trầm trọng. Nhưng ngày qua ngày, hàng núi tiền vẫn được đổ vào bóng đá ở khắp nơi, nhưng không phải với danh nghĩa và mục đích của những gói kích cầu như các chính phủ đang làm với các nền kinh tế.

Bất chấp khủng hoảng

Cuộc suy thoái kinh tế nổ ra ở Mỹ vào năm 2008 và lan rộng ra toàn cầu đã ảnh hưởng đến hầu hết mọi nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Nhưng với bóng đá, bóng dáng cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn còn khá mù mờ. Bằng chứng là số tiền được ném vào thị trường mua bán cầu thủ vẫn không ngừng tăng lên một cách chóng mặt qua từng mùa giải. Kéo theo đó là giá trị các hợp đồng chuyển nhượng và cũng như quỹ lương dành cho các cầu thủ cũng được đẩy lên cao đến mức phi lý.



Manchester City đang sống bằng túi tiền không đáy của các ông chủ Arab - Ảnh Getty

Không chỉ dừng lại ở những cái tên như Manchester City ở Anh, Real Madrid ở Tây Ban Nha, Bayern Munich ở Đức, Juventus ở Italia hay Paris Saint Germain ở Pháp, nhiều đội bóng ít tên tuổi khác đang trở thành “mỏ vàng” với các cầu thủ, như Anzhi ở Nga, Thân Hoa Thượng Hải ở Trung Quốc. Thậm chí, ở một quốc gia mà mức thu nhập bình quân đầu người mới chỉ vượt qua ngưỡng nghèo như Việt Nam, chợ cầu thủ cũng bị náo loạn vì những bản hợp đồng “bom tấn”.

Rõ ràng, bóng đá đang đi ngược với quy luật kinh tế, đặc biệt là các giải pháp đối phó với khủng hoảng. Về nguyên tắc, để có thể tồn tại trong tình cảnh kinh thế khó khăn, các đội bóng phải cắt giảm chi phí, thu hẹp quy mô và thậm chí, tái cấu trúc đề phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Nhưng đó không phải là cách làm được các ông chủ giàu có từ mang tiền từ lĩnh vực khác nhảy sang bóng đá. Dường như càng khủng hoảng kinh tế, chi tiêu cho bóng đá càng mạnh tay hơn.

Đầy rẫy nguy cơ

Số tiền này không phải do các đội bóng tích lũy được từ trước, ngay “phá két” đem ra tiêu. Phần lớn các câu lạc bộ đều phải đi vay ngân hàng để mua cầu thủ cũng như trang trải chi phí hoạt động. Không nhiều ông chủ tự bỏ tiền túi của mình ra để đầu tư cho đội bóng, mà phần lớn họ biến đội bóng thành một con nợ lớn nhưng vẫn mang lại lợi nhuận cho mình, với tư cách là một nhà đầu tư.

Dưới triều đại của gia đình Malcolm Glazer, Manchester United làm ăn phát đạt là vậy, nhưng khoản nợ mà “Quỹ đỏ” phải gánh thì ngày một nhiều hơn. Lợi nhuận đã chảy vào túi các ông chủ Mỹ, còn nợ nần thì câu lạc bộ vẫn phải còng lưng trả. Thế nên, chẳng có gì ngạc nhiên khi Manchester United trở thành đội bóng nợ nần nhiều nhất thế giới trong năm 2011, lên đến 700 triệu euro.

Người ta đã nói nhiều đến bong bóng bất động sản, vàng hay chứng khoán. Bong bóng trong bóng đá cũng đang tồn tại, và nguy cơ về một sự sụp đổ dây chuyền là hoàn toàn có thể xảy ra. Để ngăn chặn những hậu quả khôn lường, Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) quyết định áp dụng Luật tài chính công bằng (Financial Fair Play Regulations - FFP) từ mùa giải 2011-2012.

Hiểu một cách nôm na, luật này sẽ nhằm hạn chế việc các câu lạc bộ “vung tay quá trán”, tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được. Nếu muốn dự Champions League hoặc Europa League ở mùa 2014-2015, từ nay đến đó các câu lạc bộ không được phép lỗ quá 45 triệu euro/mùa. Đến mùa 2015-2016, mức lỗ được khống chế xuống còn dưới 30 triệu euro và từ mùa 2018-2019 trở đi, khoản lỗ được phép chỉ còn 10 triệu euro.

Bài học nhãn tiền

Mới đây, Glasgow Rangers - một trong hai câu lạc bộ hàng đầu của bóng đá Scotland, bên cạnh Celtic - đã bị đưa vào diện bảo hộ phá sản. Với khoản nợ 75 triệu euro không có khả năng thanh toán, Rangers buộc phải cầu cứu chính phủ, đồng nghĩa với việc họ bị trừ 10 điểm ở giải vô địch quốc gia và cấm tham gia vào thị trường chuyển nhượng.

