TTVH Online

VCPMC vất vả tìm người nhận tác quyền thơ

09/02/2012 09:56 GMT+7

Hiện Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đang ra sức kêu gọi gần 100 nhà thơ bỏ thời gian để… liên lạc và tới nhận tiền từ tổ chức này.


(TT&VH) - Tiền tác quyền cho những bài thơ được phổ thành nhạc, với “nơi nhận” là những cái tên quen thuộc của làng thơ Việt Nam như Thu Bồn, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Trần Đăng Khoa… Hiện, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đang ra sức kêu gọi gần 100 nhà thơ bỏ thời gian để… liên lạc và tới nhận tiền từ tổ chức này.

Số tiền “nhuận thơ” cho những tác giả có tác phẩm được phổ nhạc sẽ lấy từ số tiền tác quyền chung cho mỗi ca khúc. Trên lý thuyết, VCPMC có thể trả “một gói” cho các nhạc sĩ, sau đó từng nhạc sĩ lo liên hệ và trả phần trăm cho các nhà thơ có tác phẩm được “mượn” để phổ nhạc theo mức quy định (thông thường là 25 - 30% tiền tác quyền ca khúc). Tuy vậy, tổ chức này vẫn quyết định trực tiếp trả tiền cho các nhà thơ để mọi chuyện được đồng bộ và rõ ràng.

Theo VCPMC, đến thời điểm này chương trình biểu diễn của ca sĩ Chế Linh
vào năm 2011 vẫn chưa thanh toán tiền tác quyền

Được cộng dồn trong nhiều năm kể từ khi thành lập, mức tiền “truy lĩnh” tác quyền của tác giả thơ được phổ nhạc có sự khác biệt, tùy thuộc vào số bài thơ được phổ nhạc và số lượt ca khúc được dùng. Theo VCPMC, mức tiền tác quyền thấp nhất trong số này là vài trăm ngàn đồng, còn cao nhất là hơn 10 triệu đồng. Thậm chí, có nhà thơ chỉ sở hữu một hai ca khúc được phổ nhạc nhưng số lượt sử dụng lại rất cao như trường hợp nhà thơ Đoàn Thị Tảo với bài Chị tôi (được Trọng Đài phổ thành ca khúc cùng tên) thu về gần 10 triệu đồng.

Tuy nhiên hiện nay có gần 100 nhà thơ (tuy đây chỉ là số lượng nhỏ nhỏ so với số nhà thơ đã nhận tác quyền) chưa làm việc với VCPMC để nhận tác quyền. Theo Trung tâm, có nhiều lý do: một số nhà thơ sống tại các địa phương xa, nên không tìm ra địa chỉ lẫn số tài khoản để chuyển tiền. Một số khác tỏ ra không quan tâm tới số tiền này... “Có những trường hợp biết số tiền không nhiều nên qua điện thoại họ nói rằng... ủng hộ chúng tôi luôn. Là nơi làm nhiệm vụ thu và trả tiền cho người sáng tác, chúng tôi tuyệt đối không thể hành xử theo kiểu tình cảm như vậy - đại diện VCPMC bày tỏ - Dù ít, dù nhiều, VCPMC sẽ tìm được cách chuyển tiền tới các nhà thơ này”.

Sau các nhạc sĩ, việc tính tới tiền thù lao của các nhà thơ có thể coi là một bước mới trong hoạt động của VCPMC. Thống kê chính thức cho thấy số tiền tác quyền Trung tâm thu về trong năm 2011 là hơn 41 tỷ đồng (tăng 27% so với năm 2010), trong đó có số một tiền đáng kể là tác quyền của các nhà thơ được các nhạc sĩ phổ nhạc. VCPMC đang nỗ lực tìm mọi cách để trao tiền tác quyền đến tận tay các nhà thơ.

Nhiều chương trình chây ỳ tiền tác quyền

Trong năm 2011 số tiền thu được từ lĩnh vực biểu diễn trực tiếp trên sân khấu chỉ là 3,6 tỷ đồng, nhưng già nửa các chương trình biểu diễn này vẫn nợ hoặc chây ỳ trong việc trả tiền tác quyền cho VCPMC. Được biết, trong năm 2011, VCPMC đã liên tục gửi kiến nghị và góp ý tới các cơ quan chức năng để đề nghị bổ sung điều khoản “đã trả tiền tác quyền đầy đủ” như một yêu cầu bắt buộc trong số các điều kiện để cấp giấy phép tổ chức biểu diễn.

Hiện nay, trong khi khá nhiều Sở VH,TT&DL phía Nam đã chủ động áp dụng phương thức này khi cấp phép biểu diễn thì các cơ quan quản lý phía Bắc và Cục Nghệ thuật Biểu diễn mới chỉ yêu cầu người tổ chức “cam kết” về việc trả tiền quyền. Đó cũng là lý do dẫn tới việc số trường hợp chưa trả quyền tác quyền âm nhạc diễn ra rất nhiều tại khu vực phía Bắc, mà trường hợp đêm nhạc Chế Linh là ví dụ điển hình.

Cúc Đường

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN