Nhiều người kiên quyết bỏ qua các thông tin “khủng bố tinh thần” liên quan đến thứ “giời không dung đất không tha” do Luyện gây ra. Tôi đón nhận tin về việc xét xử Lê Văn Luyện và nhóm người liên đới với một cảm xúc rất riêng.
Tôi nhớ đến ánh mắt và câu chuyện thản nhiên lì lợm của Luyện trong cuộc gặp cách đây ít ngày. Mỗi lúc hắn ngừng kể, tôi và chiến sỹ công an cùng hỏi “gì nữa?”, hắn thủng thẳng “và em cắt cổ (em chém, em móc mắt) ông (bà, đứa bé) ấy”. Hôm đó, tôi đã kiên quyết không cho đồng nghiệp chụp bức ảnh mình đang ngồi gần phỏng vấn Luyện. Ra khỏi phòng “hỏi cung”, tôi đã ngẩn ngơ ngồi như hóa đá, rằng: tại sao thế gian lại sinh ra một thứ quái thai như Lê Văn Luyện nhỉ?
1. Có lẽ, trong năm 2011, hiếm người Việt biết chữ nào mà chưa từng đọc gì đó liên quan đến Lê Văn Luyện. Lẽ ra tôi chẳng phải giới thiệu thêm dòng nào về “nhân vật đen tối khét tiếng của năm”, với thảm án đột nhập hiệu vàng Ngọc Bích (ở Phố Sàn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang), giết man rợ một lúc 3 người, trong đó có bé Thảo mới 18 tháng tuổi, chém lìa cánh tay với mong muốn giết bằng chết cháu Bích 9 tuổi đầu. Tôi đã có mặt ở phố Sàn với tiệm vàng phủ trắng màu tang đó ngay sau khi những cái chết bất toàn thây của vợ chồng anh Ngọc, chị Chín và bé Thảo miệng còn hơi sữa. Những mạng người bị cướp đi kia đã thổi mù mịt khói nhang vào lòng hàng chục triệu đồng bào nước Việt.
Bấy giờ, có người nói không ngoa là phố Sàn dân cư hoảng loạn lánh đi nơi khác khá nhiều, chỉ có hai lực lượng đông đảo nhất xung quanh khu nhà bị thảm sát là…công an và nhà báo. Tại UBND xã sở tại, tôi chứng kiến các điều tra viên thức trắng đêm ngày, gọi hỏi rất rất nhiều thanh niên “đầu xanh đầu đỏ”. Bởi khi còn tỉnh táo “vô tình” sống sót, bé Bích đã kể về cái đứa giết bố mẹ và em bé Thảo nhà cháu có cái đầu nhuộm xanh nhuộm đỏ. Tôi nhớ hôm vào thăm anh trai của chị Đinh Thị Chín (vợ anh Ngọc, chủ tiệm vàng) - cũng là một đồng nghiệp của tôi, hiện đang công tác tại Báo Bắc Giang - gặp anh, tôi đã không cất nên lời. Tôi không biết phải nói gì trong hoàn cảnh đó. Anh cũng lặng im. Không lẽ lại nói rằng lòng chúng tôi đang tan nát? Cái việc xả thịt người người rùng rợn chưa từng thấy, cái việc cắt cổ cháu bé còn chưa biết nói sõi tiếng người thế kia, nó như vò nát tâm can bất kỳ ai. Nghĩ đến điều đó, như thể có một đám mây u tối thê lương kéo qua ánh mắt, qua nhân sinh quan và sự thao thức của con người.
Lê Văn Luyện trước ngày ra vành móng ngựa
2. Khi Luyện bị bắt, ai nấy sững sờ: một cậu bé chưa đầy 18 tuổi, không thể nói là không…bảnh trai. Xóm giềng còn khen Luyện vốn “có vẻ” hiền lành. Cả khi bị các chiến sỹ biên phòng ở biên giới Lạng Sơn bắt, Luyện còn khảng khái, các chú bắn cháu đi. Khi tôi vào trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang “xem mặt”, “giải đáp các thắc mắc” về một quái thai gây xiết bao tổn thương cho người có lương tri đó, thì Luyện cũng thủng thẳng: “Tội của cháu đáng…tử hình”. Cái đứa quái đản là nó biết nghĩ “dám làm dám chịu kiểu anh hùng rơm ư”? Hay trước khi gây án, nó biết theo quy định luật pháp ở ta, thì đứa dưới 18 tuổi như nó, có gây án thế chứ gây án…nữa cũng chỉ cùng lắm là 18 năm tù giam?!
Trước khi xin với Công an Bắc Giang và nhờ một thượng tá có uy tín dẫn vào gặp Luyện, tôi có đi công tác cùng “thần đồng” nổi tiếng với cái nhìn “phân tích xã hội” sắc như dao cau - nhà thơ Trần Đăng Khoa. Ông Khoa thở dài: cứ cái đà trẻ dưới 18 tuổi gây án chỉ bị xử “nhẹ” như vậy, thì ông lo sợ rằng, chúng nó sẽ ỷ thế làm bậy bạ nhiều hơn, thậm chí giang hồ sẽ nghĩ cách thuê trẻ dưới 18 tuổi…thanh toán đối phương (?!). Sau này, ông Khoa đã trả lời phỏng vấn một tờ báo, có công khai nói suy nghĩ này trước bàn dân thiên hạ.
Trở lại hôm Luyện ngồi với tôi: Luyện tự nhận “cháu béo lên khoảng 5kg kể từ ngày bị các chú công an bắt giam”, rồi hắn thản nhiên: “nếu cho cháu tự ngồi tòa, tự xét xử và đưa ra bản án cho…cháu, thì cháu sẽ nhận mức án tử hình”. Vì tội của cháu lớn lắm. Cháu xin lỗi xã hội, xin lỗi gia đình nạn nhân, cháu thường mơ đến cháu bé 18 tháng tuổi đã bị cháu cắt cổ kia. Cháu dỗ nó “em nín đi”, nó nín rồi, cháu định bỏ đi, đi rồi nó lại khóc, thế là cháu…cắt cổ nó. Cháu ở trong trại giam không ngủ được, có khi khóc suốt đêm, cháu khóc vì…nhớ người yêu. Cháu yêu hai cô, cô nào cũng là học sinh cấp 3, trẻ lắm, chúng nó trẻ đến mức bố cháu còn bảo: thôi, yêu làm gì vội, để cho con người ta nó còn đi học. À, bố cháu bị giam ở phòng bên kia, chú vừa gặp bố cháu rồi chứ. Vâng, cháu cũng đoán thế. Cháu thương bố mẹ cháu và người nhà cháu lắm, vì cháu mà cả 6 người bị khởi tố, bố cháu, mẹ cháu, anh cháu cùng bị tạm giam. Cháu chỉ ước tòa sẽ khoan hồng cho những người thân của cháu, còn cháu thì…bị tử hình cũng được.
Luyện nói rành rọt và lộn xộn như một thằng điên. Có người bảo Luyện lọc lõi, có người bảo Luyện ngớ ngẩn. Tôi thì nghĩ Luyện là một thứ quái thai của xã hội mà người như tôi không tài nào lý giải nổi. Luyện chưa bị một phiên tòa nào kết án cho đến khi gặp tôi và cả khi những dòng chữ này được xuất bản trên báo, vì thế tôi không muốn tùy tiện “quy” cho hắn một bản án. Song chắc chắn hắn là một quái thai. Cái quái thai này nó ra đời cũng có thể khiến chúng ta nghĩ rằng: nhiều người đã có lỗi để cho thế gian phải “ra lò”… thứ tai họa này. Luyện bảo, cháu đột nhập vào tiệm vàng, cháu nghĩ là phải giết hết họ, một là họ chết tất, hai là cháu sẽ bị chết. Họ mà sống, họ nhìn thấy mặt kẻ cướp của cháu thì cháu sẽ bị bắt và bị…bắn chứ sao! Thế là giết, là chặt, là cắt, là xả, là móc mắt.
Luyện không hẳn là đứa ngộ sát hay bị game online (trò chơi trực tuyến), hay cái gì đó tương tự xúi bẩy làm càn. Hắn chém người như một tên lâm tặc đi đốn gỗ trong rừng. Đi vòng vèo mua dao sáng loáng, dài thượt, mua đèn pin để kỳ công thâm nhập, mua ba lô để đựng lượng vàng khổng lồ trị giá tiền tỷ như hắn đã lấy được sau đó. Trước khi gây án, Luyện còn nằm ngoài chợ thâu đêm để rình, thuê nhà nghỉ để rình, đột nhập vào nhà anh Ngọc, lượn từ tầng nọ lên tầng kia nhiều tiếng đồng hồ rồi mới… xuống tay. Chẳng có cái gì lăn tăn hay gờn gợn chút nhân tính còn sót lại ở Luyện cả. “Cháu nghĩ gì khi làm việc đó (thảm sát)” - một người hỏi hơi vô duyên; Luyện thản nhiên: “cháu chẳng nghĩ gì cả”; một người tức tối: “Thế mày là cái máy chém à?”. Luyện cúi đầu lí nhí. Tuyệt nhiên không có một giọt nước mắt nào.
3. Phòng biệt giam kín mít, ô cửa sắt bé nhỏ, từ ngoài ánh nắng nhìn vào chỉ thấy thăm thẳm. Tôi nhìn kỹ thì thấy ánh mắt Luyện loang loáng, như con thú hoang từ bóng tối nhìn ra ngoài mặt trời. Mấy lần khóa được mở, Luyện lao ra, ngơ ngác, dường như hắn béo và…cao hơn khi bị bắt. Có lẽ tại thềm nhà giam quá cao so với nơi đứng quan sát của tôi. Nhưng, các cán bộ trại tạm giam đều xác nhận: Luyện béo lên trông thấy. Riêng Luyện xuống lời : vào đây cháu ăn ngủ như… lợn, có gì mà chẳng béo hả chú. Có người tức tối văng tục khi nhìn hình ảnh Luyện thản nhiên nói năng, xuất hiện trên báo chí với gương mặt béo ú: “nó nhởn nhơ, ăn no ngủ kỹ sau khi giết cả nhà người ta, nó giết chết cả biết bao tâm trạng tích cực của xã hội này”. Có người thở dài: nó là thứ quái thai, thì chấp gì.
Mà xã hội kiểu gì lại để cho những quái thai đó xuất hiện? Học hết lớp 9, bỏ nhà đi lang thang, làm thuê tứ tán, sống với cặn bã của xã hội, bố mẹ cũng mặc kệ, xã hội cũng “thân ai người nấy lo”. Giờ “ung nhọt” vỡ òa sinh ra Lê Văn Luyện, biết trách ai? Một Đại tá, nhà điều tra lão luyện của Cục Cảnh sát hình sự trực tiếp đi phá án, bắt Luyện đã day dứt: tội ác của Luyện là kinh hoàng, là ám ảnh mãi mãi trong ông. Đến giang hồ nó vào sinh ra tử đốn mạt thế, cũng chẳng đứa nào từng làm như Luyện. Đại tá Dư, Phó Giám đốc Công an Bắc Giang thì lại đau đớn với sự che giấu, không tố giác tội phạm của cả 6 người thân của Luyện. Như Lê Văn Miên (bố Luyện), đi chôn giấu tài sản con thảm sát cả gia đình người khác mà có được, một hành động không thể dung tha!
Một nhà báo, một thượng tá công an có mặt trong buổi tôi ngồi rất gần “quái thai” Lê Văn Luyện đã chụp ảnh tôi và hắn, có người còn bảo gửi ảnh đó cho tôi làm “kỷ niệm”. Tôi không biết mình nghĩ gì khi nghe câu đề nghị hữu hảo đó. Chỉ biết, tôi đã khéo léo từ chối. Và tôi không muốn giữ thêm ký ức về Luyện, nó thảm sầu và tang thương như Phố Sàn sau ngày đẫm máu kia. Ký ức ấy, trải nghiệm ấy nó làm tổn thương người ta. Tôi ngơ ngẩn ra khỏi trại giam Kế, ám ảnh “Lê Văn Luyện” cứ đeo đẳng như một bóng ma, nó làm tôi mất ngủ và liên tục thảng thốt trong đêm khuya. Chợt hiểu, vì sao sau mỗi thảm họa, người ta luôn để bác sỹ tâm lý đi đầu, đôi khi đi trước cả các bác sỹ băng bó chữa trị, trước cả các nhà kiến thiết lại các giá trị vật chất vừa bị phá hủy, chôn vùi.
Ghi chép của Phạm Thị Thảo Giang