Tương lai đội bóng 140 năm tuổi này thật mờ mịt. Đáng lo ngại hơn, Rangers chỉ được xem là “phần nổi của tảng băng chìm” trong làng bóng đá Vương quốc Anh. Hàng loạt câu lạc bộ ở Premier League đang bị điều tra về tài chính vì đứng trước nguy cơ rơi vào tình cảnh tương tự Rangers. Nhiều manh mối về việc các câu lạc bộ trốn thuế cũng đã được lần ra.

Nhìn lại lịch sử, Rangers không phải là câu lạc bộ đầu tiên rơi vào tình trạng phá sản. Leeds United, đội bóng Anh từng lọt vào bán kết Champions League mùa 2001-2002, là một ví dụ. Ở Italia, Fiorentina hiện tại là một đội bóng hoàn toàn khác, được thành lập sau khi Fiorentina trước đây phá sản vào năm 2002. Dortmund, đương kim vô địch Bundesliga, cũng từng đứng bên bờ vực phá sản vào năm 2005, đến mức phải ngửa tay nhận khoản tiền 2 triệu euro “viện trợ không tính lãi” từ kình địch Bayern Munich để có thể tồn tại.

Số tiền đầu tư cho thể thao nói chung và bóng đá nói riêng là rất lớn, nhưng không dễ sinh lời nhiều và một cách nhanh chóng. Nền kinh tế Hy Lạp, điểm nóng nợ công tại châu Âu khiến cả eurozone (khu vực sử dụng đồng tiền chung ở châu Âu gồm 17 quốc gia thành viên), điêu đứng cũng một phần vì đất nước của các vị thần đã “chơi trội” khi tổ chức Olympic Athens 2004 với khoản kinh phí lên tới 9 tỷ euro. Tương tự là tình cảnh của Bồ Đào Nha, quốc gia đã chi hơn 5 tỷ euro cho việc tổ chức EURO 2004.

Tình hình bất ổn với nguy cơ xung đột vũ trang tăng cao ở vùng Vịnh, nơi chiếm 2/3 trữ lượng và hiện sản xuất 25% dầu cho thế giới, đang đẩy giá dầu leo thang. Điều đó sẽ giúp các ông chủ Arab trong bóng đá có nhiều tiền hơn để ném vào những câu lạc bộ như Manchester City, Paris Saint Germain hay Malaga. Nhưng một khi các ông chủ Arab chán bóng đá, những đồng tiền nhuốm mùi dầu mỏ này bỗng dưng bốc hơi, thì hậu quả nó để lại cho bóng đá châu Âu sẽ ra sao.

1,6 tỷ euro

Đó là khoản lỗ của các câu lạc bộ châu Âu trong năm 2011, theo kết quả điều tra của UEFA, vượt xa mức lỗ 1,2 tỷ euro của năm 2010. Có đến 56% câu lạc bộ làm ăn thua lỗ và 78% trả lương vượt giới hạn ngân sách theo quy định. Nhiều câu lạc bộ đã lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, mà điển hình là Man United (nợ 700 triệu euro), Chelsea (650), Valencia (450), Liverpool (343) và cả Man City (299).

Chỉ “béo” giới “cò”

Bất chấp việc các câu lạc bộ làm ăn không mấy hiệu quả, khi mà càng có nhiều tiền được ném vào bóng đá thì giới “cò” cầu thủ lại càng “béo”. Thị trường chuyển nhượng cầu thủ hiện đang bị giờ “cò” lũng đoạn, đẩy giá trị chuyển nhượng cũng như mức lương lên cao một cách phi lý. Theo thống kê mới đây của Futebol Finance, một cơ quan chuyên về tài chính bóng đá của Bồ Đào Nha, Gestifute - công ty của “siêu cò” Jorge Mendes - là công ty đại diện giàu nhất thế giới bóng đá. Gestifute đang đại diện cho tổng cộng 83 cầu thủ cũng như huấn luyện viên, trong đó có những cái tên như Cristiano Ronaldo, Falcao hay Jose Mourinho... với tổng giá trị lên đến 563 triệu euro. Đứng sau Gestifute là Football Stellar, một công ty của Anh đại diện cho 209 cầu thủ với tổng giá trị 274 triệu euro. Đây là nơi mà Ashley Cole, Peter Crouch hay Petr Cech đang đầu quân. Trong số 20 công ty đại diện hàng đầu thế giới theo thống kê của Futebol Finance, có bảy công ty đến từ Đức, 5 của Tây Ban Nha, 2 của Pháp và Brazil. Đ.H

Cơ hội làm “cò” FIFA tại Việt Nam

Theo thông tư số 1291 do ông Mark Kattner, Phó Tổng Thư ký FIFA, ký gửi Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) thì kỳ thi chứng nhận đại diện cầu thủ, hay vẫn quen gọi là “cò”, của FIFA sẽ được tổ chức vào một ngày duy nhất cho toàn bộ các khu vực trên thế giới, cụ thể là ngày 29/3/2012 (vào lúc 10h sáng, theo giờ địa phương). Hạn chót để các cá nhân đăng ký tham gia dự thi với VFF là ngày 12/3/2012. Thông tin chi tiết tham khảo tại địa chỉ http://vff.org.vn hoặc qua số điện thoại 04.37343987.

Đông Hà

  


Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN