TTVH Online

Ngắn dài văn chương đồng tính Việt Nam (Bài kết)

02/12/2011 06:31 GMT+7

Nhà văn Bùi Anh Tấn, nổi tiếng với các tác phẩm viết về đồng tính như Một thế giới không có đàn bà, Vòng tay không đàn ông… chia sẻ về một công việc mà anh cho là đầy nhọc nhằn và chịu nhiều định kiến.

(TT&VH Cuối tuần) - Nhà văn Bùi Anh Tấn, nổi tiếng với các tác phẩm viết về đồng tính như Một thế giới không có đàn bà, Vòng tay không đàn ông, Phương pháp của A.C. Kinsey… chia sẻ về một công việc mà anh cho là đầy nhọc nhằn và chịu nhiều định kiến.

Ở Việt Nam, người đầu tiên viết về đồng tính, không ai khác, chính là “ông hoàng thơ tình” Việt Nam - nhà thơ Xuân Diệu. Từ trước 1945, trong thơ ông đã viết: “Ta thấy em xinh khẽ lắc đầu/Bởi vì ta có được em đâu…”, lúc đó chúng ta chưa biết “em” trong thơ của ông đây chính là một “em trai” mà sau này Tô Hoài làm rõ trong hồi ký Cát bụi chân ai của mình. Thật ra chuyện Xuân Diệu đồng tính vốn xưa nay rân ran trong bạn bè văn chương rồi, tiếc là thời đó chuyện này còn “xa lạ” nên nhiều người biết, nhưng ngại nói ra.

Và Xuân Diệu là ai? Có lẽ rõ ràng nhất qua bài thơ Tình trai với những câu thơ say đắm:

Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine

……

Kể chi chuyện trước với ngày sau
Quên gió môi son với áo màu
Thây kệ thiên đường và địa ngục!
Không hề mặc cả, họ yêu nhau”.

Như vậy, nói đến lĩnh vực sáng tác liên quan đến đồng tính, Xuân Diệu xứng đáng là người đầu tiên, tuy nhiên vào thời điểm đó người ta chưa nói đến rõ ràng và tất cả chỉ tách bạch bắt đầu từ tiểu thuyết Một thế giới không có đàn bà (ra đời năm 1999 của tác giả Bùi Anh Tấn), sau đó là tiểu thuyết Song song (Vũ Đình Giang), 1981 (Nguyễn Quỳnh Trang)… và hai “tự truyện” Bóng (Nguyễn Văn Dũng), Không lạc loài (Nguyễn Thành Trung)…

Thực tế so với mặt bằng thế giới, văn học đồng tính Việt Nam xuất hiện khá muộn và cho đến nay vẫn chưa ghi được dấu ấn trong dòng văn học Việt nói chung. Tác phẩm viết về đồng tính xuất hiện vẫn lẻ tẻ, lác đác, có lúc là một tác phẩm trọn vẹn như: Les - Vòng tay không đàn ông, Phương pháp của A.C.Kinsey, Song song… Nhưng cũng có cả tập truyện có thêm một hai truyện, ví dụ: Tôi là les (tập Dị bản của Keng), Bầy thú bông của Quỳnh (tập Mưa đời sau của Trần Thùy Mai), Những đốm lửa trên vịnh Tây Tử (Trang Hạ)…

Và cũng có thực trạng là nhiều tác giả viết luôn có thêm “mắm muối” tí sex, tí đồng tính, tí bạo lực, uất ức… như tiểu thuyết Nháp của Nguyễn Đình Tú là một ví dụ cụ thể (nhà văn này cũng cho biết anh không viết về đồng tính mà là những “ẩn ức” về tình dục?!).

Với hai tự truyện của Nguyễn Văn Dũng (Bóng do Đoan Trang - Hoàng Nguyên thực hiện) và Thành phố không lạc loài (do nhà văn Lê Anh Hoài thể hiện), mới xuất hiện rất ầm ĩ, nhưng thực tế khó gọi là “văn học”. Vì là “người thật - việc thật” nhưng đôi lúc cũng trần trụi quá, gây phản cảm ngay trong chính cộng đồng người đồng tính. Sau một thời gian xuất hiện khá sôi nổi nhất, là trong năm 2008 có khá nhiều những tác phẩm viết về đồng tính thì trong vài năm gần đây những tác phẩm viết về đồng tính “bỗng dưng” ít đi và gần như biến mất… (?).

Trên tạp chí Sông Hương có một bài viết rất hay Văn chương đồng tính từ bóng tối ra ánh sáng đã cho chúng ta thấy một thực tế rằng văn học đồng tính Việt Nam (tạm gọi vậy) vẫn chưa có “phân nhánh”, như: văn học lãng mạn đồng tính, văn học kinh dị đồng tính… Trong khi lại không thiếu những tác phẩm câu khách rẻ tiền về đồng tính, nhất là trên lĩnh vực sân khấu với nhiều tấu hài nhảm nhí. Vậy viết về đồng tính là viết về cái gì? Chính là về quyền con người mà cụ thể người viết phải góp phần đấu tranh để đòi quyền bình đẳng cho người đồng tính…

Tuy nhiên, chúng ta đang sống ở một nước Á Đông với nhiều định kiến, nên thái độ dư luận dành cho những người đồng tính vẫn chưa được cởi mở. Sự thiếu hiểu biết cũng dẫn đến cách nhìn nhận thiếu thông cảm của xã hội dành cho những người đồng tính, vẫn xem đây là “bệnh tật”. Thế nên người viết phải có cái tâm, tầm và biết “dấn thân” khi khai thác về đề tài này. Bởi để thấu hiểu thế giới của người đồng tính là một điều không dễ dàng. Độc giả nói chung (gồm cả người đồng tính) sẽ nhanh chóng nhận ra những trang viết thật hay giả, điều đó sẽ khẳng định tác phẩm sẽ “sống” hay nhanh chóng rơi vào quên lãng. Tất cả thời gian sẽ trả lời.

Điều cuối cùng khi viết về đồng tính, người viết sẽ đối diện với một “lời nguyền” đó là câu hỏi: Giới tính của bạn là gì? Lý An không trả lời và tôi - Bùi Anh Tấn - cũng không trả lời.

Tặng bạn bây giờ

Ta biết ngày mai em có vợ
Đi làm hai bữa, tối về thăm
Cơm xong, chén nước chờ bên cạnh;
Em bế thằng con được mấy năm.
Chỉ mấy năm thôi, đủ phận chồng
Chàng trai tơ mởn đã thành ông
Không còn mộng dễ ngày tươi trẻ
Mắt sáng phai rồi, má hóp không.
Em ngồi trông vợ thấy nàng tiên
Là một người thôi, mộng hão huyền
Ta bước bên đường kêu gọi mãi
Nhớ người bạn cũ thuở anh niên.
Em nghe tê tái dưới hàng mi
Tiếc thuở say nồng, nhớ bạn si
Khép mắt buồn xa, em sẽ bảo:
- Có chàng Xuân Diệu thuở xưa kia...

(Bài này Xuân Diệu viết trước năm 1945, có ý kiến cho rằng nó nằm trong tập Chàng và chàng)

Bùi Anh Tấn (nhà văn)

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN