TTVH Online

Tết giàu, Tết nghèo

14/01/2012 13:48 GMT+7

Còn mấy ngày nữa là đến 23 tháng Chạp, ngày tiễn ông Công, ông Táo về trời.

(TT&VH) - 1. Còn mấy ngày nữa là đến 23 tháng Chạp, ngày tiễn ông Công, ông Táo về trời.

Tôi ra chợ mua bộ áo mũ Công Táo nhỏ giá ba chục ngàn và kèm theo bộ áo nón cho mẹ cháu đã khuất núi chín năm nay.

Vẫn biết thần linh là trong trí tưởng tượng của con người. Cũng có thể có thật mà cũng có thể không. Nhưng đó cũng là những thứ gắn với Tết cổ truyền thì làm như một thói quen. Chuyện đó không cũ không mới nhưng đó là lòng biết ơn với mảnh đất nơi mình ở, biết ơn với những gì đã từng gắn bó với cuộc đời mình là cho người ta sống thanh thản hơn vì con người sống phải biết có trước có sau.

Chẳng có ai ăn Tết mà chỉ biết vui cho mình. Lòng trắc ẩn khiến cho người ta sống trở nên tử tế và chân thành hơn.

Đồ cúng ông Công, ông Táo - Nguồn: Internet

2. Tết nhất là ngày họp mặt đủ nhất trong năm, xa gần người ta tìm về quê hương bản quán  thắp nén nhang lên bàn thờ tổ tiên, nói những được mất trong một năm qua. Những năm gần đây có nhiều bạn trẻ hoặc những gia đình có chút dôi dư thì chọn Tết cho một chuyến du lịch đâu đó vì thấy cái Tết tại chỗ đã trở nên mờ nhạt, muốn tìm một vị Tết giữa một vùng trời mới. Nhưng cũng còn nhiều những cái Tết xa nhà vì hoàn cảnh. Có những người lao động cho các khu chế xuất hoặc khu doanh nghiệp không mua nổi vé về quê vì thu nhập quá thấp. Đành nhớ Tết bằng tâm thức, ăn tạm cái Tết xa quê để hy vọng một tết sau. Đó cũng là những đổi thay trong đời sống Tết của dân ta.

Tôi chưa bao giờ ăn Tết trên đường. Thứ nhất bởi mình là chủ gia đình, con cháu chúng quấn quít không thể rời. Hai là không muốn ba ngày Tết để hương lạnh khói tàn trên bàn thờ. Cũng không thể quên chuẩn bị một món tiền phong bao cho con cháu chút niềm vui gây vốn dịp đầu năm.

3. Dần dần cái bánh chưng, lọ dưa hành câu đối đỏ cũng chỉ còn là hình thức. Những thứ đó của một thời  dù chưa xa  nhưng nhắc nhở người ta nhớ đến truyền thống và nhớ đến cái nghèo.

Tết xưa cái ăn là quan trọng, bây giờ cái vui chiếm chỗ, ăn uống ngày thường nơi phố phường đã như Tết, còn làng xóm thì miếng cơm manh áo đã đầy đặn hơn. Nơi đô hội, người ta đua là đua vươn tới giàu có thôi. Tuy vậy lui sâu vào núi thì cái Tết vẫn còn giống cái Tết xưa lắm. Nghĩa là vẫn  đậm chất đói nghèo. Trẻ con vẫn chờ manh áo mới, người già cũng mong có miếng thịt trong ba ngày Tết, vẫn còn nhiều cái Tết buồn.

4. Trong mấy ngày này, chợ đào Nhật Tân đang nóng dần lên với giá đào vài triệu đến vài chục triệu một gốc thì lác đác trên mạng đang í ới gọi nhau góp tiền sắm áo quần cho một chuyến đi vùng cao vào dịp Tết cho các cháu. Đó cũng là cái mới rất cảm kích của những tấm lòng của những người nhớ đến đồng bào của mình.

Ngày Tết cho thấy rất rõ diện mạo một dân tộc qua cách ăn chơi ứng xử đùm bọc. Tết ta chắc khác Tết phương Tây ở chỗ ngày Tết là cơ hội bộc lộ rõ các sống lối sống và ứng xử với nhau. Không phải Tết chỉ là chuyện chấm dứt một năm để bước vào một năm mới.

Đỗ Đức

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN